Lời tuyên thệ là một lời hứa hoặc khẳng định của một người trước khi nhận nhiệm vụ, thường là trong chính phủ hoặc cơ quan tôn giáo. Tuyên thệ có thể được thực hiện tại lễ nhậm chức, lễ đăng quang, lễ sắc phong, hoặc các buổi lễ khác liên quan đến cơ quan quản lý. Tại các quốc gia như Mỹ, Đức, Canada, Nga hay Myanmar, các lãnh đạo cấp cao nhất phải tuyên thệ trước khi đảm đương vị trí.
Mỹ
Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ thường diễn ra vào ngày 20/1, hoặc ngày 21/1 nếu ngày 20 rơi vào chủ nhật. Lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama năm 2013 diễn ra vào ngày 21/1.
Phần lớn lễ nhậm chức của các tổng thống Mỹ được tổ chức ở tòa nhà quốc hội. Tùy vào điều kiện thời tiết, buổi lễ có thể diễn ra trong nhà hoặc ngoài trời. Vào buổi trưa, chánh án Tòa án Tối cao Mỹ sẽ chủ trì lễ tuyên thệ của tổng thống.
Tổng thống Mỹ sẽ nhắc lại theo lời của chánh án: "Tôi, (tên tổng thống), trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ hiến pháp Mỹ".
Các tổng thống Mỹ thường kết thúc lời tuyên thệ bằng câu nói: "Xin Chúa hãy giúp con", tuy nhiên, câu nói mang tính tôn giáo này không bắt buộc.
Hiến pháp Mỹ không có quy định tân tổng thống phải đặt tay lên sách gì trong lễ tuyên thệ, tuy nhiên, Kinh Thánh là sự lựa chọn của nhiều nhà lãnh đạo. Ông Barack Obama đã đặt tay trái vào cuốn Kinh Thánh trong khi giơ tay phải trong lễ tuyên thệ vào năm 2009 và 2013.
Video: Obama tuyên thệ nhậm chức năm 2013
Nga
Tại Nga, lễ nhậm chức của tổng thống diễn ra vào ngày 7/5. Tổng thống đắc cử sẽ đến Cung điện Kremlin qua cổng Spassky và vào hội trường Alexander. Chủ tịch Tòa án Hiến pháp của Nga sẽ mời tổng thống đắc cử bước lên bục tuyên thệ nhậm chức.
Tổng thống đắc cử đặt tay phải lên Hiến pháp Liên bang Nga và tuyên bố: "Tôi xin tuyên thệ sẽ sử dụng quyền lực của tổng thống Liên bang Nga nhằm gìn giữ và bảo vệ các quyền và tự do của nhân dân, giữ gìn và bảo vệ hiến pháp của Liên bang Nga, để bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và toàn vẹn của nhà nước, đồng thời trung thành phục vụ nhân dân".
Video: Putin tuyên thệ nhậm chức năm 2012
Đức
Vào ngày nhậm chức thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ ba 17/12/ 2013, bà Angela Merkel đầu tiên đến cung điện Bellevue, nơi Tổng thống Đức Joachim Gauck trao cho bà quyết định chính thức. Sau một buổi lễ ngắn, bà đến tòa nhà quốc hội và tuyên thệ nhậm chức vào buổi trưa. Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert là người chủ trì lễ tuyên thệ cho bà.
Bà Merkel giơ tay phải và đọc: "Tôi thề sẽ cống hiến sức lực của mình cho phúc lợi của người dân Đức, tăng thêm lợi ích cho dân tộc, ngăn cản thiệt hại cho người dân, giữ gìn và bảo vệ hiến pháp và luật lệ của Liên bang, tận tâm hoàn thành các nhiệm vụ và mang đến công bằng cho mọi người. Xin Chúa giúp đỡ con".
Video: Merkel tuyên thệ nhậm chức năm 2013
Canada
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/11/2015 tại Rideau Hall, nơi ở chính thức của Toàn quyền Canada David Johnston (chức vụ đại diện cho nữ hoàng Canada).
Mặc dù lễ tuyên thệ diễn ra trong nhà trước một số nhỏ khách mời, ông Trudeau đã "phá vỡ" truyền thống bằng cách mời công chúng đến sân dinh thự, và bố trí hai màn hình TV lớn để họ theo dõi buổi lễ.
"Tôi, Justin PJ Trudeau, trịnh trọng, chân thành hứa và thề rằng sẽ trung thực và trung thành cống hiến hết khả năng cùng kiến thức, để thực hiện quyền hạn và đền đáp lòng tin đặt vào tôi, với tư cách là thủ tướng Canada", ông Trudeau tuyên thệ.
Video: Justin Trudeau tuyên thệ nhậm chức năm 2015
Myanmar
Htin Kyaw, 69 tuổi, một đồng minh của bà Aung San Suu Kyi, hôm 30/3 nhậm chức tổng thống Myanmar, đánh dấu lần đầu tiên Myanmar có tổng thống dân sự dân cử trong hơn 50 năm, theo BBC.
Ông và hai phó tổng thống tuyên thệ nhậm chức trong một phiên họp của quốc hội. "Tôi, Htin Kyaw, trịnh trọng, chân thành hứa và tuyên bố rằng tôi sẽ trung thành với Cộng hòa Liên bang Myanmar và nhân dân. Tôi sẽ tôn trọng và tuân theo hiến pháp và pháp luật. Tôi sẽ cống hiến cho Cộng hòa Liên bang Myanmar", ông nói.
Video: Lễ tuyên thệ của tổng thống Myanmar dân sự đầu tiên trong 50 năm
Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 31/3 trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên và cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức trong lịch sử Việt Nam.
Lễ nhậm chức diễn ra vào khoảng 9h15. Đặt tay trái lên cuốn Hiến pháp 2013 màu đỏ, tay phải giơ cao, hướng lòng bàn tay về hội trường, bà Kim Ngân nói: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".
Video: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức
Phương Vũ