Lễ xuất gia gọi Shin Pyu hoặc Noviciation Ceremony, là lễ quan trọng nhất trong cuộc đời một người ở Myanmar. Đối với họ, nhất là nam giới, từ khi sinh ra, nếu chưa một lần xuất gia vào chùa, hoặc tu viện, họ chưa là một Phật tử tốt. Theo niềm tin của Phật tử tại đây, con cái trong nhà xuất gia còn tạo thiện nghiệp lớn cho gia đình.
Ngay từ sáng sớm, một nhóm khoảng 15 trẻ em cả nam và nữ (5 - 15 tuổi) đã được gia đình trang điểm, mặc quần áo truyền thống Myanmar đưa đến một điểm trong làng để bắt đầu nghi thức.
Người tổ chức thông báo về lễ xuất gia và mở những bài hát kêu gọi mọi người đóng góp tiền để mua bát mua y cho nhóm người xuất gia (còn gọi là hình thức cúng dường). Sau nghi lễ thông báo trong làng, trẻ xuất gia được bế lên ngựa, cũng được trang trí sặc sỡ, che lọng rồi rước đi quanh làng. Tất cả các hình thức này đều để đảm bảo một điều giống như Đức Phật ngày xưa khi ngài quyết định xuất gia.
Trong khi rước trẻ em xuất gia quanh làng, loa tiếp tục được mở lớn kêu gọi và hát những bài hát khuyến khích mọi người cúng dường. Đây cũng là dịp cha mẹ tự hào cho làng xóm biết con em họ đã xuất gia.
Ngay sau đoàn ngựa là những cô gái xinh xắn, đội trên đầu hoặc cầm trên tay đồ vật được cúng dường cho trẻ xuất gia, hoặc các giỏ hoa. Người thân sẽ xếp thành hàng và đi theo sau các cô gái rồi dẫn đến chùa hoặc tu viện trong làng.
Tại đây, trẻ và cha mẹ sẽ được nghe sư thầy trong chùa giảng về lợi ích của việc xuất gia, sau đó trẻ sẽ được cạo đầu, đắp y xuất gia. Kể từ đó, các tiểu sadi không có tài sản, mặc đồ nhà Phật, đầu trần, chân đất, mang bát đi khất thực vào mỗi buổi sáng. Thời gian còn lại trong chùa, trẻ sẽ học chữ Miến, học kinh Phật tiếng Pali và mọi thứ liên quan đến Phật giáo.
Người Myanmar quan niệm "nếu đứa trẻ có thể đuổi chim ngoài đồng thì có thể đi tu" để mô tả về độ tuổi trẻ em có thể xuất gia vào tu viện. Nhưng trên thực tế, trẻ có thể xuất gia khi chúng có thể tụng được những câu kinh tiếng Pali và tiếng Miến. Và thanh niên thường xuất gia trước khi đến 19 tuổi.
Thời gian xuất gia rất đa dạng, có thể là vài ngày, vài tuần hoặc vài năm và một người cũng có thể xuất gia nhiều lần. Nhiều trẻ sau khi xuất gia vào chùa hoặc tu viện, nhưng không hợp với cuộc sống này hoặc muốn hoàn tục để đi học cao hơn, lập gia đình, chúng sẽ trở về nhà. Hàng tháng tại các tu viện vẫn có ngày để những người xuất gia hoàn tục trở về cuộc sống bình thường. Tất nhiên, trẻ em nào mắc một số chứng bệnh như ung thư, ghẻ ngứa, suyễn...sẽ không được xuất gia.
Lễ xuất gia ngày xưa được tổ chức linh đình ở từng gia đình. Với cha mẹ, việc cúng dường cho ngày lễ này là việc làm công đức nhất. Nếu cha mẹ không lo được, bạn bè và họ hàng có thể sẽ hỗ trợ kinh phí thông qua cúng dường. Sau này, nhiều gia đình đã cùng nhau tổ chức nên chi phí đỡ tốn kém hơn, nhất là đối với gia đình nghèo. Hình thức cưỡi ngựa quanh làng trước khi vào chùa phần lớn được thực hiện ở các vùng thôn quê và thành phố nhỏ, vì ở các thành phố phát triển như Yangon, gia đình thường dùng xe đưa rước con cái vào chùa.
Thông thường, lễ hội này được tổ chức phổ biến vào tháng 3 - 4 hàng năm, khi đó khắp đường phố tại Myanmar ngập tràn những đám rước xuất gia. Hiện nay, lễ hội này diễn ra quanh năm, tùy vào lựa chọn ngày tháng của từng địa phương. Đây luôn là một trong những sự kiện thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài trong hành trình du lịch tại Myanmar.
Bài và ảnh: Kim Dung