Rằm tháng 7 âm lịch từ xưa đã trở thành dịp lễ quan trọng của người Việt, nhưng dân gian vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau về dịp này. Dưới góc nhìn Phật giáo, sư thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) giải thích về ý nghĩa rằm tháng 7.
- Nguồn gốc của quan niệm Xá tội vong nhân hay Vu Lan báo hiếu có từ đâu, thưa sư thầy?
- Cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật có rất nhiều đại đệ tử, trong đó có đại đệ tử ưu tú là Mục Kiền Liên tôn giả. Theo tích truyện kể lại, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Sau khi mẹ ông là bà Thanh Đề qua đời, ông muốn biết mẹ mình thác sinh về cảnh giới nào nên vận thần thông để quán chiếu khắp thế gian tìm mẹ.
Thấy mẹ bị cực hình ở địa ngục A Tỳ - nơi dành cho những người mắc tội nặng nhất, thân thể tiều tuỵ vì đói khát, Mục Kiền Liên đã mang cơm xuống để dâng mẹ. Nhưng do đói ăn lâu ngày, cùng với bản tính tham lam như khi còn sống, bà Thanh Đề một tay bốc ăn, một tay che bát cơm vì sợ các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì thiếu sự nhường nhịn, sẻ chia mà bát cơm vừa đưa lên miệng thì hóa thành lửa đỏ, bà Thanh Đề gào thét trong đau khổ.
Giáo lý nhà Phật là tự độ, tức là tự lực mình mà tu, ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng. Giá mà lúc đó tự bà Thanh Đề khởi tâm từ, biết chia cho chúng ngạ quỷ ở đó thì có lẽ tích Mục Kiền Liên cứu mẹ không còn nữa. Và khi ấy, tự tâm bà đã thác hóa siêu sinh, tự giải thoát khỏi cảnh địa ngục. Địa ngục là gì? Là khi lòng tham và sự sân hận, đố kỵ của con người vẫn còn. Khi tâm từ biết mở ra, địa ngục sẽ tự biến mất.
Chính bởi tâm tham lam của bà Thanh Đề vẫn còn nên bát cơm trắng biến thành than lửa. Khi đó, bà đã nói một câu: "Mục Liên ơi, con hãy về xin với Đức Phật tìm phương cách cứu mẹ". Nhân duyên có pháp Vu Lan bồn (lễ Vu Lan) chính là từ bà Thanh Đề và bà cũng là người đề xuất phương thức để Mục Kiền Liên tìm cách hóa giải.
- Vì sao tháng 7 lại được chọn là tháng xá tội và báo hiếu?
- Sau khi gặp mẹ, Mục Kiền Liên về thưa với Đức Phật thì Đức Phật nói rằng thần lực của ông rất lớn nhưng cũng không thể cứu được mẹ mình, cần dựa vào thần lực của chúng tăng ở khắp mười phương. Tháng 7 phù hợp nhất vì là sau mùa tự tứ (tháng 4-6 các tăng ở ẩn tu tập), chư tăng đã trau dồi công năng, công hạnh sau ba tháng an cư.
Mục Kiền Liên nghe lời Đức Phật, chuẩn bị phẩm vật, cơm canh thanh tịnh dâng lên mời chư tăng để hồi hướng cầu siêu cho mẫu thân của mình. Nhờ có công đức đó, bà Thanh Đề thoát được cảnh địa ngục.
Khi chư tăng cầu siêu cho bà Thanh Đề, các tội nhân khác dưới địa ngục nhờ lực chú nguyện mà được giải thoát. Có thể hiểu đơn giản rằng ai mắc tội nặng thì ngừng tra tấn. Ai tội vừa thì được "giảm án", cho về thăm gia quyến. Ai tội nhẹ thì được đầu thai giải thoát. Nhưng không phải tất cả tội nhân đều được giải thoát.
Tháng 7 âm lịch được gọi là tháng Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc từ tích về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Đó cũng là thời điểm các vong nhân được xá tội, nên còn gọi là tháng Xá tội vong nhân. Các tên gọi trên vốn chỉ là một.
- Dân gian cũng cho rằng tháng 7 là xui xẻo nhất năm, phải kiêng kỵ rất nhiều. Quan niệm này xuất phát từ đâu?
- Trước khi biết những điều này có đúng với triết lý Phật giáo hay không cần làm rõ vấn đề, trong cuộc sống có may mắn hay không?
Bên cạnh luật nhân quả, tôi còn tin có luật hấp dẫn. Cùng một vấn đề nhưng nếu một người chỉ nghĩ đó là không may với mình thì khó nhận ra được chút may mắn nào khác. Còn nếu trước bất cứ sự việc nào, ta luôn nghĩ theo hướng tích cực, thấy mình vẫn là người may mắn, thì nhìn cuộc sống luôn thấy may mắn. Số phận của mỗi người phụ thuộc vào việc tự mình chuyển hóa nó. Chúng ta nên tin có số phận, nhưng cũng cần nhớ rằng có thể thay đổi được số phận.
Hơn nữa, theo quan điểm của nhà Phật thì tháng 7 đẹp nhất trong năm, là mùa xuân của Phật giáo. Sau 3 tháng an cư, chư Tăng tịnh hóa thân tâm, quay trở về hội lực phụng hóa chúng sinh để làm đẹp cho đời. Theo kinh Phật thì đây là tháng mười phương chư Phật đều hoan hỉ. Thêm nữa, rằm tháng 7 còn là ngày Tết Trung Nguyên (Tết giữa năm). Vì vậy, không có cơ sở nào để nói rằng tháng 7 là không may mắn.
