"Chiến tranh" là danh từ xuất hiện chủ đạo trong dòng tít của những trang báo thể thao phổ biến ở Anh quốc sáng 19/4. Tờ Guardian viết "Làng bóng đá rúng động", còn Mirror miêu tả đó là "Một tội ác hình sự đối với người hâm mộ". Tờ L'Équipe của Pháp tuyên bố đây là "Cuộc chiến đến từ những kẻ giàu".
Nhưng dù có là gì chăng nữa, động thái vào đêm Chủ nhật 18/4 của 12 CLB thuộc nhóm lớn nhất bóng đá châu Âu cũng rất có thể đánh dấu sự thay đổi sâu và rộng hơn cả, kể từ ngày Cup C1 - tiền thân của Champions League ngày nay - ra đời vào năm 1955.
Tối Chủ nhật 18/4/2020 sẽ là mốc thời gian được lịch sử bóng đá châu Âu lẫn thế giới nhớ đến mãi mãi. Sáu CLB thuộc nhóm "Big Six" truyền thống của Ngoại hạng Anh bước lên một con thuyền với ba ông lớn Serie A là Juventus, AC Milan và Inter Milan, cộng thêm ba quyền lực của La Liga là Real Madrid, Barcelona và Atletico Madrid. 12 CLB tổng cộng đến lúc này trở thành những thành viên sáng lập của giải đấu mới có tên gọi Super League.
Sau khi Super League ra bản thông cáo giới thiệu giải đấu cùng 12 CLB sáng lập, Chủ tịch Real Madrid – Florentino Perez, đồng Chủ tịch Man Utd – Joel Glazer và Chủ tịch Juventus – Andrea Agnelli cũng phát đi thông báo của riêng họ.
Tất cả 12 CLB sáng lập cùng thuê InHouse Communications – một đơn vị của Anh – làm đối tác truyền thông, thúc đẩy việc quảng bá cho giải đấu mới. Katie Perrior - người đứng đầu InHouse - là cựu trưởng ban truyền thông cho Theresa May trong suốt nhiệm kỳ làm Thủ tướng Anh, cũng như từng làm việc trong chiến dịch tranh cử chức thị trưởng London của Boris Johnson - người hiện là Thủ tướng Anh - năm 2008.
12 CLB nói trên vẫn đang tham vọng mời gọi thêm ba CLB khác về chung chiến tuyến. Theo giới quan sát, ba CLB này là Bayern Munich, Borussia Dortmund và PSG. Song, đến nay, những tên tuổi của hai nền bóng đá Đức và Pháp vẫn chưa đồng ý gia nhập Super League. Ít nhất, họ đang chưa trở thành những kẻ phản diện trong câu chuyện này.
Ý tưởng hiện tại của Super League là 15 CLB sáng lập cùng tổ chức một giải đấu diễn ra hàng năm, vào các ngày giữa tuần bên cạnh các trận đấu ở giải quốc nội vào cuối tuần. Năm suất còn lại sẽ được dành cho các CLB khác. Từ thông cáo đã đưa, Super League miêu tả năm suất này sẽ được xét, dựa trên thành tích ở giải quốc nội của các CLB.
Về thể thức thi đấu, Super League rất có thể sẽ được triển khai ngay tháng 8/2021, gồm hai bảng đấu – mỗi bảng có 10 đội, thi đấu vòng tròn trên sân nhà và sân khách. Ba đội dẫn đầu mỗi bảng đấu vào thẳng tứ kết. Các đội xếp thứ tư và năm ở mỗi bảng sẽ đá play-off tranh hai suất tứ kết còn lại. Cũng từ vòng tứ kết trở đi, thể thức knock-out hai lượt sẽ được áp dụng và chung kết sẽ diễn ra một trận trên sân đấu trung lập. Mỗi đội tham dự vì thế có thể thi đấu từ 18 đến 23 trận mỗi mùa ở Super League, và các CLB có quyền phát sóng bốn trận mỗi mùa trên nền tảng kỹ thuật số của họ khắp thế giới. Trong thông báo của mình, các CLB sáng lập cũng khẳng định Super League không có ý định "khai chiến" với hai giải đấu thuộc UEFA - Champions League hay Europa League.
Chưa dừng lại ở đó, những CLB này đồng thanh cho biết một khi giải đấu bóng đá nam của họ chính thức đi vào hoạt động hiệu quả, một giải đấu dành cho các cầu thủ nữ cũng sẽ được thành lập. Dựa trên tình hình hiện tại, đội nữ của Liverpool sẽ mặc nhiên có suất dự Super League dành cho nữ trong tương lai, dù đang chơi ở giải hạng Nhì của Anh. Trong khi đó, những nhà vô địch Champions League nữ năm mùa giải đã qua là Lyon thì lại không thuộc nhóm các CLB sáng lập Super League.
