Đoàn múa Nơi đến thành lập năm 2002, với thành viên chủ chốt là những người khiếm thính sống và làm việc tại Hà Nội. Với các chương trình chuyên sâu về nghệ thuật đương đại, Nơi Đến hoạt động theo từng dự án dành cho những cộng đồng khán giả khác nhau.
12/2012, Nơi Đến kỷ niệm 10 năm thành lập bằng chương trình Ba mặt một lời, mời các nghệ sĩ đương đại cùng biểu diễn. Biên đạo múa Lê Vũ Long - người đứng đầu của Nơi Đến - chia sẻ: "Sau khi mời các bạn đến chung vui, chúng tôi nhận ra múa đương đại cần có những chương trình để giao lưu, để ra mắt vở mới và nghệ sĩ được xem nhau biểu diễn". Đó là lý do khiến đoàn múa Nơi Đến mời các nghệ sĩ, biên đạo múa đương đại tham gia vào Việt Nam những năm 70.

Một hình ảnh trong vở Ký ức thở dài mà đoàn múa Nơi Đến biểu diễn tại Đức.
Việt Nam những năm 1970 là một giai đoạn lịch sử đầy biến động, thời kỳ cuối chiến tranh và hậu chiến. Chọn chủ đề này để xây dựng tiết mục, chương trình không đi sâu mô tả, tái hiện lịch sử với hình ảnh đặc trưng như các cửa hàng bao cấp, chân dung người lính hậu chiến tranh... thay vào đó, các vở múa khai thác tâm tư, tình cảm con người trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
5 biên đạo múa đương đại sẽ sáng tác các vở mới cho chương trình. Lê Vũ Long, sau 4 năm không cho ra mắt sản phẩm nào, lần này sẽ giới thiệu tác phẩm múa Một tập thể các cá nhân. Chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Trí Minh (âm nhạc đương đại) và các nghệ sĩ múa như Nguyễn Thị Anh Đào, Trần Anh Dũng, Cao Xuân Huy, Thái Trần Linh.
Quách Hoàng Điệp xuất thân từ múa ballet, tham gia múa đương đại từ năm 2001, hiện giảng dạy múa đương đại và sáng tác độc lập. Không gian gốc là vở múa mà anh biên đạo và biểu diễn cùng các nghệ sĩ múa. Lấy cảm hứng từ hiện thực những năm 1970 trẻ em thường bị nhốt trong nhà để cha mẹ có thể yên tâm đi làm, tiết mục khai thác thế giới nội tâm của những đứa trẻ nói riêng và của con người nói chung.
Biên đạo Nguyễn Dũng trưởng thành trong môi trường nghệ thuật quân đội. Vở múa Bến đợi của anh khai thác sự khắc khoải trong tâm tư những người phụ nữ chờ chồng đi chiến trận.
Từ TP HCM ra Hà Nội tham gia chương trình, biên đạo múa Trần Ly Ly mang tới vở 7x. Dùng ngôn ngữ hình thể, Trần Ly Ly kể câu chuyện của một cá nhân lớn lên qua các thời kỳ biến đổi của xã hội.
Quách Phương Hoàng có 11 năm kinh nghiệm học tập, biểu diễn ở những đoàn múa đương đại nổi tiếng nhất của Pháp. Anh chọn con đường trở về với mong muốn góp phần phát triển múa đương đại ở Việt Nam. Tham gia chương trình, Quách Phương Hoàng thể hiện quan điểm về sự sống trong tác phẩm Tế bào.
Trong bối cảnh quá ít không gian cho múa đương đại, Việt Nam những năm 70 hứa hẹn là một sân chơi cho những người làm nghề và cơ hội thưởng thức cho công chúng. Chương trình diễn ra trong hai đêm 25 và 26/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hiền Đỗ