Và nếu là tháng xấu thì sao lại có xá tội vong nhân? Vong nhân còn được xá tội huống chi con người? Chúng ta nên nghĩ tháng 7 là dịp bỏ qua mọi oán hận cho nhau, để cuộc sống chỉ còn lại điều may mắn, tốt đẹp.
- Tháng 7 có nhiều ý nghĩa như vậy, vậy người dân nên làm gì để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống?
- Noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả, mọi người nên dành tình cảm yêu thương cho gia đình, người thân. Dù ai đi xa cũng nên quay về tri ân, báo hiếu hai đấng sinh thành, bởi đó là những vị Phật tại gia. Sau đó, mỗi người hãy mở rộng tình thương để đền ơn những người đã mang lại điều tốt đẹp cho mình trong cuộc sống. Lối sống đẹp của Phật tử là biết làm ơn và đền ơn.
Ngày xưa, vào lễ Vu Lan, con cháu thường lập đàn lễ lớn, dâng cơm canh, đốt vàng mã để tưởng nhớ, thể hiện đạo hiếu với tổ tiên, ông bà. Ngày nay, những nghi lễ ấy nên được đơn giản, không cần hình thức cầu kỳ. Bởi tấm lòng của mỗi người hướng đến điều tốt đẹp là nghi lễ và món quà lớn nhất.
Chúng ta nên phổ biến rộng rãi những hành động đẹp mùa Vu Lan như cài hoa hồng trên ngực áo, diễn giảng về công ơn cha mẹ để người trẻ thấm nhuần đạo hiếu.
- Rằm tháng 7, mọi người nên sắm lễ và thực hành lễ nghi ra sao, thưa thầy?
- Không chỉ rằm tháng 7 mà những ngày Tết, mùng 1, rằm, khi động thổ, cúng mụ... trên ban thờ nên có sáu thứ là: nhang, đăng, quả, thực, nước, hoa.
Mỗi nhà chỉ nên thắp ba cây nhang, một là cho tổ tiên, các cụ, ông bà đã mất. Một cây nhang cầu cho hiện tại được khỏe mạnh, bình an. Cây còn lại cầu cho tương lai con cháu được duy trì và tiếp nối. Đó là quá khứ, hiện tại và vị lai.
Trên ban thờ nên có đôi đèn dầu (đăng), thể hiện cho ánh sáng của trí tuệ Phật, chúng sinh và ánh sáng của đời xưa tiên tổ đến đời mình được tiếp nối.
Thực không chỉ là cơm canh mà còn nên hiểu là thực thà. Từ xưa, dân gian thường ví von "Có thực mới vực được đạo", nghĩa là tâm thật thà thì mới tải được đạo. Thông thường thì chúng ta ăn món gì thì sắm cơm canh như vậy để cúng rồi thụ lộc. Nên có hộp bánh và chai nước để giữ ban thờ luôn ấm cúng. Khi con cháu đến chơi có thể hạ bánh cho con cháu ăn, sau đó ta lại mua hộp bánh mới đặt lên, thắp một nén hương, như thế luôn có đồ cúng lưu trên ban thờ.
Việc cúng chay hay cúng mặn nên tuỳ thuộc phong tục, tập quán từng gia đình, từng vùng miền. Nếu thuận duyên thì cúng chay thanh tịnh, chưa thuận duyên có thể mua đồ mặn để cúng. Nên bày hoa quả, xôi chè trên ban thờ, còn phía dưới có thể đặt một bàn nhỏ bày mâm cơm mặn.
Nên có hai chai hoặc hai chóe nước nhỏ để ban thờ thanh tịnh, mát mẻ. Hoa quả dùng loại nào cũng được, bởi không gì bằng hoa của việc sống thiện, sống tốt, từ bi, giúp người.
- Sư thầy có lời khuyên nào với người dân và phật tử trong việc đốt vàng mã ngày rằm?
- Vàng mã xuất phát từ văn minh của người Trung Hoa cổ. Thời xưa nhiều vùng Á Đông có tục tuẫn táng, chồng chết thì chôn theo vợ, vua chết chôn theo thê thiếp, gia tài của cải. Nhưng tục này sinh ra trộm mộ trộm mả và tiếng kêu oán, than khóc của những người bị chôn theo.
Vì vậy, giới tăng lữ nghĩ ra việc dùng hình nhân thế mạng cho người sống, dùng vàng mã đốt thay cho việc chôn của cải, nhằm tránh sự hoang phí, sát nhân. Đốt vàng mã đã giải thoát được bao nhiêu kiếp người có thể bị chôn theo, giảm bớt động vật bị tế lễ và lãng phí của cải vật chất.
Nhưng tập tục này chỉ tồn tại khi nhận thức của con người còn thấp, đến ngày nay phải thay đổi. Bởi nhiều người đang lạm dụng đốt vàng mã, phá hủy môi trường và lãng phí không cần thiết.
Thay vì đốt vàng mã, mọi người nên mua quần áo thật để cúng, rồi hạ xuống mặc hoặc làm từ thiện. Nếu muốn cúng tiền thì nên để vào phong bao, đặt lên chiếc đĩa nhỏ dâng tổ tiên. Không nên dùng tiền thật mua tiền giả về cúng rồi lại đốt đi.
Tình cảm và tấm lòng nhớ ơn tổ tiên mới là điều thiết thực, cần gìn giữ, chứ không phải là việc đốt ít hay nhiều vàng mã.
Viết Tuân - Đình Khoa