Chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Lionrock chiều 9/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói thời tiết nguy hiểm kéo dài trong 10 ngày tới sẽ gây khó khăn cho công tác ứng phó, các địa phương cần sẵn sàng kịch bản trong từng tình huống để giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh, thành trong vùng ảnh hưởng của bão chủ động biện pháp phòng tránh, đặc biệt là di dời, sơ tán dân; bố trí sẵn lực lượng, phương tiện tại các khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Hoan nói bão lũ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro cao hơn. Các địa phương cần thông tin kịp thời đến những người dân về quê để tính toàn lùi lại thời gian di chuyển, tránh rủi ro.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tối nay 9/10, bão Lionrock đã đi vào vịnh Bắc Bộ. Lúc 19h, bão cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 180 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15 km. Đến 7h ngày 10/10, tâm bão ở phía bắc huyện đảo Bạch Long Vĩ. Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, bão theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào đất liền các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đến 19h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu bão Lionrock với không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2 đến 4 m, biển động rất mạnh.
Từ tối nay đến ngày 10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10. Chiều và đêm mai, ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Từ nay đến ngày 11/10, ở phía đông Bắc Bộ có mưa to, phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 300mm; phía tây Bắc Bộ lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực Bắc Trung Bộ lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 250 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngoài bão Lionrock, phía bắc Philippines đã xuất hiện cơn bão Kompasu; khoảng đêm 11/10 đến sáng 12/10 sẽ đi vào bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8.
Dự báo, đây là cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ và phía Bắc Trung bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra đợt mưa lớn cho khu vực này trong ngày 13-15/10.
Ngay sau đó, đến ngày 17/10 sẽ xuất hiện thêm nhiễu động và 60% khả năng sẽ mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra những cảnh báo sớm để công tác ứng phó được triển khai kịp thời theo tình hình thực tiễn. Ngoài phòng chống thiên tai, các địa phương cần có phương án phòng chống dịch Covid-19; đặc biệt là sơ tán dân vùng nguy hiểm theo quy tắc 5K.
Đề cập đến việc giai đoạn này rất đông người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam đi xe máy ra các tỉnh miền Bắc, trong khi dự báo 10 ngày tới mưa lớn kéo dài, ông Hiệp nói địa phương cần thiết lập trạm hỗ trợ di động, cảnh báo sớm cho người dân các điểm ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Hiện các tỉnh, thành Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định và Ninh Bình đã cấm biển. Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho biết, từ 12h ngày 9/10, thành phố đã kêu gọi tàu thuyền trên biển vào bờ, tìm nơi tránh trú bão.
Tại 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vỹ, các phương tiện đã được đưa vào vùng neo đậu và âu cảng an toàn. Biên phòng Hải Phòng bố trí 380 cán bộ, chiến sĩ cùng 47 phương tiện (tàu, xuồng, ôtô) sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Thành phố cũng đang tập trung vận hành hệ thống thoát nước các cửa xả chống ngập úng đô thị, lên phương án di dân sinh sống ngoài đê...
Theo Đại tá Phạm Xuân Diệu, phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An còn 464 tàu với 1.882 ngư dân đang di chuyển vào bờ.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thông tin Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng máy bay tìm kiếm cứu nạn trên đất liền, trên biển và khu vực bị chia cắt. Quân đội huy động 380.000 người và hơn 3.000 phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó bão.