Cơ quan chống doping thế giới (WADA) ngày 9/12 thông qua lệnh cấm Nga tham gia các giải thể thao tầm thế giới trong 4 năm, tức là Nga phải đứng ngoài ba giải đấu lớn gồm Olympic mùa hè 2020, Olympic mùa đông 2022 và World Cup bóng đá nam 2022.
Chính quyền Nga bị cáo buộc hậu thuẫn cho một chương trình doping và kế hoạch gian lận tinh vi tại Olympic Mùa đông 2014 ở Sochi. Việc này khiến một số vận động viên Nga bị cấm tham gia Olympic Mùa hè 2016 và Nga bị cấm tham dự Olympic Mùa đông 2018. Tháng 2/2018, Nga được khôi phục tư cách thành viên Olympic với điều kiện bàn giao dữ liệu về doping. Tuy nhiên, hàng nghìn tệp quan trọng được cho là bị xóa hoặc thao túng, dẫn đến hình phạt mới.
Thực tế, lệnh cấm này áp dụng với nước Nga chứ không phải vận động viên. Vận động viên Nga vẫn có thể dự Olympic Mùa hè 2020 ở Tokyo và Olympic Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh miễn là có thể chứng minh họ không liên quan đến chương trình doping hoặc dữ liệu bị thao túng.
Tại lễ khai mạc Olympic, đoàn Nga sẽ bước vào với lá cờ Olympic, giống như ở Pyeongchang. Họ sẽ thi đấu với tư cách vận động viên độc lập. Tên nước, quốc kỳ, và quốc thiều Nga sẽ không được phát tại sự kiện. Khi vận động viên giành huy chương, cờ Olympic sẽ được giương lên và nhạc chính thức của Olympic được chơi.
Không chỉ vận động viên riêng lẻ, các đội tuyển Nga cũng có thể tham dự nhưng đồng phục không được có chữ "Nga". Nga từng bị cấm tham gia Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang nhưng đội khúc côn cầu nam đã chơi với tư cách vận động viên Olympic từ Nga (OAR) và giành huy chương vàng.
Đối với World Cup Qatar 2022, Nga được phép tham gia vòng loại như thường lệ. Nếu họ vào vòng chung kết, đội sẽ không được mặc áo thể hiện mình đại diện cho nước Nga.
Năm 2018, 168 vận động viên Nga đã tham gia Olympic ở Pyeongchang, thấp hơn không đáng kể con số 177 ở Vancouver năm 2010. Để bù đắp cho việc các biểu tượng quốc gia bị cấm, cổ động viên hát các bài hát dân gian Nga và mặc đồ có thông điệp như "nước Nga trong trái tim tôi". Nga đã giành được 17 huy chương vào năm này, trong đó có hai huy chương vàng.
Một số quan chức thể thao quốc tế cho rằng lệnh cấm này chưa đủ nghiêm khắc. "Tôi không hài lòng với quyết định mà chúng tôi đưa ra hôm nay", Elizabeth Helleland, phó chủ tịch WADA nói. Travis T. Tygart, giám đốc điều hành Cơ quan chống doping Mỹ, cho rằng: "Việc Nga không phải lĩnh lệnh cấm toàn diện là hành động giáng đòn vào các vận động viên trong sạch, sự liêm chính của thể thao và luật pháp".
Thực tế, các quan chức thể thao quốc tế hàng đầu, như chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach, đã gây áp lực rất lớn cho WADA để họ không đưa ra biện pháp cứng rắn nhất như cấm tất cả vận động viên Nga. Các quan chức WADA khẳng định họ phải cân bằng giữa việc phạt nặng Nga và việc bảo vệ một thế hệ vận động viên trong sạch mới - điều ông Bach đã nhấn mạnh từ khi bê bối mới nổ ra. IOC là bên cung cấp một nửa ngân sách cho WADA.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Nga không cho rằng đây là hình thức phạt nhẹ. Nga rất coi trọng các giải đấu thể thao quốc tế và giới chức Nga từ lâu đã xúc tiến chiến dịch tấn công quyến rũ bằng những sự kiện này. Từ năm 2007, họ đã nỗ lực để giành được quyền đăng cai Olympic mùa đông 2014 ở Sochi.
Tổng thống Putin thể hiện rõ cam kết cá nhân trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic. Việc lãnh đạo một quốc gia tích cực tham gia quá trình cạnh tranh luôn tạo ấn tượng tốt với các quan chức Olympic đến khảo sát - những người sẽ quyết định thành phố nào chiến thắng.
Năm 2008, Moskva tổ chức Champions League. Nga đã miễn thị thực cho cổ động viên Chelsea và Manchester United có vé trận bóng. Tinh thần mến khách và sự lịch sự của cảnh sát thể hiện qua sự kiện này là những yếu tố góp phần khiến họ giành được quyền đăng cai World Cup 2018.
Những sự kiện này không chỉ đơn giản là thể thao. Từ thời Liên Xô, chiến thắng của vận động trên đường đua hay sân cỏ đều được coi là nâng cao niềm tự hào dân tộc.
Nga đã bỏ rất nhiều nỗ lực vào sự kiện thể thao, họ chi khoảng 50 tỷ USD cho Olympic Sochi, được đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử. Sự kiện thể thao quốc tế luôn thu hút lượng lớn khán giả truyền hình và trực tuyến, vì thế đây là cơ hội để nước chủ nhà nâng cao hình ảnh quốc tế.
Bê bối doping có tác động hoàn toàn ngược lại. Vào thời điểm quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, rõ ràng sẽ có yếu tố chính trị trong cả vấn đề thể thao. Chủ tịch WADA Craig Reedie phàn nàn rằng họ phải "xử lý vấn đề thể thao ở giữa một trong những cuộc đối đầu chính trị lớn nhất trong vài năm qua".
Putin chỉ trích lệnh cấm là mang động cơ chính trị và "mâu thuẫn với Hiến chương Olympic". Thủ tướng Nga, Dmitry Medvedev gọi lệnh cấm "là sự tiếp nối của tinh thần chống Nga cuồng loạn vốn đã trở thành kinh niên".
Nga có thể kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao trong 21 ngày và họ dự kiến làm vậy. Chính phủ Nga nhiều lần khẳng định rằng nhà nước không hậu thuẫn cho bất kỳ hành vi gian lận nào.
"Nhưng dù kết quả thế nào, danh tiếng quốc tế của Nga đã bị tổn hại", ký giả am hiểu về Nga James Rodgers viết. Ông cho rằng chính quyền Nga sẽ nhấn mạnh với người dân rằng đây là âm mưu chính trị của các nước phương Tây luôn thù ghét Nga vô cớ.
"Phản ứng của Medvedev đối với lệnh cấm phản ánh cách giới lãnh đạo Nga sẽ thể hiện nó với người dân trong nước", Rodgers viết.
Phương Vũ (Theo NYTimes/Forbes)