Ngày 17/3, Thái Thanh qua đời ở tuổi 86 tại California, Mỹ. 70 năm ca hát, bà được xem là một trong những tượng đài để lại ảnh hưởng sâu sắc trong làng tân nhạc Việt Nam.
Danh ca Thái Thanh một thời son rỗi. Ảnh: Facebook. |
Thái Thanh xuất thân là "con nhà nòi" cổ nhạc - bố bà chơi đàn nguyệt, mẹ chơi đàn tranh, tỳ bà có tiếng ở đất Bắc. Thuở bé, bà cùng chị gái - ca sĩ Thái Hằng - biểu diễn tại quán phở Thăng Long do gia đình mở. Niềm đam mê ca hát dần len lỏi trong cô bé Băng Thanh (tên thật của Thái Thanh). Bà mua sách luyện thanh từ Pháp về tự học, chỗ nào không hiểu thì hỏi anh trai - nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Giọng hát của bà vì thế là sự pha trộn giữa những làn điệu luyến láy mang âm hưởng dân tộc như chầu, văn..., vừa mang sắc thái của opera - dòng nhạc bác học phương Tây.
Năm 13-14 tuổi, bà gặp nhạc sĩ Phạm Duy - người sau đó là anh rể, cũng là tác giả phần lớn nhạc phẩm bất hủ bà thể hiện. Ngày đó, bà trở thành cầu nối cho chuyện tình của Thái Hằng và Phạm Duy. Để "ghi điểm", nhạc sĩ viết lời Việt cho ca khúc Dòng sông xanh (The blue Danube) - dựa trên giai điệu nhạc Pháp nổi tiếng, Thái Thanh là người đầu tiên thể hiện ca khúc. Từ đây, giọng hát của bà - qua tiếng đàn và ca từ của Phạm Duy - trở thành một phần lịch sử của tân nhạc.
Thái Thanh thể hiện hàng trăm tác phẩm của Phạm Duy, nổi tiếng nhất gồm Tình ca, Ngày xưa Hoàng Thị, Cô hái mơ, Mùa thu chết, Con đường tình ta đi... Giọng hát light lirico soprano (tạm dịch: nữ cao trữ tình mảnh) với âm vực rộng giúp bà thể hiện được nhiều mảng nhạc của ông, từ quê hương - dân ca, tình ca đến những bản trường ca. Nhạc sĩ sau này kể lại, 60 năm trong nghề sáng tác, ông ưng ý nhất khi Thái Thanh hát nhạc mình. Theo ông, chỉ có Thái Thanh mới đủ khả năng nâng bổng âm nhạc của Phạm Duy với lối hát độc đáo của bà.
Thậm chí, Thái Thanh nhiều lần tự sửa lời bài hát của Phạm Duy mà nghe vẫn hợp, vẫn duyên. Như bài Cho nhau, Phạm Duy viết: "Cho nhau ngòi bút cùn trơ. Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa". Thái Thanh hát thành: "Cho nhau ngòi bút còn lưa...". "Lưa" là một từ cổ, có nghĩa là còn sót lại, gợi cảm giác u hoài, luyến lưu, tiếc nuối. Phạm Duy viết: "Cho nhau thù oán hờn ghen - Cho nhau cho cõi âm ty một miền", Thái Thanh hát thành: "Cho nhau cho nỗi âm ty một miền". Từ "nỗi" gợi tâm trạng con người bao la đến vô hình. Những biến tấu mới lạ của Thái Thanh khiến nhạc phẩm được nâng tầm hơn. "Nếu không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy", nhạc sĩ từng nói.
Thời kỳ đỉnh cao của Thái Thanh là khi bà cùng Thái Hằng - hai tiếng hát trụ cột của hợp ca Thăng Long - vào Nam cùng Phạm Duy, Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương... Họ trở thành nhóm nhạc đình đám nhất Sài Gòn thuở bấy giờ. Hợp ca Thăng Long - với những ca khúc sôi nổi, vui tươi như Ngựa phi đường xa (Lê Yên), Sáng rừng, Hò leo núi (Phạm Đình Chương) - mở lối tiên phong cho phong cách hát bè, hát đuổi của nhiều ban. Họ còn gây tiếng vang với Hòn vọng phu - ca khúc sử thi của nhạc sĩ Lê Thương - qua lối trình bày độc đáo. Trên nền nhạc, giọng diễn ngâm của Thái Hằng, Thái Thanh hát Chinh phụ ngâm khúc, khiến trường ca của Lê Thương trở nên hùng hồn, bi tráng như nhạc kịch. Thái Thanh thành cái tên được thính giả Đài phát thanh Sài Gòn hâm mộ bởi các bài thơ ngâm, hay những bản song ca cùng chị gái.
