Cuối tuần, anh Huỳnh Minh Sang, 23 tuổi, ở vùng cao Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) cùng người nhà lên rừng tìm mật. Anh mang theo hộp quẹt lửa, dao, tấm lưới che đầu, cùng chiếc thùng nhựa có dây đeo.
Mùa này rừng hanh khô, nhưng theo anh Sang, đây cũng là thời điểm ong làm mật ngon nhất trong năm, nên rất nhiều người trong làng đi tìm. Chuyến này anh đi ngược lên khu rừng ở phía núi Rai Vơ, cách làng 5 km. "Ở gần làng, người ta đã bắt hết, nên phải đi xa mới có nhiều", anh Sang cho hay.
Qua khỏi láng rừng dầu, anh Sang cùng những người đi lấy mật lội bộ trên con đường mòn phủ đầy lá khô, tiếng dép giẫm vào lá xào xạc. Mỗi người chia nhau một hướng để tìm tổ ong trên cây. Hơn một giờ tìm kiếm, họ mới thấy một tổ ong to đóng trên cây rừng cao lớn, cách mặt đất khoảng 30 m.
Anh Sang cùng cha vợ là ông Tà Yêng Sĩ, 47 tuổi, hốt một nhúm cành tre khô, bó lại làm đuốc dài chừng 70 cm, bên ngoài được phủ lớp lá tươi để tạo khói. Cùng đó, ông Sĩ chặt một sợi dây leo, tước ra nhiều phần bện lại, để làm dây kéo đuốc.
Đốt cháy đuốc, anh Sang trùm lưới che mặt, bắt đầu trèo lên cây. Bó đuốc cháy mạnh, khói tỏa nghi ngút. Leo gần tới tổ ong nằm trên ngọn cây, anh Sang đặt bó đuốc dưới tổ ong. Đàn ong thấy khói, lần lượt bay đi, để lại tổ mật.
Anh Sang dùng dao cắt đoạn sáp có mật bỏ vào trong thùng nhựa rồi từ từ tuột xuống cùng với bó đuốc còn khói. "Ong rừng rất hung dữ, nếu không có đuốc khói, nó sẽ tấn công mình", anh Sang cho hay.
Khi con rể leo cây bắt tổ ong, ông Sĩ phải lùi ra xa cách tổ hơn 50 m để tránh bị tấn công. Bởi ong rừng thường rượt người phá tổ tới cùng. Từng có trường hợp bị bầy ong rượt về tới làng, châm nọc độc làm phù người, suýt chết.
Lấy hết tổ này, hai người tiếp tục lên đường đi tìm tổ khác. Mỗi ngày một nhóm tìm được 2-3 tổ, có khi không có tổ nào. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là mật thu được, bởi có lúc tìm thấy nhiều tổ nhưng mật không có, phải về tay không.
"Nếu có mật, bình thường mỗi tổ vắt ra được khoảng 2-3 lít mật, nếu hên trúng tổ lớn có thể thu được cả chục lít nhưng rất hiếm khi", ông Sĩ cho biết.
Mùa này, không những dân Mỹ Thạnh, mà người ở các vùng cao lân cận như: Đông Giang, La Dạ, La Ngâu... cũng đi lấy mật ong rừng. Mùa nắng, rẫy bỏ không, không có nguồn thu nhập ổn định, họ thường lên rừng tìm mật hoặc hái lượm dược liệu để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Sơn cùng hai người hàng xóm ở huyện Tánh Linh cả tháng nay cũng lên rừng Núi Ông, kề rừng Mỹ Thạnh, tìm mật ong. Ông cho biết, năm nay thời tiết thất thường, ong rừng đóng mật ít, nên thu nhập từ nghề này không như mọi năm.
Có hôm ông kiếm được một lít, hôm được ba lít, nhưng có hôm không được xị nào. Mật ong tự nhiên lấy từ rừng về được người vùng cao bán ngay tại làng cho người thu mua với giá khoảng 500.000 đồng một lít.
Chị Thùy Linh, một người chuyên thu mua mật ong rừng ở Tánh Linh, cho biết mật ong rừng hiện rất được thị trường ưa chuộng do chất lượng tốt hơn ong nuôi. Bạn hàng của chị ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu... đặt hàng liên tục, nhưng không đủ cung cấp.
"Ong rừng hút nhiều loại phấn hoa trên rừng, mật thơm ngon, người ta chuộng hơn bởi tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh của nó", chị Linh nói.
Mật ong thường làm thuốc bổ cho người lớn và trẻ em, chữa bệnh loét dạ dày và ruột, an thần, chữa nhức đầu và một số bệnh thần kinh, ho khan, viêm họng, lở miệng, vết thương bỏng...
Việt Quốc