Hiếm có kẻ tha hương nào không chạnh lòng trước câu hỏi: "Tết này có về quê nhà không?” Thế mà đứa đã quen đón 30 mùa xuân trên đất Việt là tôi lại phải nghe điều đó suốt những ngày Tết Nhâm Thìn 2012 vừa qua.
Cảm giác khó chịu? Không hẳn. Vì đó đơn giản chỉ là những chút hỏi thăm ân cần từ mọi người. Bồi hồi hay phấn chấn? Lại càng không. Vì xúc cảm mãnh liệt hơn nhiều. Có chăng chỉ là một chuỗi nhiều cảm xúc rung lên khác nhau tùy vào mỗi khoảnh khắc nhất định.
![]() |
Xúng xính áo dài đi chơi xuân. Ảnh minh họa: duonghoanguyenhue.com |
Trước khi đi xa, tôi từng tin rằng mình sẽ rất mạnh mẽ và chẳng mấy chốc sẽ thích nghi với cuộc sống mới, ấy vậy mà khoảng cách từ suy nghĩ tới thực tế là chẳng chút gần. Tôi đi lấy chồng phương xa cũng chỉ mong tạo cho mình một thử thách mới, một khoảng lặng riêng để thoát khỏi những nhàm chán ở cuộc sống trước đó.
Nhưng khoảng lặng riêng đó không đẹp và hồng như tôi từng tưởng tượng. Tôi đón Tết Tây trong nỗi chán chường dẫu vùng đất này chào đón xuân bằng những gì hoành tráng nhất, ấn tượng nhất.
Đọc báo, thấy mọi người tung hô rằng Úc là một trong những nước trình diễn pháo bông đêm giao thừa đẹp nhất thế giới, tôi chẳng biết mình nên cười hay khóc khi phút giây rực rỡ đó lại nhạt nhòa trong tôi.
Tôi bỗng thấy sợ, sợ rằng mình sẽ trở nên hờ hững, lãnh cảm với mọi thứ xung quanh vì nỗi nhớ cố hương đã choán hết suy nghĩ. Tôi sợ sẽ đón Tết ta ở nơi đây với sự vô vị tương tự. Và tôi sợ nhất mỗi khi nghĩ đến câu hỏi chẳng biết đến khi nào mình mới được về lại nhà để đón Tết quê…
“Mẹ ơi con xuân này vắng nhà”, bài hát của Trịnh Lâm Ngân qua giọng ca của Duy Khánh trước giờ vốn dĩ hay và là tuyệt phẩm đối với nhiều người yêu nhạc, thế nhưng giờ tôi mới thấm thía, thấm từng câu, từng chữ…
Thèm và nhớ biết bao cái hương vị Tết quê nhà dẫu chẳng biết dùng từ gì để diễn đạt trọn vẹn nỗi nhớ ấy. Bánh chưng, mai, dưa hấu, bao lì xì đỏ ở Úc chẳng thiếu thứ gì nhưng sao vẫn thấy đôi chút hụt hẫng khi cầm trên tay, áp sát tận má.
Con gái giờ theo chồng tha hương, chẳng thể phụ mẹ chưng mâm ngũ quả và bánh mứt đêm giao thừa, chẳng còn xúng xính áo dài đẹp để cùng cha, mẹ và hai đứa em trai cao hơn chị cái đầu… để qua nhà họ hàng chúc Tết.
Nhớ mắt cha mẹ long lanh khi thấy con chìa bao lì xì chúc tuổi, bẽn lẽn nói những lời yêu thương mà ngày thường đã bị bộn bề cuộc sống làm lãng quên (hoặc cố tình để nó trôi tuột qua).
Dồn dập trong tôi lúc này là muôn vàn câu thơ, hình ảnh, lời bài hát gắn với hai tiếng “quê hương”, chúng ào ạt tràn về khiến tôi ngập ngụa trong đủ cung bậc cảm xúc.
“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”, lời thơ của nhà thơ Giang Nam vốn đã đi vào lòng bao người con Việt cứ khiến tôi day dứt mãi.
Ngày còn cắp sách tới giảng đường, thấy các bạn học tỉnh xa háo hức như trẻ con được kẹo khi ngồi xe đò về quê đón Tết, tôi chỉ biết cười vô lo. Giờ mới hiểu xa vòng tay cha mẹ, người thân dẫu chỉ là một tháng hay một ngày thật sự cũng đủ để nhớ nhung, bâng khuâng…
Biết là thật yếu đuối khi đã để Tết làm vỡ òa cảm xúc, nhưng tôi không kìm nén được.
Nếu giờ có một điều ước, tôi chỉ ước mình thêm chút mạnh mẽ để sống tốt và hòa nhập mau hơn vào vùng đất mới mẻ này. Sẽ là vô nghĩa cho một kiếp người khi chỉ biết sống và ôm ấp mãi hoài niệm xa xăm. Thôi thì coi như Tết là một khoảnh khắc đẹp đọng một góc trong tim để mỗi khi nhớ nhung, thất bại có nơi để tìm về và trải lòng.
Sẽ bản lĩnh hơn và sẽ sớm chào đón lại Tết trên vùng đất tổ vào một ngày không xa. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…” (Chế Lan Viên).
Phạm Thị Nguyệt Ánh