Động thái tuyên bố "gây chiến" của 12 CLB thuộc hàng nổi tiếng nhất châu Âu trùng với thời điểm mà chỉ một ngày sau, UEFA dự kiến công bố thể thức sửa đổi của Champions League, vốn dự kiến sẽ được áp dụng kể từ năm 2024. Champions League mới sẽ hủy bỏ thể thức 32 đội tranh tài trong 8 bảng đấu và được thay thế bằng "mô hình Thụy Sĩ" với 36 đội tham gia, mỗi đội chơi 10 trận: 5 sân nhà và 5 sân khách. Các trận đấu được xếp dựa trên nhóm hạt giống và các đội được gộp vào chung một bảng thứ bậc 36 đội. Tám đội dẫn đầu tiến thẳng vào vòng 16 đội, 16 đội xếp tiếp theo bước vào vòng play-off để chọn ra 8 suất đi tiếp còn lại.
Champions League theo thể thức mới có 36 đội, còn Super League có 20 đội. Tổng số trận của Super League là 193, so với 225 của Champions League mới. Số trận vòng bảng tương đương là 180, nhưng số trận từ vòng knockout trở đi cho đến trận chung kết là 13 với Super League và 45 với Champions League mới.
Lẽ ra, cuộc họp của Ủy ban điều hành UEFA để thông qua thể thức mới của Champions League đã được tổ chức vào cuối tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, cuộc đàm phán bị hoãn sau khi Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) – cơ quan đại diện cho những CLB lớn nhất châu Âu – không tìm được tiếng nói chung.
Khi đó, giới phân tích tin rằng điểm bất đồng không nằm ở những thay đổi của thể thức mới. Thay vào đó, các CLB lớn nhất châu Âu muốn được trao quyền kiểm soát và sở hữu nhiều hơn đối với gói bản quyền Champions League, lẫn các hợp đồng thương mại. Giờ đây, tham vọng cho ra đời một Champions League mới của UEFA xem như tan thành mây khói sau cuộc "ly khai"của 12 CLB đã nêu.
Đến cuối ngày Chủ nhật 18/4, các nguồn tin được The Athletic tiếp cận với Super League cho biết, các CLB vốn dĩ ngay từ đầu đã không ưa "mô hình Thụy Sĩ". Họ tin rằng UEFA đang đề cao số lượng hơn chất lượng. Trước đó nữa, trong một phát biểu, Andrea Agnelli – bấy giờ còn đang giữ chức chủ tịch ECA – nói rằng những nghiên cứu đã chỉ ra các khán giả trẻ ngày nay muốn được xem những trận đấu giữa các đội bóng và các cầu thủ tên tuổi nhất thế giới. Vì vậy, Super League được ra đời để đáp ứng trào lưu ấy.
Champions League mới, hay Super League, dù xuất phát từ mục đích gì đi chăng nữa, luôn dựa trên tham vọng tài chính gia tăng. Cụ thể, theo The Times và Guardian, với Super League, 15 CLB sáng lập được cam kết sẽ nhận 3,5 tỷ euro (chia trải dài từ 89 triệu euro đến 310 triệu euro với từng CLB) ngay từ đầu để khắc phục những hậu quả kinh tế mà Covid-19 gây ra, cũng như sử dụng cho các dự án đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài ra, 15 CLB sáng lập sẽ được chia đều mức tiền bản quyền truyền hình và tài trợ từ 32,5% tổng thu nhập giải đấu. Một khoản 32,5% khác sẽ tiếp tục được chia đều cho các CLB sáng lập này cùng với 5 CLB tham gia còn lại. 20% thu nhập trở thành khoản tiền thưởng và được phân bổ theo cách thức tại Premier League cho các CLB, dựa trên thành tích cuối cùng của họ ở giải đấu. 15% còn lại được phân chia dựa trên mức độ nổi tiếng ở khía cạnh thương mại của các CLB.
Super League còn dự kiến đặt ra một mức trần cho chi tiêu tiền lương và chuyển nhượng (ròng) của các CLB tham gia, ở mức 55% doanh thu. Một cơ quan chuyên trách sẽ được đặt ra để giám sát nền tài chính của các CLB.
Super League cũng quả quyết trong vòng 23 năm tới, cả nền bóng đá châu Âu sẽ được hưởng lợi với khoản tài trợ có thể lên tới 10 tỷ euro từ giải đấu này – con số này theo Super League là cao hơn mức đóng góp hiện tại của UEFA nhiều lần.
Dù giữa 12 CLB sáng lập hiện tại mới chỉ đạt được "sự đồng thuận về mặt nguyên tắc" và "thông qua những bản ghi nhớ", thay vì giấy trắng mực đen với chữ ký trên hợp đồng, song, các thông báo đồng loạt được những CLB này phát đi trên mọi nền tảng truyền thông – mạng xã hội đã cho thấy sự nhất quán và đồng lòng.
Thực tế, ý tưởng tạo dựng Super League đã manh nha từ lâu. Theo các tài liệu mà tờ New York Times thu thập được từ tháng 1/2021, những kế hoạch cho sự ra đời của giải đấu mới được đẩy nhanh tốc độ đáng kể từ mùa hè năm ngoái, khi thế giới bóng đá đang chao đảo bởi đại dịch.
