- Ý tưởng của dự án "Việt Nam những năm 70" xuất phát từ đâu?
- Đối với đất nước và con người Việt Nam, những năm 1970 của thế kỷ trước là giai đoạn quan trọng, đánh dấu những thay đổi to lớn về nhiều mặt, trong đó có lịch sử, văn hoá, xã hội và con người.
Tôi và các tác giả làm việc theo 4 giai đoạn. Đầu tiên, các tác giả gửi tác phẩm tới chương trình. Ở giai đoạn hai, chúng tôi phân tích và lựa chọn kịch bản. Tiếp theo, các tác giả thảo luận tập thể nhằm phát triển kịch bản và tìm ngôn ngữ riêng để thể hiện tác phẩm. Đến giai đoạn bốn, các tác giả làm việc độc lập với các nhóm nghệ sĩ khác nhau.
- Trong khuôn khổ của một đêm diễn, êkíp của anh làm sao tái hiện đủ những thay đổi lớn của giai đoạn này?
- Chúng tôi không có ý định tái hiện thời kỳ này, cũng như xây dựng lại một lần nữa các hình tượng nhân vật đã quen thuộc. Trong dự án này, chúng tôi quan tâm tới yếu tố con người, tâm sinh lý và những góc khuất ít được quan tâm và khai thác trong nghệ thuật từ trước tới nay. Chúng tôi đi sâu hơn vào giai đoạn đó bằng ngôn ngữ đương đại, nhằm khai thác những vấn đề về con người.

Biên đạo múa, diễn viên Lê Vũ Long.
- Anh chia sẻ gì về quá trình chuẩn bị cho vở diễn?
- Cá nhân tôi mất chừng một đến hai năm để hoàn thành tác phẩm. Đầu tiên là viết kịch bản, sau đó gửi hồ sơ xin tài trợ. Khoảng thời gian chờ phản hồi từ các quỹ văn hóa là khoảng 3 tới 6 tháng. Sáng tác (tập luyện cùng các diễn viên) tối thiểu 3 tháng. Cá biệt như vở Ký ức thở dài, tôi đã tập trong 7 tháng, với cường độ 8 tiếng trong một ngày và không nghỉ thứ bảy, chủ nhật.
- Tốn khá nhiều thời gian nhưng số buổi biểu diễn chưa nhiều (2 đêm diễn tại Hà Nội) cho một ý tưởng lớn. Anh nghĩ sao?
- Ở nước ta, nghệ sĩ sáng tác phải làm một lúc rất nhiều việc. Thường thì các tác giả không giỏi việc xin tài trợ và tổ chức. Việc phát hành tác phẩm lẽ ra nên thuộc một bộ phận khác. Điều này luôn có ở các nước phát triển. Nói thật, tôi rất ngượng và ngại khi đi "xin" tiền các nơi để tiếp tục biểu diễn. Chẳng lẽ cứ mãi nói với họ về mình? Ví như: Chúng tôi hay lắm, nó rất quan trọng... hãy tài trợ để chúng tôi biểu diễn...
Giấc mơ của tôi cho nghệ thuật múa không quá xa. Tôi mong múa ở Việt Nam được đầu tư như bóng đá, có chỗ tập luyện, diễn viên có lương và có một hành lang pháp lý cho nó. Tôi ước nó sớm trở thành hiện thực.
- Mở đầu "Việt Nam những năm 70", anh đặt ra câu hỏi: Tại sao các buổi biểu diễn múa đương đại của các tác giả Việt còn ít. Bản thân anh lý giải vấn đề này thế nào?
- Hy vọng câu hỏi của tôi sẽ tạo được cú hích giúp chúng ta xích lại gần nhau, cùng xây dựng và phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Tôi không thể vừa hỏi vừa tự trả lời.
- Khá đông khán giả nước ngoài đến với 2 đêm diễn vừa qua. Đoàn múa của anh cũng lưu diễn nước ngoài nhiều hơn trong nước. Anh tìm hiểu và phân định đối tượng người xem ra sao?
- Tôi không cho rằng khán giả Việt không quan tâm. Nghệ sĩ như tôi không thể nói là mình quan tâm đến dạng khán giả nào hơn. Vì thú thật tôi biết rất ít người trong số họ. Sự hiện diện của họ trong hai đêm diễn chính là sự cổ vũ nhiệt tình nhất cho nghệ thuật đương đại việt nam.
Chúng tôi cảm thấy phấn khích và tự hào khi số lượng người quan tâm rất đông và số vé đã phát hành hết từ rất sớm. Có nhiều người quan tâm nhưng do không còn vé nên chúng tôi rất áy náy. Hy vọng dự án này sẽ tiếp tục nhận được sự tài trợ, hỗ trợ để có cơ hội đưa các buổi diễn mở rộng ra các cộng đồng khán giả trong và ngoài Việt Nam.
Đa phần khán giả Việt đến "xem" buổi diễn. Còn đa phần khán giả nước ngoài đến "thưởng thức" buổi biểu diễn.

