Lễ viếng, truy điệu, an táng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, sinh năm 1931, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị quân khu IX; Phó bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.
Năm 1991 tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Tháng 6/1992 tại hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), ông được bầu vào Ban bí thư; đến tháng 1/1994, được bầu vào Bộ Chính trị và tháng 4/1996 được phân công là Thường trực Ban bí thư.
Năm 1996, tại Đại hội lần thứ VIII, ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị.
Ngày 26/12/1997 tại hội nghị Trung ương 4 (khoá VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư, và giữ cương vị này đến tháng 4/2001.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ khóa VIII, là Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cùng với các cấp lãnh đạo bàn và ban hành nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay".
"Trong diễn văn khai mạc hội nghị quan trọng này, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc", ông Hùng nói.
Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) nêu rõ cần tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu "có hiệu quả". Lần đầu tiên, Trung ương yêu cầu các cấp uỷ đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách...
Những năm gần đây, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần trả lời báo chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ông nêu quan điểm "xây dựng Đảng là việc thường xuyên, chúng ta có uống thuốc, có chữa bệnh, có tiến lên nhưng chưa giải quyết triệt nọc".
Theo nguyên Tổng bí thư, công tác chỉnh đốn Đảng "phải làm từ trên xuống chứ không phải làm đồng loạt" và nên giao quyền, trách nhiệm cao hơn cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông nhắn gửi với các cấp có thẩm quyền hiện nay "đừng để tinh thần 'đốt lò' chống tiêu cực nguội đi".
Viết Tuân