"Hiện có 54 quốc gia nằm trong danh sách các nước có khả năng vỡ nợ. Nếu có thêm cú sốc như lãi suất tăng khiến khoản vay nợ tăng cũng như giá năng lượng, thực phẩm tăng, một số nền kinh tế không thể tránh khỏi trường hợp mất khả năng thanh toán", giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner cho biết hôm 10/11. Trong số này có những nước như Nam Sudan, Afghanistan, Burundi, Cộng hòa Trung Phi và Dominica.
Ông Steiner cảnh báo lạm phát, khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng đang tạo ra những yếu tố khiến ngày càng nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ, với những tác động ảnh hưởng tiêu cực tới người dân.
Giám đốc UNDP lấy ví dụ về Sri Lanka, quốc gia đã lâm vào cảnh vỡ nợ, đang phải chịu các tác động tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội. Ông nhấn mạnh tình trạng vỡ nợ của bất cứ quốc gia nào cũng tạo thêm nhiều vấn đề cho công cuộc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo ông Steiner, nếu không có các biện pháp hỗ trợ các nước nghèo trả nợ, những quốc gia này sẽ không thể đối phó với khủng hoảng khí hậu. Ông nhận định khủng hoảng khí hậu đang làm vấn đề thêm phức tạp khi các nước phải chịu những tác động ngày càng tăng từ thời tiết khắc nghiệt.
Giám đốc UNDP nói rằng các quốc gia nghèo không nhận được tài trợ mà các nước phát triển đã cam kết và đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng về bão, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt.
Trước Sri Lanka, nhiều quốc gia từng tuyên bố vỡ nợ. Năm 2020, dưới ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, 5 nước Lebanon, Argentina, Belize, Zambia, Suriname lâm vào cảnh vỡ nợ. Venezuela, quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, năm 2017 và 2018 cũng rơi vào tình trạng này.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)