Còn nói như trong thông cáo của 12 CLB sáng lập hiện tại thì: "Đã từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn nung nấu mục tiêu cải thiện chất lượng và sức hấp dẫn của các giải đấu châu Âu hiện hành qua từng mùa giải, qua đó mong muốn tạo dựng một sân chơi cơ bản dành cho các CLB và những cầu thủ hàng đầu tranh tài". Để rồi, với tác động khôn lường mà đại dịch để lại, nhóm các CLB này quyết định đã tới lúc thực thi ý tưởng của họ. Suốt những tháng qua, các cuộc hội đàm và bàn bạc được thực hiện thông qua các nhóm trao đổi bí mật trên WhatsApp hay qua ứng dụng gọi điện Zoom giữa những ông chủ tỷ phú của các CLB lớn nhất châu Âu.
Trên New York Times, ký giả Tariq Panja viết rằng các CLB sáng lập hồi đầu năm nay tự tin họ sẽ thu về khoảng 400 triệu euro từ riêng việc tham gia Super League, nghĩa là cao gấp gần bốn lần so với phần thưởng dành cho đội vô địch Champions League vào mùa giải trước.
Theo nhiều nguồn tin, tổ chức bảo lãnh tài chính cho Super League không ai khác chính là ngân hàng đầu tư của Mỹ JP Morgan, dựa trên các khoản vay nợ và doanh thu bản quyền truyền hình thu được trong tương lai. JP Morgan từ lâu đã có mối quan hệ với gia đình nhà Glazer – chủ sở hữu Man Utd. Đến nay, JP Morgan vẫn đang từ chối đưa ra bình luận khi được New York Times liên hệ.
Nhắc đến câu chuyện bản quyền truyền hình, hiện tại vẫn chưa rõ đơn vị nào sẽ đứng ra bao thầu Super League. Dù vào hôm Chủ nhật, rất nhiều thông tin cho rằng dịch vụ truyền hình trực tuyến DAZN – một công ty thuộc sở hữu của tỷ phú người Anh Sir Leonard Valentinovich Blavatnik – sẽ trở thành đối tác bản quyền của giải đấu. Nhưng đến gần cuối ngày 19/4, DAZN vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sự liên quan.
Ở chiều ngược lại, nhiều đơn vị truyền hình lớn rất có thể sẽ tiến hành những hành động pháp lý chống lại các CLB sáng lập của Super League. Bởi sự rút lui của những CLB này khỏi Champions League hay Europa League về cơ bản là khiến sản phẩm trong giao dịch bản quyền truyền hình bị thay đổi (theo chiều hướng suy giảm chất lượng) và dẫn đến những thiệt hại cho bên mua bản quyền.
Đó là chưa kể đến việc, UEFA đã và đang hợp lực với Liên đoàn Bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Italy, các tổ chức quản lý giải đấu chuyên nghiệp gồm Ngoại hạng Anh, La Liga, Lega Serie A lên án quyết liệt cuộc ly khai này. Những biện pháp trừng phạt về thể thao cho đến hành động pháp lý chống lại các CLB sáng lập đã được tuyên bố. Đó có thể bao gồm việc cấm các CLB này tham gia những giải đấu quốc nội tương ứng, các giải đấu thuộc UEFA và thậm chí là cả cấm các cầu thủ của những CLB này thi đấu ở màu áo đội tuyển quốc gia. Với riêng FIFA, dù đã lên tiếng phản đối, ở thẩm quyền liên quan đến các khối đội tuyển quốc gia, cơ quan này vẫn chưa có tuyên bố nào.
Trong thông cáo ấy, Super League có đoạn viết: "Chúng tôi 12 CLB sáng lập đại diện cho hàng tỷ người hâm mộ trên khắp thế giới và 99 danh hiệu châu Âu đã giành được...". Đoạn này sau đó được hàng loạt các ký giả lớn trên thế giới trích lại và dán cho những từ "ngạo mạn" hay "ghê tởm".
Bản thân những nhà lãnh đạo của 12 CLB sáng lập Super League, như Florentino Perez của Real Madrid, Andrea Agnelli của Juventus hay Ed Woodward của Man Utd,... đang phải hứng chịu sự bất bình và thất vọng đến từ các nhà đồng cấp thuộc những CLB nằm ngoài giải đấu mới.
Ngay trong đêm 18/4 rạng sáng 19/4 theo giờ châu Âu, hàng loạt cuộc họp khẩn khắp châu lục này được tổ chức. ECA cũng họp khẩn nhưng không có sự chủ trì của chủ tịch Andrea Agnelli, bởi đơn giản cùng lúc đó ông này đã tuyên bố từ chức. Người chủ trì là Edwin Van der Sar - CEO của Ajax - đặt mức cảnh báo nghiêm trọng nhất cho cuộc họp, và cả thảy 12 CLB sáng lập của Super League đều không cử đại diện tham dự.
Tờ The Times cho biết, Ngoại hạng Anh đã gửi thư đến 20 CLB thành viên giải đấu. Trong đó, Giám đốc Điều hành Richard Masters thúc giục nhóm "Big Six" "hãy rút lui ngay lập tức trước khi phải gánh chịu những thiệt hại không thể khắc phục". Ông cũng tuyên bố bất kỳ CLB nào đăng ký tham gia một giải đấu mới ở châu Âu cũng cần phải được Ngoại hạng Anh phê chuẩn.
