Bagwal là một lễ hội thường niên, được tổ chức tại đền Devidhura, quận Champawat, bang Uttarakhand vào ngày lễ Raksha Bandhan (Lễ Tình anh em) theo lịch Hindu. Đây là ngày lễ thể hiện sự yêu thương, gắn bó, bảo vệ của những người anh, chị, em trong gia đình. Năm nay, ngày lễ diễn ra vào 22/8.
Những người tham gia sẽ ném đá vào nhau, khiến đối phương bị thương, chảy máu. Họ dùng các tấm chắn bằng gỗ để cản những viên đá lớn được ném về phía mình. Tuy nhiên với những người chơi, việc bị thương được cho là điềm lành.
Điều quan trọng là không phải ai cũng được tham gia vào cuộc chiến này. Họ phải là những người đến từ 4 gia tộc trong vùng: Walik, Chamyal, Lamgaria và Gaherwal. Năm nay, Bagwal có 300 người tham gia dưới sự chứng kiến của hơn 1.250 người dân địa phương. Những người tham gia đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV. Vào hai ngày 20 và 21/8, nhiều lều đã được dựng cạnh đền để tiện cho việc làm xét nghiệm. Trước khi đại dịch bùng nổ, lễ hội này đều thu hút lượng lớn du khách ghé thăm.
Khim Singh Lamharia, người quản lý đền Devidhura, cũng cho biết nhằm tuân theo các hạn chế phòng chống dịch, lễ hội năm nay rút ngắn từ hơn 10 phút xuống còn 8 phút. Có ít nhất 75 người đã bị thương trong trận chiến ném đá này.
Truyền thống kỳ lạ và được nhiều người đánh giá là bạo lực này, bắt nguồn từ một truyền thuyết địa phương. Theo đó, trước đây Devidhura, thị trấn nơi diễn ra lễ hội Bagwal hàng năm, từng bị ma quỷ xâm chiếm. Vì không thể tự mình chống đỡ được, bốn gia tộc địa phương đã cầu xin thần Barahi cứu mạng. Nữ thần đồng ý với điều kiện mỗi năm người dân phải hiến tế một người con trai trong gia tộc. Do đó, 4 gia tộc này hàng năm vẫn lần lượt thay nhau hiến tế người.
Đến một lần, một bà cụ phải hiến tế người cháu trai duy nhất của mình. Bà đã cầu xin nữ thần tha cho cháu. Mong muốn của bà được chấp thuận với điều kiện các tín đồ trong 4 gia tộc phải ném đá vào nhau và đổ nhiều máu nhất có thể. Hành động này được cho là tương đương với việc hiến tế người.
Đến nay, vẫn chưa ai biết chính xác truyền thống lễ ném đá bắt đầu từ khi nào, nhưng Bagwal đã tồn tại ít nhất vài thế kỷ. Đến nay, con cháu của các gia tộc liên quan vẫn làm theo lời dạy của tổ tiên, và vẫn tổ chức sự kiện ném đá hàng năm. Năm 2013 các nhà chức trách địa phương yêu cầu thay đá bằng hoa, trái cây và bóng cao su. Nhưng không ai đồng ý vì họ cho rằng, cốt lõi của nghi lễ này chính là sự hy sinh bằng máu. Việc sử dụng đá cũng đã bị tòa án ban lệnh cấm, nhưng người dân dường như không quan tâm đến việc này.
Anh Minh (Theo Times of India)