Lễ tưởng niệm diễn ra lúc 20h và kéo dài gần 60 phút tại hai điểm cầu ở TP HCM (Dinh Thống Nhất) và Hà Nội (Công viên Thống Nhất). Ngoài ra, nhiều tỉnh thành cũng tổ chức để người dân cầu nguyện cho các nạn nhân Covid-19.
Dự buổi lễ tại TP HCM có ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; nguyên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Đầu cầu Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì lễ tưởng niệm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.
Thời gian vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí "chống dịch như chống giặc". Tuy nhiên dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, hơn một triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng hơn 23.000 đồng bào, chiến sĩ.
Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không người thân ở bên cạnh. Nhiều gia đình 2-3 người tử vong. Những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời... Dịch bệnh quá ác liệt nên nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội...
"Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát", ông Chiến nói.
Tiếp sau đó, dòng người tham dự buổi lễ tại Hội trường Thống Nhất lần lượt dâng hoa và thắp nhang tưởng niệm người mất trong Covid-19.
Tại TP HCM và Hà Nội, ngoài nghi lễ tại hai điểm cầu, hoa đăng được thả trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Hồ Bảy Mẫu (trong Công viên Thống Nhất) lúc 20h35. Cùng lúc, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đổ chuông sầu trong 5 phút; các tàu, thuyền, sà lan... kéo còi tưởng niệm. Người dân tắt đèn, thắp nến tại các nơi công cộng, phố đi bộ, nhà dân cầu nguyện cho các nạn nhân...
Cách Dinh Thống Nhất chừng 500 m, xung quanh tượng đài Đức mẹ Maria trước Nhà thờ Đức Bà, nhiều người dân mang theo nến, hoa đến đặt tại chân tượng, chắp tay cầu nguyện cho người thân.
Chị Đặng Thị Hồng Ân, 40 tuổi, ở quận 8, được chồng chở xe máy đến, đặt bó hoa ly lên tượng Đức mẹ, một bó chị đặt trên xe để lát đưa về nhà đặt lên bàn thờ. Dì của chị Ân vì mắc bệnh nên nên mất vì nhiễm Covid-19 hồi tháng 8, hưởng thọ 72 tuổi. Giữa lúc giãn cách xã hội, việc lo hậu sự khó khăn, nên hôm nay chị muốn làm một điều gì đó để tưởng nhớ người thân mình. "Giờ chỉ mong dịch mau qua, người thân trong gia đình được khỏe mạnh và không có thêm ai phải ra đi nữa", chị Ân nói.
Trong khi đó, cả nhà bà Võ Thị Mỹ Dung (đường Bình Đông, quận 8) hôm nay thu xếp công việc về sớm để cùng chuẩn bị lễ cầu nguyện cho chồng là ông Lê Khắc Huỳnh (64 tuổi).
Bà Dung chia sẻ, đầu tháng 8, cả gia đình đều nhiễm Covid-19. Chồng bà chưa kịp tiêm vaccine nên trở nặng, được đưa đến bệnh viện Trưng Vương. Năm ngày sau, bà Dung cũng được đưa đến bệnh viện Dã chiến quận 8, từ đó bà bặt tin ông. Sau 10 ngày điều trị, bà được xuất viện, trong lòng đinh ninh chồng con đợi sẵn ở nhà mà không ngờ ông đã mất cách đó 3 hôm. Gần 3 tuần sau gia đình mới nhận được tro cốt.
"Lúc anh ấy mất không có người thân nào bên cạnh", bà Mỹ Dung bồi hồi. Nỗi đau quá lớn khiến bà chẳng còn nước mắt để khóc, cùng với di chứng của Covid-19, sức lực cạn kiệt, mọi thứ dồn nén khiến bà gần như trầm cảm. Khi thành phố nới giãn cách, các con đi làm, căn nhà càng thêm trống vắng, không còn tiếng bước chân, giọng nói thân thuộc với bà 35 năm qua.
Bà Dung nói rằng lễ tưởng niệm đồng bào đã mất vì đại dịch tối nay đã phần nào xoa dịu nỗi đau của gia đình. Trong lúc dịch bệnh còn phức tạp, điều kiện khó khăn nhưng thành phố, đồng bào cả nước đã không quên những người nằm xuống. "Khổ đau hay hạnh phúc đều do mình lựa chọn. Nhớ về chồng, về cha, tôi và các con cần sớm chữa lành vết thương để sống tiếp", bà Dung xúc động.
Tại Hà Nội, đến dự lễ tưởng niệm mang theo niềm tiếc thương người mẹ đã qua đời, anh Võ Đăng Thành (49 tuổi), nhà tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa, xúc động rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện đau thương đã trải qua. Gia đình anh Thành có 10 người thì 9 nhiễm Covid-19. "Các thành viên trong gia đình mỗi người điều trị một nơi. Tôi là F1 đi cách ly 8 ngày, sau đó phát hiện bị nhiễm", anh Thành chia sẻ.
Mẹ anh Thành vốn bị tiểu đường, nên dù sức khỏe còn tốt nhưng sau 48 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã không qua khỏi. "Mẹ tôi vào viện con cái không có ai ở bên cạnh. Dù được y bác sĩ bệnh viện tận tình chăm sóc, nhưng với bổn phận là người con, tôi rất đau lòng", anh Thành nói. Đến nay mẹ đã mất được 36 ngày nhưng anh vẫn thấy chưa thể làm quen với cuộc sống không có mẹ.
Không khí xúc động trong lễ tưởng niệm các nạn nhân Covid-19 cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đà Nẵng... Tại Chùa Bửu Quang (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), 112 ngọn nến tượng trưng cho 112 người dân Sa Đéc mất do Covid-19 được thắp lên trong lễ tưởng niệm. "Vì nghĩa đồng bào và thương xót người ra đi không có người thân bên cạnh, tôi đến thắp nén nhang, hồi hướng mong họ được yên nghỉ", bà Nguyễn Thị Phượng Minh chắp tay khấn nguyện.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 23.578 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. Riêng TP HCM là hơn 17.300 người, chiếm hơn 74% cả nước.
>> Đêm tưởng niệm nạn nhân Covid-19
>> Người dân thả hoa đăng tưởng nhớ nạn nhân Covid-19
Nhóm phóng viên
Xem diễn biến chính