Giới phân tích kỳ vọng vào một viễn cảnh "ít đổ máu" hơn giữa UEFA và Super League. Nhiều người tin rằng kế hoạch Super League có thể là sự khởi đầu cho một cuộc đàm phán mà UEFA buộc phải nhượng bộ 12 CLB sáng lập. Hoặc, Super League sẽ được chấp nhận nhưng phải mở rộng quy mô hoặc sửa đổi thay vì chỉ là sân chơi riêng của một nhóm các CLB lớn nhất.
Trên truyền hình Sky Sports, Gary Neville vào ngày Chủ nhật đã có những phát biểu đanh thép và hùng hồn nhất trước sự kiện này. Anh gọi đó là một vụ bê bối và những CLB thuộc nhóm "Big Six" sẽ cần bị phạt tiền thật nặng, thậm chí trừ điểm, giáng xuống những vị trí chót bảng và chức vô địch Ngoại hạng Anh nên được trao cho Burnley hoặc Fulham – những đội bóng đã thi đấu kiên cường trước Man Utd và Arsenal ngay trong đêm.
Sir Alex Ferguson, cựu HLV trưởng Man Utd và là một thành viên trong hội đồng quản trị CLB, cũng góp tiếng nói. Ông miêu tả "bước đi này sẽ hủy hoại 70 năm tồn tại của bóng đá châu Âu". Lần đầu tiên kể từ sau khi giải nghệ vào năm 2013, Sir Alex mới lại lên tiếng về một vấn đề nhạy cảm của Man Utd. Thủ tướng Anh, Boris Johnson thì viết trên Twitter: "Kế hoạch Super League sẽ hủy hoại nghiêm trọng nền bóng đá và chúng tôi ủng hộ các cơ quan quản lý bóng đá có biện pháp hành động đáp trả. Cứ đánh vào giải đấu quốc nội – vốn là trái tim của một nền bóng đá, và người hâm mộ cả nước sẽ quan tâm."
Carlo Ancelotti, HLV trưởng Everton cũng chỉ trích Super League. Ông nói: "Chúng ta đã có Champions League rồi. Như thế là đủ mà? Champions League vốn đã là sân chơi của những đội bóng hay nhất với nhau. Tương lai của bóng đá phải là đề cao giá trị của các giải đấu quốc nội hơn".
Câu trả lời rất đơn giản, vẫn là ... tiền.
Guardian trích dẫn một phát biểu từ một giám đốc điều hành CLB, có nội dung như sau: "Mọi thứ thường mất vài năm thì đã chỉ cần vài giờ để thực hiện. Khoản tiền cam kết trả trước cho các CLB này được treo lơ lửng như một miếng mồi. Tất cả các CLB đều cần tiền, và nếu bạn được thông báo rằng mọi người đều tham gia, bạn sẽ không muốn mình bị bỏ lại mà không có ghế ngồi lúc buổi hòa nhạc dừng lại".
Nếu miêu tả Super League là một tội ác chống lại thể thao hay những giá trị nhân văn và truyền thống, thì động cơ đằng sau ấy có những sự tương đồng với câu chuyện vào năm 1992 khi Ngoại hạng Anh được sáng lập và Cup C1 châu Âu không còn là một giải đấu với thể thức đấu loại trực tiếp.
Các CLB giàu nhất châu Âu xét về mặt lý thuyết, luôn tư duy rằng họ vẫn có thể tổ chức một sân chơi của riêng họ, thu hút những đối tác truyền hình, thương mại của riêng họ và những cầu trường vẫn chật kín khán giả, vì sự nổi tiếng và vì những ngôi sao lớn nhất nằm trong hàng ngũ của họ. Tại sao họ lại không được phép khai thác triệt để những giá trị và tài sản đang có? Tại sao họ phải ngồi chung mâm với những thương hiệu ít có giá trị hơn?
Đó cũng chính là lập luận mà cách đây chừng ba thập kỷ trước, các CLB hàng đầu nước Anh đã đưa ra. Với lãi suất hiện gần bằng 0, 12 CLB sáng lập Super League sẽ không gặp phải vấn đề gì khi thuyết phục một ngân hàng hoặc một công ty cổ phần tư nhân nào đó bảo lãnh tài chính, giúp họ bù đắp cho những khoản mất mát từ việc rời bỏ UEFA, cho đến khi sân khấu mới của riêng họ trở thành mảnh đất màu mỡ và hấp dẫn hơn nhiều lần so với Champions League.
