"Sáng tạo nội dung" đâu phải chỉ là những video cố tình tung hứng những drama gây tranh cãi, khoe body nhún nhảy... Những cách làm này ban đầu có thể thu hút views, nhưng rồi sớm nở tối tàn.
Mặc dù cùng lấy bối cảnh làng quê làm trung tâm, họ mang đến những câu chuyện và cách thể hiện khác biệt. Lý Tử Thất là cái tên quen thuộc với những video đẹp như tranh vẽ. Mỗi khung hình đều được trau chuốt tỉ mỉ, từ cách chế biến món ăn truyền thống đến những công việc thủ công đầy tính nghệ thuật.
Không gian nông thôn trong video của cô là sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ cao và vẻ đẹp cổ điển của văn hóa Trung Hoa. Những thước phim ấy mang lại cảm giác thanh bình, như một liều thuốc "chữa lành" cho những người tìm kiếm sự yên bình trong cuộc sống hiện đại. Mặc dù vậy, nhưng vẫn không ít người cho rằng video sống tiêu sái của cô "giả" vì đằng sau là một ekip chuyên nghiệp, mục đích chính vẫn là tiền.
Trong khi đó, Lê Tuấn Khang, lại chọn một lối đi khác. Những video không cần những góc quay cầu kỳ hay bối cảnh được sắp đặt kỹ lưỡng. Các video của Khang xoay quanh cuộc sống hàng ngày ở vùng quê Việt Nam, những câu chuyện như đi hỏi vợ, "ăn đám giỗ bên cồn"... nhưng đem lại sự hài hước, chân thật và gần gũi là điểm thu hút.
Khang không chỉ mang lại tiếng cười mà sâu xa hơn, còn truyền tải thông điệp về niềm vui lao động và sự sáng tạo trong những điều bình dị nhất. Một chiếc điện thoại cũng trở thành công cụ để đưa cuộc sống nông thôn bày ra trước mắt mọi người.
Nếu Lý Tử Thất đưa khán giả vào một thế giới nông thôn lý tưởng, như một bức tranh hoàn hảo về sự tự cung tự cấp và hài hòa với thiên nhiên, thì Lê Tuấn Khang lại gợi nhắc những ký ức thân quen về một vùng quê miền Tây sông nước sống động
Anh khiến người xem thấy rằng mỗi người dân quê đều là "diễn viên" trong câu chuyện của chính họ, và cuộc sống nông thôn đâu chỉ có cày bừa, gặt lúa, nuôi vịt. Khi bỏ cái cuốc, cái cày thì ai cũng có thể trở thành một diễn viên.
Nhìn vào hai phong cách sáng tạo, có thể thấy họ không chỉ thành công trong việc quảng bá hình ảnh quê hương mà còn mang đến những góc nhìn đa dạng về nông thôn.
Một bên là sự mơ mộng, lý tưởng hóa; một bên là sự thực tế, gần gũi. Họ cùng truyền cảm hứng về một lối sống đi tìm lại giá trị trong những điều giản dị (dĩ nhiên Lê Tuấn Khang "giản dị" hơn Lý Tử Thất.
Lý Tử Thất "chữa lành" tâm hồn người xem bằng vẻ đẹp hoàn mỹ, còn Lê Tuấn Khang khiến khán giả tin rằng, miền quê vẫn là nơi đáng sống và vẫn có cơ hội vươn lên, không nhất thiết phải ở thành phố, là nơi có thể khơi nguồn sáng tạo và niềm vui từ những điều nhỏ bé nhất.
Và nếu hỏi chọn một vùng quê nào để sống, tôi chọn miền quê của Lê Tuấn Khang.
Lê Tuấn Khang 22 tuổi, quê Sóc Trăng. Tuổi thơ khốn khó, anh học đến lớp bảy, sau đó theo cha mẹ chăn vịt. Thấy gia đình vất vả với công việc đồng áng, anh xin lên TP HCM làm thuê ở công ty gỗ, chạy xe ôm công nghệ. Năm 2021, Covid-19 bùng phát, anh trở về quê, tiếp tục công việc chăn vịt. Từ đây, anh bắt đầu thực hiện những đoạn video ngắn, ghi lại cuộc sống ở miền Tây sông nước. Cụm từ "đám giỗ bên cồn" lọt vào top xu hướng tìm kiếm trên mạng xã hội, do được Lê Tuấn Khang nhắc nhiều lần trong các video. Anh cho biết không có đội ngũ đứng sau hỗ trợ, tự lên ý tưởng, xây dựng bối cảnh, quay và dựng video. Tháng 11, sau khi nhận giảiNhà sáng tạo nội dung giải trí của nămtại TikTok Awards Việt Nam 2024, tên tuổi anh được quan tâm hơn, số lượt người đăng ký theo dõi tăng hàng triệu chỉ sau vài tuần. |
*Quan điểm của bạn thế nào?
Chia sẻ bài viết về địa chỉ email:bandoc@vnexpress.net hoặc ấn vào box bên dưới.
Văn Hòa