Theo công ty dữ liệu hàng hóa Argus Media, giá dầu Urals mới đây đã lần đầu vượt mức trần 60 USD mỗi thùng kể từ khi Mỹ và các đồng minh áp đặt vào tháng 12/2022. Đó là một dấu hiệu cho thấy Nga ghi một bàn thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với thị trường dầu mỏ toàn cầu bất chấp cấm vận.
Các thương nhân cũng cho biết các nhà sản xuất Nga gần đây tỏ ra ít muốn đàm phán giá với các công ty phương Tây. Đó là một sự thay đổi kể từ khi dầu Urals đạt gần 60 USD mỗi thùng vào tháng 4.
Washington gọi việc dầu Urals tăng giá là một chiến thắng nhưng quá hao tốn nguồn lực cho Nga. Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo nói rằng giá trần đang làm giảm đáng kể doanh thu của Nga trong khi thế giới vẫn có dầu Urals để dùng. "Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục tăng chi phí cho Nga để đảm bảo rằng họ có ít tiền hơn cho xung đột ở Ukraine, và điều đó đang xảy ra hàng ngày", ông nói.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga, vốn đã giảm xuống chỉ còn hơn một nửa so với cùng kỳ. Thời gian qua, việc bị áp giá trần, cùng với lệnh cấm vận dầu Nga ở châu Âu và sự suy giảm xuất khẩu đã làm tổn hại ngân sách của Điện Kremlin.
Một dấu hiệu khác cũng cho thấy tình trạng hụt thu có thể đã giảm bớt. Theo đó, chênh lệch chiết khấu giữa dầu Urals so với dầu Brent đã thu hẹp xuống còn 20 USD mỗi thùng. Con số này vẫn lớn hơn nhiều so với trước xung đột Ukraine nhưng đã giảm một nửa kể từ đầu năm.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, nơi Nga là thành viên, đã giúp đẩy giá dầu Urals cao hơn mức trần. Theo Sergey Vakulenko, nhà phân tích tại Carnegie Russia Eurasia Center, giá dầu tăng cho thấy Nga tăng tốc tự phát triển đội tàu chở dầu thay thế dịch vụ của phương Tây để không chịu các lệnh trừng phạt. Điều này đang làm xói mòn ảnh hưởng của phương Tây với hoạt động xuất khẩu dầu thô.
Đó là một quá trình "tiến hóa" và giờ đã có kết quả, theo Vakulenko. "Các công ty dầu mỏ của Nga đã nỗ lực rất nhiều để duy trì hoạt động kinh doanh và kiếm tiền. Họ đã chứng tỏ mình là những nhà điều hành có năng lực", chuyên gia đánh giá.
Ngoài ra, một vấn đề phức tạp hiện nay với phương Tây là rất khó biết chính xác dầu Urals được giao dịch thực tế ở mức giá nào. Việc đo lường giá dầu thô của Nga đã trở nên khó khăn hơn từ xung đột Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Trước đây, thương nhân và quan chức phương Tây dựa vào ước tính của các cơ quan báo giá. Ví dụ, S&P Global đã từng thu thập dữ liệu từ nền tảng giao dịch Intercontinental Exchange, nơi tổ chức giao dịch dầu Urals. Tuy nhiên, thị trường ngày nay đã ngoài tầm quan sát.
Mỹ và châu Âu đang tập trung vào việc thắt chặt thực thi với trọng tâm là phát hiện hoạt động "rửa dầu", tức chuyển dầu giữa các tàu ngay trên biển để thay đổi nguồn gốc xuất xứ. Theo các thương nhân, một số phương thức khác như gian lận tài liệu, dùng các thỏa thuận thanh toán phụ cũng được áp dụng để né trừng phạt.
Nhưng một thách thức lớn hơn với phương Tây là hệ thống hậu cần mới mà Nga và các công ty thân thiện với nước này bắt đầu xây dựng. Không chỉ đội tàu riêng, hệ thống hậu cần mới này còn thu hút được cả các đội tàu thuộc sở hữu, bảo hiểm và thuê bên ngoài phương Tây.