Bản chất của những CLB giàu có nhất châu Âu luôn là họ muốn nhiều hơn nữa, bất kể miếng bánh mà UEFA chia cho có được gia tăng thêm bao nhiêu phần. Nhưng chính sự tác động quá lớn mà đại dịch gây ra đã thôi thúc các CLB này phải hành động. Theo trang Swiss Ramble, riêng mùa giải 2019-2020, 11 CLB sáng lập - trừ Liverpool chưa công bố báo cáo tài chính - đã thiệt hại tổng cộng 1,385 tỷ euro (chưa xét đến hoạt động chuyển nhượng cầu thủ) chỉ vì trải qua ba tháng tác động của đại dịch. Xét rộng hơn, 12 CLB sáng lập này đang gánh khoản nợ gần 6,5 tỷ euro mà theo định nghĩa của UEFA là nợ tài chính 4,05 tỷ euro và nợ chuyển nhượng gần 2,45 tỷ euro. Hầu hết các khoản nợ tài chính này đều là nợ từ các ngân hàng - lên tới 3,82 tỷ euro. Nếu tính luôn cả các khoản nợ khác (lương nhân viên, nghĩa vụ đóng thuế, chuỗi cung ứng,...) tổng khoản nợ của 12 CLB là 8,7 tỷ euro.
Trước một gánh nặng tài chính khổng lồ như vậy, các CLB Super League tuyên chiến và tìm cách tự cứu chính họ. Nhìn vào những món tiền khổng lồ mà mô hình nhượng quyền thể thao ở Bắc Mỹ kiếm được, các CLB châu Âu sẵn sàng từ bỏ những giá trị truyền thống 70 năm như Sir Alex Ferguson đề cập. Từ năm 2009, Arsene Wenger dự báo khả năng trong một thập kỷ tới, một giải đấu châu Âu mới sẽ ra đời khi mà khoản tiền các CLB lớn nhận được từ Champions League không còn đủ đối với họ. Đến năm 2018, cựu HLV người Pháp một lần nữa khẳng định viễn cảnh ấy là không thể khác. "Chia sẻ tiền bạc giữa các CLB lớn và các CLB nhỏ đơn giản trở thành một vấn đề", Wenger nói.
Tuy nhiên, mọi nhà đầu tư đều biết rằng, khủng hoảng của người này lại là cơ hội dành cho kẻ khác. Khi Champions League và Ngoại hạng Anh được khai sinh, bóng đá bấy giờ trải qua một thập kỷ đối mặt với các thảm họa và nạn hooligan. Bối cảnh bóng đá thời kỳ ấy tồn tại quá nhiều những vấn đề hiển nhiên để tạo ra hoàn cảnh hoàn hảo cho một sự thay đổi. Và bây giờ, tác động của đại dịch lẫn ý tưởng mở rộng Champions League từ UEFA lại mang đến thêm một hoàn cảnh hoàn hảo nữa cho một sự tuyên chiến.
Trong riêng một thập kỷ đã qua, các CLB lớn châu Âu đã hai lần chơi chiêu bài Super League. Kết quả, cứ mỗi lần lá bài ấy được đánh ra, UEFA luôn tìm cách trao cho họ nhiều đặc quyền hơn. Như đã nói, mong muốn lúc này vẫn là tiền bạc. Nhưng những CLB giàu có nhất lại tin rằng kết quả thu về lần này nếu chấp nhận "chơi" lớn sẽ không thể đến hai lần. Và lần này, quả thực là một cú đánh chí mạng vào UEFA.
Trên tờ Guardian, một người nắm thông tin trực tiếp trong các cuộc đàm phán, đã nói: "Thông thường, mối đe dọa về một giải đấu như Super League chỉ đóng vai trò đòn bẩy cho một sự nhượng bộ từ UEFA. Nhưng lần này, nó đã tiến xa chưa từng có".
Không chỉ là khoản tiền khổng lồ trước mắt, mà 12 CLB kia còn muốn tự kiểm soát cuộc chơi về dài hạn. Họ muốn tự điều hành giải đấu như Champions League, thay vì để UEFA kiểm soát. Đó là một cuộc chiến mà UEFA những tưởng đã dồn tất cả vào đường cùng, cho đến khi họ chợt nhận ra mình đã bị che mắt đến đêm Chủ nhật.
Dù không ít những lời kêu gọi "tẩy chay" các CLB lớn hay "sống chết mặc bay", UEFA hiểu rằng cắt đi các CLB lớn này sẽ là vết thương nghiêm trọng với tất cả. Thậm chí, câu nói "sống chết mặc bay" có khi mới là dành cho UEFA và phần còn lại. Hãy tưởng tượng các nền bóng đá nhỏ và nghèo nhất châu Âu sẽ duy trì hoạt động ra sao khi số tiền mà UEFA kiếm được từ Champions League hay Europa League mất đi đáng kể? Ngay cả Ngoại hạng Anh - giải đấu quốc nội giàu có nhất thế giới bóng đá - cũng hiểu rõ quy mô giải đấu và tiếng tăm của những CLB tham dự ảnh hưởng ra sao đến các gói bản quyền truyền hình.
Lượng khán giả xem trực tiếp các trận đấu Champions League đã giảm xuống chỉ còn 1,3 tỷ vào mùa 2018-2019, so với mức trung bình 2 tỷ trong chu kỳ 3 năm trước đó. Đó là năm duy nhất dưới cách thức vận hành hiện tại, Champions League có lượng khán giả truyền hình suy giảm tới 35%. Europa League cũng chứng kiến mức suy giảm 17%. Các CLB "tinh hoa" của châu Âu nhận ra đã đến lúc họ muốn điều khiển cuộc chơi của riêng họ. Và họ không muốn chia sẻ.
