Người dùng tất cả 4 mạng viễn thông ở Myanmar không thể truy cập Internet từ khoảng 1h ngày 15/2 (1h30 giờ Hà Nội). Trong những ngày đầu sau cuộc đảo chính, Internet cũng bị cắt trên toàn quốc.
Alex Warofka, giám đốc chính sách về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tại Facebook, nói rằng Internet có thể bị cắt cho đến 9h (9h30 giờ Hà Nội).
Tối 14/2, ngày biểu tình thứ 9 liên tiếp tại Myanmar, xe bọc thép xuất hiện tại Yangon, Myitkyina và Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine Đây là lần đầu tiên các phương tiện được triển khai trên quy mô lớn như vậy, kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2. Cùng ngày, lực lượng an ninh Myanmar nổ súng giải tán đám đông bên ngoài một nhà máy ở Myitkyina, không rõ họ dùng đạn cao su hay đạn thật. Hãng truyền thông 74 Media cho biết chính quyền bắt 5 nhà báo sau vụ nổ súng.
Ngày 15/2, hơn một chục xe cảnh sát và 4 xe vòi rồng được triển khai gần chùa Sule ở Yangon, một trong những điểm biểu tình chính. Thêm nhiều binh sĩ được trông thấy ở các địa điểm chủ chốt của cố đô.
Các đại sứ quán phương Tây, từ Liên minh châu Âu, Anh, Canada và 11 quốc gia khác, ra tuyên bố vào tối 14/2, kêu gọi lực lượng an ninh "kiềm chế bạo lực chống lại người biểu tình và dân thường, những người đang phản đối việc lật đổ chính phủ hợp pháp của họ".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự, đồng thời yêu cầu quân đội Myanmar "cho phép khẩn cấp" nhà ngoại giao Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener vào nước này để đánh giá tình hình.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Tom Andrews gọi những nỗ lực của quân đội Myanmar nhằm kiềm chế phong trào phản đối là "dấu hiệu của sự tuyệt vọng" và "giống như khai chiến với chính người dân của mình". "Các tướng lĩnh hãy chú ý: các ông sẽ phải chịu trách nhiệm", Andrews viết trên Twitter.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo thực tế của nước này, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Động thái này đã châm ngòi những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Myanmar. Nhiều người lao động cũng đình công để bày tỏ phản đối.
Nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, cho biết ít nhất 400 người đã bị giam kể từ khi đảo chính xảy ra hồi đầu tháng. Các vụ bắt chủ yếu được tiến hành ban đêm, khiến nhiều người biểu tình giơ biểu ngữ kêu gọi giới chức "ngừng bắt cóc người dân giữa đêm".
Phương Vũ (Theo AFP)