Người hâm mộ đã rất hào hứng với sự trở lại của lễ hội Splendor in the Grass sau hai năm gián đoạn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Lễ hội âm nhạc lớn nhất Australia này bắt đầu từ 22/7, kéo dài ba ngày, với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế như Liam Gallagher, Gorillaz, Tyler The Creator và The Strokes.
Khoảng 50.000 người đã trả 130 USD cho vé một ngày và 275 USD cho ba ngày để tham dự lễ hội năm nay. Tuy nhiên, trời mưa không ngớt dọc theo bờ biển New South Wales (NSW) suốt cả tuần đã biến địa điểm tổ chức sự kiện gần Vịnh Byron trở thành một bãi lầy "nguy hiểm".
Ban tổ chức phải thông báo "thời tiết và tình trạng thiếu nhân viên đều tồi tệ hơn dự kiến" và quyết định hủy các sự kiện trong ngày đầu tiên của lễ hội vì "lợi ích và sự an toàn của người tham gia".
Hình ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy địa điểm diễn ra sự kiện phủ một lớp bùn lầy lội, trong khi vài chục khách mặc áo mưa chụp ảnh giữa khung cảnh như "đầm lầy". Nhiều người than thở về những "trải nghiệm ác mộng" khi phải đối mặt với tắc đường, xe cộ sa lầy khi ra vào nơi tổ chức lễ hội.
"Không nhân viên, không thông tin, đúng là địa ngục trần gian", một khán giả mắc kẹt trong ôtô hơn 8 tiếng cho biết.
Nhiều người kêu gọi ban tổ chức hủy lễ hội vì lý do an toàn. "Tôi thực lòng nghĩ rằng nếu các bạn đặt sự an toàn của nhân viên và người tham dự lên hàng đầu, thì nên hủy hoàn toàn sự kiện", một người dùng Facebook bình luận.
Song ban tổ chức vẫn hy vọng hai ngày lễ hội vào cuối tuần sẽ diễn ra suôn sẻ. "Chúng tôi đang làm việc hết mình để mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh hiện tại", thông báo của ban tổ chức có đoạn.
Hồi đầu tháng, một đợt áp thấp ngoài khơi đã gây mưa lớn trên khắp bang NSW, khiến hàng chục người phải sơ tán, trong khi nước lũ nhấn chìm nhà cửa, tài sản, trang trại, cầu đường.
Climate Council, tổ chức khí hậu phi chính phủ tại Australia, nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên, đồng thời nói thêm Australia "chưa chuẩn bị tốt" để ứng phó.
Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet cho rằng hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra phổ biến hơn và "chính phủ cần điều chỉnh, đảm bảo chúng ta đủ năng lực ứng phó với môi trường thay đổi".
Đức Trung (Theo CNN)