Trở lại năm 2009, Chủ tịch Florentino Perez của Real bấy giờ từng để mắt đến việc thành lập một giải đấu mới ở châu Âu. Ông nói: "Chúng ta phải cùng nhau lập ra một giải đấu châu Âu mới, để đảm bảo rằng những đội hay nhất luôn chơi trước những đội bóng hay nhất. Đó lại là thứ không xuất hiện ở Champions League".
Đó cũng chính là trọng tâm của kế hoạch. Sau này, một nhân viên cũ của ban lãnh đạo Man Utd cũng từng khẳng định rằng nhà Glazer ý thức được việc giá trị cao nhất mà bóng đá có thể mang lại chính là thông qua các trận đấu ở cúp châu Âu. Giá trị ấy cần phải được tối đa hóa. "Điều này có nghĩa là cần phải có nhiều trận đấu hơn nữa giữa các đội bóng tầm cỡ nhất châu Âu với nhau", người này nói trên The Athletic. "Liverpool đối đầu Barca hấp dẫn hơn nhiều so với Watford chạm trán Burnley". Với các ông chủ người Mỹ, họ không thể thuyết phục mô hình bóng đá Anh chuyển sang mô hình thể thao kiểu Mỹ, vì vậy, tại sao lại không tự mình thành lập một giải đấu riêng đáp ứng điều đó, khép kín như NFL (giải bầu nhà nghề Mỹ) hay NBA (bóng rổ nhà nghề Mỹ)?
Theo giới phân tích, các CLB cốt lõi trong nhóm sáng lập Super League gồm Real, Man Utd, Liverpool và Arsenal. Theo tuyên bố của giải đấu, Perez giữ chức chủ tịch, trong khi Joel Galzer của Man Utd và Agnelli của Juventus sẽ là phó chủ tịch. Có nguồn tin còn cho biết John W Henry của Liverpool và Stan Kroenke của Arsenal cũng sẽ giữ ghế phó chủ tịch.
Các CLB sáng lập ủng hộ sự gia nhập của Tottenham, dù CLB này chỉ có đúng hai danh hiệu quan trọng kể từ năm 1991. Vấn đề nằm ở sự hấp dẫn về mặt thương mại của Tottenham. CLB thành London có một cầu trường mới đầy ấn tượng, sự bùng nổ danh tiếng sau khi bộ phim tài liệu về họ được phát sóng trên Amazon Prime, cùng với thành tích tích cực ở Champions League những năm gần đây và cả sức hút từ Jose Mourinho (người cho đến trước hôm thứ Hai này vẫn còn làm HLV đội bóng).
Bản thân Tottenham khi lựa chọn "đầu quân" cho Super League cũng nung nấu tham vọng nhanh chóng bứt phá để ngồi chung mâm với những CLB được xem là siêu cường ở châu Âu. Một khi có ý định rao bán Tottenham trong tương lai, mức độ danh tiếng sẽ đảm bảo giới chủ CLB thu về những khoản tiền cao hơn hiện tại. Trong khi, Man City và Chelsea là hai CLB tham gia sau vì họ không muốn bị bỏ lại.
Ở Tây Ban Nha, thỏa thuận với Super League được ký ngay trước khi Josep Maria Bartomeu từ chức. Đó không hẳn là câu chuyện đã rồi trong mắt ban lãnh đạo Joan Laporta hiện tại. Vì khoản nợ của CLB xứ Catalonia đã vượt quá 1 tỷ euro, còn Real cũng phải chịu khoản nợ hơn 900 triệu euro.
Ba CLB Italy là Juventus, AC Milan và Inter Milan tiếp nối tiến trình mà theo các nguồn tin tại đất nước hình chiếc ủng cho hay, là vì khoản tiền kiếm được từ bản quyền truyền hình nội địa Serie A vừa ký kết với DAZN chưa khiến họ cảm thấy thật sự thỏa mãn. Mỗi mùa Serie A nhận về 840 triệu euro từ DAZN cho một hợp đồng có thời hạn từ 2021 đến 2024.
Tuy nhiên, chính sự thay đổi trong lập trường của Agnelli mới khiến bóng đá châu Âu phải sửng sốt. Có người miêu tả vị chủ tịch của Juventus là một "con rắn độc". Cho đến trước khi Super League được công khai, Agnelli vẫn còn là thành viên trong Ủy ban điều hành của UEFA và là Chủ tịch của ECA. ECA là một tổ chức gồm 246 thành viên là các CLB khắp châu Âu. Là chủ tịch ECA, Agnelli có trách nhiệm đặt lợi ích của các thành viên lên hàng đầu.