Thái Thanh (trái) bên hai thành viên của Hợp ca Thăng Long - Phạm Đình Chương (giữa) và Phạm Đình Viêm. Ảnh: Flick. |
Kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, chất giọng nữ cao ngân vang giúp Thái Thanh khác biệt so với loạt ca sĩ cùng thời. Đa số giọng ca thuở ấy hát theo lối bạch thanh, ít luyến láy, thiên về bản năng. Thái Thanh trở thành luồng gió mới khi kết hợp giữa lối hát bel canto (kỹ thuật hát của opera phương Tây) và cách hát mang màu sắc dân ca như bỏ nhỏ, đổ hột... Tên tuổi bà vang trên khắp chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình, từ hãng đĩa đến các phòng trà, vũ trường tiếng tăm ở Sài Gòn. Báo chí đương thời cho rằng, trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975, không ai nổi tiếng bằng Thái Thanh. Tiếng hát của bà trở thành giai thoại. Có thời điểm, khán giả truyền tai nhau rằng, Thái Thanh hát hay như thế là do chui đầu vào chum để tập.
Giọng hát của bà không chỉ hay ở âm sắc bẩm sinh, mà còn ở lối phát âm nâng tầm vẻ đẹp của tiếng Việt. Mỗi âm thanh bà cất lên đều đạt được sự tròn trịa, chuẩn xác. Nhà văn Thụy Khuê từng viết: "Tiếng hát của Thái Thanh xanh thắm màu trời; long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du; lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu; tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ". Thậm chí, một giai đoạn, giới yêu nhạc của Sài Gòn được phân loại theo tầm ảnh hưởng của giọng hát Thái Thanh: những người nghe Thái Thanh nhiều sẽ được mặc nhiên xem là trí thức, am tường.
Không chỉ thành công về độ ăn khách, Thái Thanh được nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ công nhận, nể vì. Năm 1970, trong một sự kiện Nhật Bản, danh ca Lệ Thu đã trả lời báo chí: "Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục". Khi ấy, Lệ Thu là giọng ca có cát-xê hàng đầu, là một trong bộ ba nữ danh ca nổi tiếng đương thời của Sài Gòn - ngoài Thái Thanh, Khánh Ly. Sau này, Khánh Ly cũng nói: "Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh". Còn cố nhạc sĩ Anh Bằng - khi viết nhạc phẩm nổi tiếng Giọt buồn không tên - đã gọi tên Thái Thanh: "Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly/ Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê...".
Sự ảnh hưởng của Thái Thanh đến thế hệ ca sĩ sau này vẫn rõ rệt ngay cả khi bà sang Mỹ định cư vào 1985. Ánh Tuyết kể thuở bé, chị học hát từ các đồng nghiệp đi trước, trong đó có Thái Thanh. Cùng tông soprano (nữ cao), nhờ nghe Thái Thanh, chị phát triển thêm quãng giọng, học được lối luyến láy, ngân nga đậm chất trữ tình của bà. "Không chỉ là bậc thầy trong xử lý thanh nhạc, cô còn có lối hát rất sâu sắc vì những năm tháng sống trong thời lưu lạc. Khi hát về trường ca, dân ca, có lẽ không ai qua nổi Thái Thanh - một giọng ca rất đời", chị nói.
Thái Thanh bên nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: Facebook. |
Sáng 17/3, nghe tin Thái Thanh qua đời, công chúng yêu nhạc bồi hồi ôn lại kỷ niệm một thời sống, ngủ, thậm chí "nghiện" âm nhạc của bà. Trên VnExpress, độc giả Jetmax viết: "Vĩnh biệt bà, một giọng ca thiên phú, tôi thích nghe bà hát từ lúc còn rất nhỏ. Mọi người cứ bảo tôi già trước tuổi, nhưng tôi lại cảm nhận được hơi thở và cuộc sống trong từng lời ca của bà". Độc giả Cơ Hàn hồi tưởng: "Khi nhà tôi sắm được một cái máy cassette rất cũ, những năm 1980, tôi đã nghe được giọng ca của cô. Thi thoảng, băng cassette bị nhũng và kẹt, tôi lôi ra rồi vuốt cho ngay, cuộn vào và nghe tiếp. Cô ra đi nhưng lời ca tiếng hát của cô vẫn mãi ở lại".
Mai Nhật