Cụ thể, doanh số bán tàu chở dầu qua sử dụng đã giúp mở rộng "đội tàu hoạt động ngầm" - cách nói trong ngành về những tàu nhận chở dầu từ các nước bị trừng phạt. Theo công ty theo dõi tàu Vortexa, trong quý II, số tàu chở dầu làm việc với các nhà sản xuất bị trừng phạt nhiều gấp 5 lần so với cuối năm 2021. Gần 80% số tàu đó đã đi qua thị trường Nga.
Trước đây, phương Tây có được sức mạnh uy hiếp một phần từ vai trò của ngành vận tải biển Hy Lạp - quốc gia với tư cách là thành viên EU tuân thủ các biện pháp trừng phạt và giá trần. Robin Brooks, Kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, cho biết đội tàu chở dầu của Hy Lạp vận chuyển hơn một nửa lượng dầu thô xuất khẩu từ Nga. "Phương Tây có quyền định giá thực sự", ông nói.
Nhưng uy lực đó đang giảm dần. Henry Curra, Trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới tàu biển Braemar, cho biết doanh thu từ dịch vụ chở dầu cho Nga của các công ty tàu biển châu Âu đã giảm trong những tháng gần đây. Điều này cho thấy Nga ngày càng có quyền tiếp cận với các tàu chở dầu thuộc sở hữu bên ngoài G7, nơi không áp dụng lệnh giá trần của phương Tây.
Tại cảng Kozmino của Nga, nơi dầu thô Espo đã được giao dịch trên mức trần suốt thời gian qua, rất ít tàu chở dầu được bảo hiểm hoặc thuộc sở hữu của các công ty ở phương Tây tham gia vào hoạt động buôn bán dầu.
Chính phủ Biden thừa nhận Nga đang phát triển một đội tàu riêng, nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính nói điều này không phải là yếu tố đáng kể tác động đến lưu lượng dầu. Các quan chức Mỹ nói rằng việc tạo ra hệ thống xuất khẩu thay thế đã khiến Nga tiêu tốn 9 tỷ USD để thay thế các hệ thống tái bảo hiểm từ phương Tây.
Các công ty bảo hiểm của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản bảo hiểm gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển của Nga trước xung đột Ukraine. Nhóm này được gọi là International Group, thuộc P&I Clubs. Theo Borys Dodonov của Trường Kinh tế Kyiv, đến tháng 4, một nửa số lô hàng dầu thô và một phần dầu tinh chế của Nga được vận chuyển trên các tàu không được các thành viên của International Group bảo hiểm.
Rolf Thore Roppestad, CEO công ty bảo hiểm Gard (Na Uy) cho biết mỗi ngày có ít nhất 10 tàu chở dầu đi qua eo biển Đan Mạch, kênh đào Suez và eo biển Malacca mà không có bảo hiểm của International Group. Ông cho rằng điều này gây ra những mối nguy hiểm bởi vì các công ty bảo hiểm bên ngoài International Group hầu hết đều thiếu kinh nghiệm trong việc ứng phó với các vụ tai nạn.
Alexander Brandt, chuyên gia công ty luật Reed Smith, cho biết mối lo ngại là các công ty bảo hiểm này có thể không có sự hỗ trợ của các công ty tái bảo hiểm hoặc không có đủ nguồn lực để chi trả một yêu cầu bồi thường lớn. "Nếu có sự cố tràn dầu, điều đáng sợ là sẽ không có ai ở đó để thu dọn theo đúng nghĩa đen", ông nói.
Có những tiến bộ trong việc giảm phụ thuộc dịch vụ hậu cần của phương Tây nhưng giới phân tích cho rằng các công ty Nga vẫn sẽ cần đến các tàu và bảo hiểm của phương Tây để xuất khẩu một phần trong hơn 7 triệu thùng dầu mà họ bán ra nước ngoài hàng ngày. Điều này mang lại cho Mỹ và châu Âu đòn bẩy đáng kể - mặc dù đang suy yếu - về việc tăng áp lực lên Moskva.
"Nếu nhìn vào tất cả tuyến đường mà Nga cần đưa dầu đi và đếm xem họ cần bao nhiêu tàu cho một đội độc lập, tự chủ, thì chúng còn rất xa so với mức cần thiết", Craig Kennedy, chuyên gia cộng tác tại Đại học Harvard, cho biết.
Phiên An (theo WSJ)