Mới tháng trước, Agnelli còn công khai miêu tả thể thức mới của Champions League là hết sức "hấp dẫn", dù trước đó, vào tháng 1/2021, ông gặp riêng Florentino Perez tại dinh thự xa hoa La Continassa – khiến UEFA cảm thấy lo lắng. Khi được tờ New York Times liên lạc hồi đầu năm trước những thông tin về một cuộc ly khai của các CLB giàu có nhất châu Âu, Agnelli chỉ đáp lại: "Toàn là tin đồn". Chưa kể, Agnelli luôn được cho là có mối quan hệ thân tín với Chủ tịch UEFA là Aleksander Ceferin – thậm chí Ceferin còn là cha đỡ đầu của con gái Agnelli. Ceferin được cho là đã tìm cách "giữ chân" bạn mình, nhưng bất thành.
Từ hôm thứ Bảy, các quan chức UEFA đã tìm cách liên lạc với Agnelli để chuẩn bị cho kế hoạch tuyên bố thể thức mới của Champions League, nhưng "điện thoại của ông nằm ngoài vùng phủ sóng". Giờ thì Agnelli đang cùng phe với Super League và giới phân tích chờ đợi một cuộc so găng chưa từng có giữa Agnelli và Ceferin. Từ bạn bè, họ đã trở thành kẻ thù của nhau.
Ed Woodward của Man Utd cũng nằm trong hội đồng ECA, cùng với Vinai Venkatesham của Arsenal và Ivan Gazidis của Milan. Tất cả rất có thể cũng sẽ từ chức, hoặc bị phế truất sau câu chuyện Super League. Trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư vào tháng 10/2020, Woodward đã bác bỏ khả năng tham gia nhóm ly khai của Man Utd, và khẳng định CLB luôn cống hiến tận tâm với UEFA nhằm tìm cách cải cách các giải đấu châu Âu.
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ rằng Super League là một giải đấu quá cuốn hút đối với Bayern và PSG. Cả hai đều đã liên tiếp suốt nhiều năm thống trị đấu trường trong nước và cần một cú hích ở tầm cỡ quốc tế để tiếp tục phát triển thương hiệu của mỗi CLB. Bên cạnh đó, bản quyền truyền hình nội địa của Bundesliga đã giảm 5% so với trước đó. Trong khi câu chuyện ở Pháp lại đơn giản là một cuộc khủng hoảng khi đối tác cũ Mediapro không thanh toán đủ tiền bản quyền cam kết, giờ Ligue 1 đang phải sống chật vật nhờ cái "chìa tay" cứu rỗi của Canal+.
Nếu như Bayern dè dặt với ý tưởng Super League, thì PSG lại tỏ ra không quan tâm. Dù đã được Real và Man Utd tiếp cận, CLB Pháp cảm thấy chưa đủ thuyết phục bởi bản kế hoạch của Super League. Họ không muốn Super League chỉ là sân chơi "bế quan tỏa cảng". Thậm chí một nguồn tin cấp cao còn nói, PSG cảnh báo Super League rằng "bóng đá châu Âu không thể chỉ dành cho giới siêu giàu" và những CLB đang lên như Leicester City hay Atalanta cần nhận được sự tôn trọng lớn hơn
Ở cấp độ cá nhân, Chủ tịch PSG, ông Nasser Al-Khelaifi là thành viên của hội đồng ECA lẫn UEFA. Ông còn là quan chức đứng đầu của beIN Media Group, mạng lưới truyền hình Qatar đang nắm bản quyền phát sóng chính giải đấu Champions League của UEFA. Rất khó để Al-Khelaifi phá hoại miếng bánh mà mình đã cất công sở hữu. Một người bạn của Al-Khelaifi cũng từng chia sẻ rằng ông là người trung thành với công việc, không sống hai mặt và luôn quan tâm đến những mối quan hệ bạn bè.
Ngoài ra, Bayern và PSG cũng lo ngại rằng sự hấp dẫn ban đầu của Super League sẽ suy giảm theo từng mùa giải, bởi món ăn dù hảo hạng cách mấy mà cứ cho vào miệng liên tục cũng sẽ tới lúc chán ngán. Câu chuyện này được họ liên tưởng đến "Brexit" ngày trước, khi những lời hứa hẹn béo bở về mặt kinh tế cuối cùng trở thành những lời nói dối.
Dù sao, viễn cảnh cả Bayern, rồi Dortmund và PSG gia nhập khối Super League vẫn có thể diễn ra. Nếu 12 CLB sáng lập vẫn nhất quyết với ý tưởng và hành động của họ, ba CLB nói trên sẽ rất khó còn hứng thú ở một giải đấu không còn hấp dẫn và đảm bảo những nguồn lợi như trước. Ít nhất lúc này, họ đang là những nguồn lực phản kháng còn lại của UEFA trong giới siêu CLB của châu Âu.
Trong vài năm đã qua, sáu CLB hàng đầu của Ngoại hạng Anh đã tổ chức các cuộc đàm phán riêng. Căng thẳng từng phát sinh vào năm ngoái khi bản tài liệu về dự án cải cách giải đấu mang tên "Big Picture" của Man Utd và Liverpool được công bố, khiến cả Ngoại hạng Anh hoang mang. Trong dự án ấy, hai CLB giàu truyền thống nhất của nước Anh tham vọng có được nhiều quyền lực và quyền lợi hơn từ giải đấu.
