Thứ năm, 26/12/2024
Chủ nhật, 7/8/2022, 15:42 (GMT+7)

Lễ Vu Lan ở ngôi chùa giáp biên giới

Điện BiênNhiều phật tử vượt hơn 200 km dự lễ Vu Lan tại chùa Linh Quang, ngôi chùa lớn nhất ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, giáp biên giới với Lào.

Sáng 7/8, phật tử từ nhiều nơi về dự lễ Vu Lan tại chùa Linh Quang (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên). Chùa nằm cách trung tâm Điện Biên Phủ khoảng 5 km, cách biên giới Lào 12 km.

Trong chánh điện, phật tử ngồi chật kín để nghe giảng về ý nghĩa của lễ Vu Lan và Bông hồng cài áo. Nhiều người đã đi hơn 200 km để về đây.

Trên tay mỗi người đều có cuốn kinh Phật.

Các phật tử người Thái, người Kinh chắp tay cầu nguyện suốt buổi lễ. Điện Biên có 19 dân tộc, trong đó người Thái chiếm gần 38% (sau người Kinh và người Mông).

Tháng 7 âm lịch, được gọi là tháng Vu Lan báo hiếu, có nguồn gốc từ tích về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ cách đây hơn 2.500 năm. Noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả, mọi người dành tình cảm yêu thương cho gia đình, người thân.

Thầy Thích Nhuận Thanh, Ủy viên thường trực Ban trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo tỉnh Điện Biên, vừa làm lễ, vừa thuyết giảng ý nghĩa của ngày Vu Lan.

"Nếu bạn chỉ còn cha hoặc mẹ hãy đón nhận đóa hoa màu hồng cài lên ngực trái của mình. Màu hồng nhắc nhở ta phải biết nhớ về nguồn cội, bởi nó như dòng máu trong tim mà mẹ cha đã chắt giọt cho ta, đã sanh thành và dưỡng dục. Còn nếu cha mẹ bạn đã đi thật xa, và không bao giờ bạn có thể còn cơ hội nắm chặt đôi bàn tay nhăn nheo, ánh mắt buồn xa xăm của mẹ, tiếng nói khàn hay trách mắng của cha thì hãy nhận đóa hoa màu trắng...", thầy Thanh giảng.

Chị Đường Thị Thơm, dân tộc Thái ở xã huyện Mường Nhé (cách TP Điện Biên 200 km) xúc động khi nghe giảng về ý nghĩa của lễ Vu Lan. Chị và hơn 10 người thân năm nào cũng có mặt tại chùa từ sớm để dự lễ, đến hôm sau mới bắt xe về nhà.

Mỗi phật tử được cài lên ngực một bông hoa để bày tỏ lòng thành với cha mẹ.

Ngoài hoa đỏ và trắng, nhà chùa còn có những bông hồng vàng, tượng trưng cho màu của đạo Phật, thể hiện sự giải thoát, cưu mang và tuệ giác.

Những bông hồng cài áo được chùa chuẩn bị trong buổi lễ.

Năm 1962, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nên quyển sách mang tên Bông hồng cài áo. Chính câu chuyện trên của thiền sư đã là khởi điểm cho nghi thức bông hồng cài áo mùa Vu Lan. Bông hồng được coi là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý, do đó, khi cài bông hồng lên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, chữ Hiếu mà con cái gửi đến đấng sinh thành.

Mỗi gia đình có người thân đã mất sẽ ghi tên tuổi vào các lá sớ và bài vị rồi cùng đọc kinh.

Sau hơn 3 giờ, tiếng trống vọng cầu kính dâng vang lên kết thúc buổi lễ Vu Lan.

Theo Đại Đức Thích Nhuận Thanh, tỉnh Điện Biên có nhiều đồng bào các dân tộc ở xa về dự nên buổi lễ được làm ngắn gọn, dễ hiểu nhất để ai cũng có thể sắp xếp thời gian dự.

Lễ Vu Lan tại tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 15/8 tại nhiều xã khác nhau. Linh quang là ngôi chùa lớn nhất ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Trong ngày đại lễ, chùa có thể đón hơn 1.000 phật tử.

Ngọc Thành