Từ sáng sớm, các chiến sĩ tiêu binh thực hiện nghi lễ treo băng tang lên Quốc kỳ tại quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hai ngày quốc tang, công sở cả nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài... treo cờ rủ.
Lực lượng công an lập chốt chặn ở các tuyến đường quanh Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) nhằm hạn chế phương tiện qua lại. Để phòng chống dịch Covid-19, Ban tổ chức lễ tang bố trí bàn đo nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn cho tất cả những người đến viếng. Trời Hà Nội đổ mưa nhiều nơi trước khi lễ viếng bắt đầu.
Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng đầu tiên, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn. Tiếp theo là đoàn Chính phủ, đoàn Quốc hội, đoàn Chủ tịch nước, Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Sau khi thắp hương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước chậm rãi quanh linh cữu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, đặt tay lên linh cữu phủ Quốc kỳ. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước lần lượt vái chào và bắt tay chia buồn với gia quyến.
Trong sổ tang, nhiều vị lãnh đạo bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết "xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Lê Khả Phiêu - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta".
Ghi sổ tang của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đoạn, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là "nhà lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm, nhà chính trị, quân sự đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đất nước".
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng viết, "là người phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị suốt những năm tháng trong quân ngũ và khi trở thành người đứng đầu Đảng ta, đồng chí Lê Khả Phiêu đều dành nhiều tâm huyết, trí lực, công sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng"...
Theo Thường trực Ban bí thư, từ ngày đầu tham gia cách mạng đến những ngày cuối cuộc đời, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã "thể hiện bản lĩnh kiên trung, thông tuệ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, được đồng chí, đồng đội, đồng bào tin cậy, quý mến, bạn bè quốc tế nể trọng".
Tại hội trường Thống Nhất TP HCM, Đoàn Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thành phố... do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn vào viếng.
Trong sổ tang, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân viết, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng "lãnh đạo đất nước kiên định đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt, trực tiếp góp phần thúc đẩy đổi mới đất nước về mọi mặt, đã để lại dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng"...
"Xin gửi đến gia quyến nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lời chia buồn sâu sắc nhất", ông Nhân chia sẻ.
Tại Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, vào viếng tại hội trường 25B.
Lúc 9h, trời đổ mưa ở TP Thanh Hóa. Ban tổ chức lễ tang trước đó đã cho dựng sẵn những căn nhà bạt lớn che mưa. Sau đoàn lãnh đạo tỉnh là các đoàn sở ngành địa phương và nhiều đồng đội, người dân đến viếng.
Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Tham mưu phó, Quân khu 4 sáng nay lặn lội vượt quãng đường hơn 150 km cùng đoàn cựu chiến binh quân khu Trị Thiên từ Nghệ An ra TP Thanh Hoá, viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Trước di ảnh của người thủ trưởng cũ, đại tá Lạn đứng trầm ngâm hồi lâu.
Ông cho hay, "cảm xúc rất buồn như mất người thân" khi nghe tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần. "Ở chiến trường cũng như sau này hòa bình, tôi nhiều lần gặp anh Phiêu, lúc nào cũng tình cảm như anh em trong nhà. Anh giữ nhiều trọng trách nhưng luôn giản dị, hòa đồng với chúng tôi, đặc biệt rất thương các chiến sĩ", ông Lạn kể.
Đầu năm 2019, đại tá Lạn ra Hà Nội tặng sách "Hồi ký trung đoàn một thời chiến trận" cho người thủ trưởng cũ. Cuốn sách do ông viết, vinh dự được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu viết lời đề tựa. "Lúc đó anh Phiêu còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Tuy nhiên, trong lần gặp mặt dịp sinh nhật (ngày 25/12/2019), tại tư gia ở Hà Nội, anh đã rất yếu...", ông Lạn ngậm ngùi.
Tại Thừa Thiên Huế, trưa 14/8, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh đã đến nhà văn hóa cộng đồng làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) thắp hương viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Năm 1999, sau trận lũ lịch sử, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đó đã về thị sát khu vực Hòa Duân, một trong những nơi bị lũ tàn phá nặng nề nhất, chỉ đạo Bộ Quốc phòng xây dựng gấp khu tái định cư để đưa 64 hộ dân Hòa Duân vào sinh sống. Ông đặt tên khu tái định cư là làng Rồng với mong ước cuộc sống các hộ dân sẽ tốt đẹp hơn, dần gượng dậy sau cơn lũ.
Hai ngày trước, nghe tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, người dân làng Rồng đã dọn dẹp nhà văn hóa cộng đồng và lập bàn thờ ông.
Tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, chia sẻ, ông coi nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu như người đỡ đầu cho ngành xuất khẩu phần mềm Việt Nam. Thay vì quan điểm "quản đến đâu, mở đến đấy", nguyên Tổng bí thư giai đoạn 1997-2001 tin rằng công tác quản lý phải theo kịp sự phát triển, "cứ mở trước rồi quản sau" và phải cho thế giới thấy "người Việt Nam biết cầm đũa thì cũng biết dùng bàn phím". Tư tưởng này của ông đã ảnh hưởng đến hàng loạt "quyết sách mở đường" của Chính phủ và Bộ Chính trị bấy giờ như chỉ thị 58, nghị quyết 07 hay quyết định 128, giúp hình thành nên ngành công nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam.
Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức từ 8h ngày 14/8 đến 12h ngày 15/8 tại Nhà tang lễ Quốc gia; lễ truy điệu vào 12h30 ngày 15/8, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Cùng thời gian này, tại hội trường Thống nhất (TP HCM), hội trường 25B đường Quang Trung (TP Thanh Hóa) cũng tổ chức lễ viếng, truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Ban lễ tang gồm 35 thành viên, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần lúc 2h52 ngày 7/8 ở tuổi 89, tại Hà Nội. Ông sinh năm 1931, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị quân khu IX; Phó bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.
Năm 1991 tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Tháng 6/1992 tại hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), ông được bầu vào Ban bí thư; đến tháng 1/1994, được bầu vào Bộ Chính trị và tháng 4/1996 được phân công là Thường trực Ban bí thư.
Năm 1996, tại Đại hội lần thứ VIII, ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị.
Ngày 26/12/1997 tại hội nghị Trung ương 4 (khoá VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư, và giữ cương vị này đến tháng 4/2001.
Viết Tuân - Hoàng Thùy - Lê Hoàng - Võ Hải - Võ Thạnh - Hữu Công