Với bối cảnh hiện tại, tính cạnh tranh chính là sức hấp dẫn lớn nhất mà Ngoại hạng Anh mang lại cũng như tạo dựng được thương hiệu. Nhưng cũng chính sự cạnh tranh đó đang chứng kiến những thế lực mới, hoặc những đội bóng mà ở thời điểm mùa giải hiện tại đang giữ thứ hạng tốt hơn các tên tuổi giàu truyền thống. Nhóm ngoài "big six" như Leeds Utd, West Ham, Aston Villa, Leicester hay Everton rõ ràng luôn tham vọng vào top 4 để được dự Champions League.
Kế hoạch của Super League như đã nói, vẫn chưa làm rõ cơ chế trao suất tham dự cho những đội bóng còn lại ngoài nhóm sáng lập. Giả sử Arsenal kết thúc Ngoại hạng Anh với vị trí thứ 10 chung cuộc, trong khi West Ham cán đích thứ tư, rõ ràng Arsenal vẫn đảm bảo một suất đá Super League, nhưng West Ham thì không.
Trong đêm Chủ nhật 18/4, các quan chức của Ngoại hạng Anh đã phải rất vất vả mới có thể liên lạc được với các đại diện của nhóm "Big Six". Giám đốc điều hành Richard Masters của giải đấu tin rằng vấn đề của các CLB này một khi đã chấp nhận tham gia Super League, sẽ khó khăn vô cùng để tháo gỡ.
Có thể khẳng định đến giờ, tham vọng cải cách của UEFA đối với các giải đấu cúp châu Âu đã tan vỡ. "Một cuộc chấn động ngay tại lõi của UEFA" là cách một nguồn tin từ The Athletic nói về tác động của Super League.
Hầu hết chuyên gia, ký giả và các cựu HLV, cựu cầu thủ cho đến đông đảo người hâm mộ trên thế giới đều lên án Super League. Các hội CĐV lâu năm của những CLB sáng lập gửi tâm thư thể hiện sự bất bình và chỉ trích ban lãnh đạo CLB. CĐV Liverpool tụ tập đốt áo CLB ngay trước trận đá muộn vòng 32 Ngoại hạng Anh gặp chủ nhà Leeds hôm 19/4. Hồi tháng 12/2020, trong một cuộc thăm dò trên BBC, 48% người hâm mộ từ độ tuổi 18 đến 34 tỏ ra hài lòng nếu Super League được hình thành. Một con số đủ lớn để 12 CLB sáng lập hành động và... kiểm chứng.
Trước lời cảnh báo về những án phạt nặng mà UEFA và các khối Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A sẽ áp đặt lên 12 CLB sáng lập Super League, bản thân giải đấu này dường như đã đề phòng từ trước. Theo tờ The Times, những CLB này đã kịp thời gửi kiến nghị lên các Tòa án, ngăn chặn những sự trừng phạt có thể phát sinh trong tương lai.
Đồng thời, thông qua Công ty Super League (SLCo), các CLB sáng lập còn gửi đi một lá thư cảnh báo đến UEFA và FIFA. Nội dung lá thư viết rằng các CLB đã nhận khoản tài trợ 4,05 tỷ euro từ một tổ chức tài chính. Vì thế, họ có nghĩa vụ phải cam kết bằng cách thành lập một giải đấu ly khai như đã hứa, và tìm cách bảo về quyền lợi của mình trước những hành động pháp lý khác.
Cụ thể, Super League viết trong thư: "Chúng tôi lo ngại rằng FIFA và UEFA có thể phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt lên CLB hoặc cầu thủ của chúng tôi. Tuyên bố của UEFA buộc chúng tôi phải có những bước đi phòng vệ trước bất kỳ một phản ứng bất lợi nào. Điều đó không chỉ gây nguy hại cho cam kết tài trợ của chúng tôi, mà còn là hành động bất hợp pháp".
Những lo ngại của Bayern hay PSG về tính hấp dẫn giảm dần của Super League hoàn toàn có cơ sở. Bản chất của bóng đá giúp môn thể thao này được ưa chuộng và theo dõi khắp thế giới chính là tính ngẫu nhiên, nơi mà không phải lúc nào kẻ mạnh cũng giành chiến thắng. Nhưng khi các CLB đang thật sự bị thôi thúc từ góc độ tài chính, họ có lý do để chọn đi theo con đường này.
Những CLB vốn thuộc sở hữu của các hội viên như Real hay Barca, rất có thể sẽ cần phải nhận được sự tán đồng từ người hâm mộ của họ trước khi chính thức góp mặt ở Super League.
Dù có xuất phát từ động cơ hay mục đích gì đi chăng nữa, dù UEFA có trở nên lỗi thời và cần đến lúc bị thay thế, dù cuối cùng những người được lợi nhất là các quỹ đầu cơ, các nhà tài phiệt hay một số ít CLB vốn đã giàu có sẵn, Super League và sự tuyên chiến của 12 CLB tầm cỡ nhất châu Âu sẽ khiến nền bóng đá châu Âu nói riêng và thế giới nói chung không còn như trước nữa.
Hoàng Thông