Lễ hội té nước Songkran diễn ra ở nhiều tỉnh thành Thái Lan từ ngày 11/4 đến 17/4. Trong tuần lễ này, trung tâm An toàn Giao thông quốc gia Thái Lan đã thống kê có tất cả 3.724 vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, khiến 418 người thiệt mạng và gần 3.900 người bị thương. Số người chết so với năm ngoái tăng 7%, Bangkokpost đưa tin ngày 18/4.
Theo thứ trưởng Bộ An ninh Sutee Markboon, nguyên nhân chính gây ra tai nạn trong năm nay là uống rượu. Nguyên nhân thứ hai là lái quá tốc độ cho phép. Thời điểm dễ gây ra tai nạn nhất là từ 16h đến 18h.
Cũng theo ông, có gần 150.000 người dân và du khách bị bắt giữ tại hơn 2.000 trạm kiểm soát trên khắp nước vì vi phạm giao thông. Trong đó có gần 40.000 người không đội mũ bảo hiểm, gần 38.000 người không có giấy phép lái xe...
Thành phố có số lượng người chết nhiều nhất trong dịp này là Nakhon Ratchasima, nằm ở phía đông bắc. Chiang Mai có số người bị thương nhiều nhất (142 trường hợp) và số tai nạn giao thông nhiều nhất (133 trường hợp). Ranong, Samut Songkhram, Nong Khai và Nong Bua Lamphu là 4 tỉnh không có người chết trong mùa lễ hội Songkran năm nay.
Năm 2017, có 390 người chết vì tai nạn giao thông vào thời gian diễn ra lễ hội Songkran. Hơn 3.800 người bị thương và có 3.690 vụ tai nạn giao thông.
Từ lâu, lễ hội lớn nhất Thái Lan Songkran là nỗi ám ảnh với nhiều người. Thậm chí báo chí nước này đã gọi 7 ngày của lễ hội là "tuần lễ nguy hiểm" vì có quá nhiều người chết. Bên cạnh đó, Songkran còn là nỗi lo của nhiều phụ nữ về vấn đề quấy rối tình dục. Trước đó, nhiều người Thái đã tổ chức một chiến dịch với tên gọi Dont tell me how to dress (Đừng dạy tôi phải mặc gì) để phản đối lại vấn nạn này.