Sau lễ truy điệu buổi sáng tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội), chiều cùng ngày, linh xa đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua quãng đường 120 km về quê ông ở thôn 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nơi an táng Chủ tịch nước nằm ở khu đất phẳng rộng cạnh quốc lộ 10, hai mặt giáp với cánh đồng. Mặt còn lại có dòng thủy nông nhỏ, nước trong xanh, nhìn ra ngôi làng gắn với tuổi thơ ông. Chủ tịch nước từ trần ngày 21/9 tại Hà Nội, sau hơn một năm điều trị bệnh hiểm nghèo. Việt Nam để quốc tang hai ngày tưởng nhớ ông.
Dù ban tổ chức thông báo nhiều ngày trước về thời gian an táng là 15h30, nhưng từ trưa hàng nghìn người dân Kim Sơn và các huyện lân cận đã đổ đến khu nghĩa trang chờ đoàn xe tang. Quốc lộ 10 ùn ứ khi người dân dừng lại xem.
Bà Nga ở huyện Yên Khánh cùng chồng đi 20 km đến viếng tang từ sáng. "Ông mất trẻ quá, người dân quê nhà ai cũng tiếc thương", bà nói.
Trầm ngâm đứng ngoài hàng rào an ninh, bà Nguyễn Thị Khang (75 tuổi) bảo quê cách nhà Chủ tịch nước 25 km nên đến viếng từ chiều qua, đêm bà ở lại để hôm nay dự lễ an táng. "Chưa từng gặp Chủ tịch nước nhưng nghe nhiều người kể ông nhà nghèo, hiếu học nên thương tiếc", bà nói.
Như nhiều người Kim Sơn, cụ Lê Kim Toàn (80 tuổi) tiếc thương học trò cũ. Cụ Toàn là giáo viên chủ nhiệm ba năm THPT của ông Trần Đại Quang tại Trường Kim Sơn B (huyện Kim Sơn). Cụ nhớ lại, "gia cảnh trò Quang nghèo khó lại càng vất vả hơn khi cha cậu ấy mất sớm, sáu anh chị em ở cùng mẹ". "Trò Quang dáng mảnh khảnh, vầng trán cao, sớm bộc lộ tư chất thông minh và ham học hỏi từ bé", thầy nói. Sức khỏe yếu, cụ không thể đến viếng tang, nên nhờ người thân thay mặt thắp nén nhang cho trò cũ.
Chỉ ít người có trách nhiệm được vào khu mộ, phần lớn người dân như bà Nga, bà Khang phải đứng ngoài hàng rào do lực lượng an ninh lễ tang thiết lập.
Trước khi về nơi an táng, đoàn xe tang chạy qua một số địa điểm tuổi thơ Chủ tịch nước từng gắn bó như ngôi nhà nhỏ ông ở tại thôn 13, xã Quang Thiện, ngôi trường cũ ông từng theo học...
13h30, đoàn xe tang tiến vào lăng mộ trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm buồn do đội quân nhạc cử hành. Họ tộc, lãnh đạo địa phương và tăng ni đứng thành hai hàng. Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cùng đội tiêu binh di quan vào trước ban thờ.
Trưởng đoàn nội tộc Chủ tịch nước đọc lời điếu, nhấn mạnh sự ra đi của Đại tướng Trần Đại Quang là một mất mát bất ngờ. Ông xướng lên bài thơ dài ca ngợi Chủ tịch nước "đức độ vẹn toàn, yêu thương người dân cũng như người thân".
Điếu văn đọc xong, đoàn họ tộc nội, ngoại từng người đi quanh linh cữu, nước mắt lăn dài. Tiếp sau đó là đoàn đại biểu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình dâng hương. Các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam... cũng cử đoàn đến viếng.
15h30, nghi thức hạ huyệt bắt đầu, phu nhân và người thân trong gia đình Chủ tịch nước bật khóc.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia đình Chủ tịch nước thả những nắm đất đầu tiên xuống huyệt mộ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết... chắp tay trước ngực đi vòng quanh linh cữu. Nhiều tướng lĩnh công an, quân đội và chiến sĩ giơ tay chào.
16h, trong tiếng chuông điểm, đội tiêu binh bắt đầu lấp mộ. Những vòng hoa được mang đến dựng kín quanh mộ. Dòng người dành một phút mặc niệm và đi vòng quanh mộ lần cuối tiễn biệt Chủ tịch nước. Thượng tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm giơ tay chào người tiền nhiệm hồi lâu.
Khi việc đắp mộ hoàn thành, những người có mặt dành một phút mặc niệm và đi vòng quanh mộ lần cuối tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phát biểu cảm ơn khi kết thúc nghi lễ an táng, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Trưởng Ban tổ chức lễ tang nhấn mạnh trong những ngày qua, lễ quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được tình cảm quý trọng và niềm tiếc thương vô hạn của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhà nước và của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. "Cầu chúc linh hồn Chủ tịch nước Trần Đại Quang yên nghỉ cõi vĩnh hằng", Phó thủ tướng nói.
Xem diễn biến chính