Sáng 15/10, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp báo công bố sự kiện Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ ba. Tham dự cuộc họp có ông Tô Văn Động - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội; ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh và cũng là giám đốc liên hoan phim. Khẩu hiệu của LHP quốc tế Hà Nội lần thứ ba là “Điện ảnh - Hội nhập và Phát triển bền vững”.
Một trong những vấn đề nổi cộm được đưa ra trong cuộc họp báo chính là khâu tổ chức khi đông đảo bạn bè quốc tế trong giới nghệ thuật thứ bảy sẽ tề tựu tại thủ đô từ ngày 23/11 tới ngày 27/11 và hai sự kiện thảm đỏ là đêm khai mạc với bế mạc. Sự cố người mẫu Hồng Quế diện trang phục xuyên thấu gây phản cảm từ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai vào năm 2012 được nhắc lại.
Cục trưởng Ngô Phương Lan, giám đốc liên hoan phim, hồi tưởng: “Đó là một sự cố hoàn toàn bất ngờ mà đến nằm mơ tôi cũng không thể thấy. Sau ba năm tổ chức, chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Năm nay, ban tổ chức sẽ hạn chế tối đa tình trạng nghệ sĩ ăn mặc phản cảm trên thảm đỏ, nhưng cũng không loại trừ khả năng về các sự cố khác. Nhiều tiểu ban được thành lập, trong đó có tiểu ban an ninh sẽ làm nhiệm vụ bảo đảm cho đêm khai mạc và đêm bế mạc diễn ra tốt đẹp”.
Bà Ngô Phương Lan cũng cho biết ba hoạt động chuyên sâu của sự kiện lần này là Trại sáng tác tài năng trẻ HANIFF, Chợ dự án làm phim và Tọa đàm phim độc lập. Trại sáng tác đã xuất hiện từ liên hoan phim lần trước với mục đích trở thành diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm làm phim, phát triển dự án làm phim của các đạo diễn trẻ với những chuyên gia điện ảnh hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Chợ dự án làm phim là hoạt động lần đầu tổ chức và quy tụ những gương mặt mới trong lĩnh vực sản xuất phim truyện tại khu vực Đông Nam Á với mong muốn tìm kiếm đầu tư, cùng hợp tác và sáng tạo nghệ thuật.
Buổi hội thảo đáng chú ý trong khuôn khổ liên hoan phim là Hội thảo Hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam với sự góp mặt của CEO hãng CJ E&M - ông Jeong Taesung, đạo diễn - NSƯT Đặng Tất Bình và diễn viên Trương Ngọc Ánh. Ngoài ra còn có Tọa đàm về phim độc lập của Philippines, chủ trì là các nhà làm phim đến từ đất nước này. Chương trình Tiêu điểm điện ảnh của LHP quốc tế Hà Nội lần thứ ba sẽ giới thiệu 6 bộ phim độc lập gây chú ý của điện ảnh Philippines gồm Transit, Rekorder, Lauriana, Otso, Sonata và What is the Color of Forgotten Dream.
Bộ phim tài liệu của điện ảnh Campuchia từng được đề cử Oscar “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” hồi đầu năm nay là The Missing Picture cũng sẽ được chiếu trong chương trình chùm phim tài liệu dài chọn lọc của các nền điện ảnh thế giới.
Ban tổ chức cũng công bố đã có 327 bộ phim thuộc 32 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi tới tham dự LHP quốc tế Hà Nội lần thứ ba. Trong đó, các phim tham dự tranh giải tại LHP phải đáp ứng đủ các tiêu chí là chưa dự thi liên hoan phim quốc tế trong khu vực Đông Nam Á, có độ dài trên 75 phút (với phim truyện dài) và dưới 30 phút (với phim ngắn).
Chương trình điện ảnh thế giới ngày nay (Panorama) sẽ chiếu từ 30 đến 40 tác phẩm điện ảnh xuất sắc của nhiều nền điện ảnh như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ… Một số bộ phim Việt Nam đáng chú ý nhưng chưa ra rạp trong nước như Đập cánh giữa không trung, Nước 2030… cũng có khả năng được chiếu trong khuôn khổ liên hoan phim với những buổi ra mắt có sự tham gia của cả đoàn phim.
Toàn bộ các tác phẩm điện ảnh của LHP quốc tế Hà Nội lần thứ ba sẽ được chiếu ở 5 hệ thống rạp tại Hà Nội gồm Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, rạp Kim Đồng, rạp Tháng Tám, CGV Vincom và CGV Mipec. Chương trình chiếu phim sẽ được công bố vào đầu tháng 11.
Nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng thủ đô (10/10/1954) và để góp phần quảng bá du lịch nước nhà, ban tổ chức cũng tổ chức những buổi triển lãm các điểm đến, bối cảnh quay phim ở Việt Nam do Viện phim Việt Nam thực hiện. Các khách mời là những nhà làm phim, ngôi sao quốc tế sẽ có dịp tham quan những địa điểm nổi tiếng như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hoàng Thành Thăng Long hay khu du lịch Tràng An – Ninh Bình.
Lễ khai mạc diễn ra vào tối 23/11 còn lễ bế mạc - trao giải diễn ra tối 27/11 đều được tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và được tường thuật trực tiếp trên truyền hình.
Nguyên Minh