"Sau khi nhận khiếu nại và bình luận từ các CLB Primera Liga và Segunda Liga, RFEF thông báo phản đối thỏa thuận này bằng một burofax gửi đến La Liga", RFEF thông báo hôm 11/8.
Hôm 3/8, La Liga thông báo đạt thỏa thuận liên doanh với Quỹ Đầu tư Tiền tệ Quốc tế (CVC) có trụ sở tại Luxembourg. Theo đó, CVC trước mắt sẽ bơm cho La Liga 3,2 tỷ USD, đổi lấy 10% quyền chi phối bản quyền truyền hình và thương mại khác của giải đấu lên đến 50 năm.
Phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư cho các CLB, gồm cả bóng đá nữ, các đội bán chuyên và không chuyên. Barca và Real được cho là sẽ nhận phần nhiều hơn cả từ 3,2 tỷ USD mà CVC trả cho La Liga - khoảng 300 triệu USD mỗi CLB.
Bên cạnh dấu hỏi về tính hợp pháp, REFE còn cho rằng 3,2 tỷ USD là cái giá quá rẻ mạt để La Liga phải đánh đổi theo thoả thuận với CVC. Thông cáo của RFEF có đoạn: "Liên đoàn phải lên tiếng, không chỉ vì các lý do pháp lý, vì chắc chắn sẽ có nhiều vụ kiện phát sinh liên quan đến thoả thuận và gây hoài nghi về tính hợp pháp của nó, mà còn vì những lý do về kinh tế. Thoả thuận khiến các CLB và tổ chức bóng đá bị kiểm soát trong 50 năm để đổi lấy số tiền quá ít ỏi".
RFEF còn cho rằng cách phân chia quyền lợi theo thoả thuận giữa CVC với La Liga sẽ "đào sâu thêm sự bất bình đẳng", ảnh hưởng đến sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha. RFEF cũng quan ngại trước việc CVC - là bên thứ ba - sẽ có quyền can thiệp vào giải đấu - điều mà cơ quan quản lý bóng đá Tây Ban Nha cho là "vi phạm nghiêm trọng luật cũng như chuẩn mực thể thao châu Âu".
Chủ tịch La Liga Javier Tebas ngay sau đó đáp trả bằng cách mỉa mai việc RFEF chưa phản ứng gì về Super League - quả bom tấn làm rúng động bóng đá Âu hồi tháng Tư, nhưng lại phản ứng rất nhanh với thoả thuận của La Liga với CVC. Cá nhân Tebas luôn kịch liệt phản đối Super League, xem siêu giải đấu mà Real, Barca và Juventus khởi xướng là hiểm hoạ cho sự tồn vong của bóng đá châu Âu.
Tebas tweet: "Sau rất nhiều chờ đợi, rồi RFEF ra thông báo về Super League, và ủng hộ UEFA và các giải đấu. À không, HỌ CHẢ NÓI GÌ về nguy cơ Super League xóa sổ bóng đá Tây Ban Nha. Nhưng tất nhiên, RFEF chẳng từ cơ hội nào để tấn công La Liga. Mọi việc đều phải diễn ra theo trình tự. Vậy mà họ thậm chí còn không thèm nghiên cứu thỏa thuận".
RFEF ra thông báo chưa đầy 24 giờ sau khi Real Madrid khởi kiện cả dân sự và hình sự với Chủ tịch La Liga, Javier Tebas và người đứng đầu Quỹ CVC Javier de Jaime Guijarro, cũng như quỹ CVC. Barca cũng phản đối thương vụ này, và có thể mở cuộc chiến pháp lý chống chủ tịch La Liga giống Real Madrid.
Dù vậy, theo Mundo Deportivo, La Liga không cần sự đồng ý của Barca và Real để thông qua hợp đồng với CVC. Điều lệ giải đấu quy định rằng chỉ cần hai phần ba trong 42 đội của Primera Liga và Segunda Liga - giải hạng Nhì Tây Ban Nha - bỏ phiếu tán thành, La Liga sẽ được bán quyền khai thác thương mại cho CVC. Tuy nhiên, quỹ đầu tư Luxembourg này đang cân nhắc rút lui, sau khi Real và Barca phản đối thương vụ và có ý định khởi kiện La Liga.
Trước khi đạt thỏa thuận với La Liga, CVC đã đề nghị giúp đỡ các đội bóng ở Serie A. Tuy nhiên, các đội bóng lớn như Juventus, Inter hay Milan từ chối vì cho rằng khoản tiền của CVC sẽ khiến họ gặp bất lợi trong dài hạn.
Hồng Duy tổng hợp