Tác phẩm “Một tập thể các cá nhân”. Ảnh: Joseph Gobin.
- Anh định nghĩa thế nào về múa đương đại?
- Không có một loại hình nghệ thuật nào đáp ứng được tất cả mọi người. Bởi vậy nhân loại có nhiều hình thái nghệ thuật dành cho khán giả khác nhau, và luôn xuất hiện thêm nhiều loại hình mới hướng đến các đối tượng khán giả theo các thời kỳ.
Tôi dám chắc rằng ngày đầu tiên của nghệ thuật cổ truyền, hay nói cách khác là khi nghệ thuật cũ xuất hiện lần đầu tiên nó cũng mới tinh và có thể rất xa lạ. Vậy tại sao ta có những nghệ thuật cũ? Vì nó đủ sức thuyết phục và sức nặng để tồn tại qua một thời gian dài. Nghệ thuật đương đại với tôi là tìm kiếm và xây dựng "nghệ thuật cổ truyền cho ngày mai".

Các nghệ sĩ của đoàn múa "Nơi đến" trên sàn tập vở diễn “Một tập thể các cá nhân”. Ảnh: Trí Minh.
- Anh từng nói: "Múa đương đại ở Việt Nam chưa kịp định hình thì đã bị biến tướng rồi". Từ đâu anh có nhận xét này?
- "Biến tướng" dùng để chỉ những người lợi dụng và lạm dụng thuật ngữ "Đương đại" để trục lợi cá nhân, gây ra nhiều hệ quả đáng buồn. Trên thế giới không có thuật ngữ: múa dân tộc hiện đại hay múa dân gian đương đại hoặc ballet đương đại...
Như tôi đã nói, múa đương đại chính là thế mạnh trong nền văn hoá Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xây dựng và phát triển. Múa đương đại phù hợp với tâm, sinh lý và vóc dáng sinh học của người Việt, nên việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật này là phương tiện tốt để tiếp cận với mặt bằng nghệ thuật thế giới.
Biên đạo múa Lê Vũ Long sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh là con trai của diễn viên Dũng Nhi. Được đào tạo về múa, nhưng anh còn tham gia đóng phim với các vai diễn trong: Xin hãy tin em, Của rơi, Những người thợ xẻ, Mùa hè chiều thẳng đứng, Người đàn bà mộng du, Hai phía chân trời… Anh từng đoạt giải thưởng "Nam diễn viên phụ xuất sắc" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 cho vai diễn nhân vật Phiên trong phim Người đàn bà mộng du. Năm 2002, anh và vợ là nghệ sĩ múa Thu Lan thành lập đoàn múa Nơi đến (Togetherhigher dance company). Diễn viên của đoàn đều là những người khiếm thính. Tên của đoàn chính là tên tác phẩm múa đầu tiên anh dàn dựng. Các tác phẩm múa của Lê Vũ Long: Một là một và một là hai (2001), Nơi đến (2002), Mắt bão (2003), Trời tròn đất vuông (2004), Kẻ thù và những vùng đất (2004), Thấu truyền, Chuyện của chúng mình (2007), Ký ức thở dài (2009), Ba mặt một lời (2012), Một tập thể các cá nhân (2014). |
Hạnh Nguyên