Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng nội các của ông hôm nay sẽ từ chức, chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Lawrence Wong. Lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Thủ tướng Wong dự kiến diễn ra lúc 20h (19h giờ Hà Nội) tại dinh Istana.
Quyết định trao lại quyền lực được ông Lý thông báo tháng trước, khẳng định Wong và nhóm chính trị gia thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư (4G) của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore đã "làm việc cật lực để xây dựng niềm tin của nhân dân, đặc biệt trong thời gian đại dịch".
"Tôi xin đón nhận trách nhiệm này với sự khiêm nhường và nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ của mình. Tôi xin hứa cống hiến hết mình cho công việc", ông Wong cho biết hôm 15/4, sau thông báo của ông Lý. Sau lễ tuyên thệ tối nay, ông sẽ trở thành thủ tướng thứ tư của quốc đảo trong gần 60 năm qua.
Ông Wong, 51 tuổi, tự mô tả xuất thân từ "gia đình bình dân" ở khu Marine Parade, đông nam Singapore. Bố ông sinh ra ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, sau đó chuyển đến Malaysia rồi sang Singapore lập nghiệp, còn mẹ ông là giáo viên. Ông Wong lập gia đình với bà Loo Tze Lui và không có con. Ông có một anh trai hơn hai tuổi.
Khi còn nhỏ, Wong thích đọc sách hơn vận động và thường đến thư viện mượn sách về khoa học và guitar. Ông được bố tặng một cây đàn guitar khi 8 tuổi. Channel News Asia mô tả ông Wong là người yêu nhạc, chơi guitar điêu luyện.
Wong du học Mỹ bằng học bổng của chính phủ Singapore, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ kinh tế từ Đại học Wisconsin - Madison và Đại học Michigan - Ann Arbor. Ông còn có bằng thạc sĩ quản trị công từ Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Ông bắt đầu sự nghiệp tại Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore năm 1997, sau đó là các vị trí ở Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Năm 2005, ông trở thành thư ký riêng của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Năm 2008, ông Wong là phó giám đốc điều hành Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore (EMA), rồi được đề bạt lên giám đốc điều hành năm 2009. Năm 2011, sau 14 năm làm công chức, ông quyết định chuyển hướng sự nghiệp, tham gia chính trường, trở thành người trẻ nhất trong số 5 ứng viên được cho là có tiềm năng trở thành nòng cốt 4G của PAP.
Tại Singapore, công chức sẽ được nhận lương hưu nếu làm việc đủ 15 năm. "Đó là một mất mát, nhưng tôi không tính đến yếu tố này khi quyết định bước chân vào chính trường", ông Wong nói.
Năm 2011, ông đắc cử ghế nghị sĩ quốc hội, sau đó đảm nhiệm hàng loạt vị trí ở các bộ như quốc vụ khanh giáo dục, quốc phòng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên năm 2014. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015, Wong là Bộ trưởng Phát triển Quốc gia cho đến tháng 7/2020, khi Thủ tướng Singapore cải tổ nội các và bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Giáo dục.
Tháng 1/2020, ông Wong cùng bộ trưởng y tế Singapore Gan Kim Yong đồng chủ tịch ủy ban ứng phó Covid-19. Wong và Gan xuất hiện trên truyền thông gần như hàng ngày, giải thích về các con số và biện pháp chống dịch của chính phủ với công chúng.
Trong thời gian này, Singapore nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới. Thành tích này, cùng sự xuất hiện thường xuyên trên truyền thông, khiến hình ảnh ông Wong ngày càng được nhiều người biết đến.
Tháng 11/2020, ông Wong được bầu vào ban điều hành trung ương PAP. Tháng 4/2021, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, người được nội các Singapore chọn làm lãnh đạo 4G, xin rút vì lý do tuổi cao, nhường cơ hội cho người trẻ tuổi hơn lãnh đạo đất nước.
Tháng 5/2021, Singapore tiếp tục cải tổ nội các, Wong trở thành Bộ trưởng Tài chính thay thế ông Heng, dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính trị gia này có tiềm năng trở thành lãnh đạo PAP. Trên cương vị mới, Wong đưa ra ba gói ngân sách cho các năm 2022, 2023 và 2024 được Straits Times mô tả là "đều tạo dấu ấn riêng".
Sau khi Heng rút lui, nhóm 4G bắt đầu quy trình tìm lãnh đạo mới. Tháng 3/2022, cựu bộ trưởng giao thông vận tải Khaw Boon Wan, phụ trách quy trình tìm người kế nhiệm, tham vấn riêng với hàng loạt quan chức để lắng nghe lựa chọn của họ.
Tháng 4/2022, ông Lý thông báo Wong sẽ là lãnh đạo 4G, sau khi 15 trong số 19 quan chức được Khaw tham vấn đều coi bộ trưởng tài chính là lựa chọn hàng đầu. Ông Wong được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Singapore trong đợt cải tổ nội các tháng 6 cùng năm. Giới chuyên gia đánh giá giai đoạn làm đồng chủ nhiệm ủy ban ứng phó Covid-19 là cú hích quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của Wong.
Ông Lý ngày 15/4 gọi quá trình chuyển giao lãnh đạo là "thời khắc quan trọng" và kêu gọi người dân Singapore ủng hộ chính phủ kế nhiệm để cùng xây dựng tương lai tươi sáng hơn.
Ông Wong đang dẫn đầu nỗ lực quốc gia "Singapore Tiến bước" (Forward Singapore) để vạch ra "khế ước xã hội" giữa chính phủ và người dân về cách giải quyết hàng loạt vấn đề, từ phát triển bền vững cho đến bất bình đẳng và việc làm.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận mình còn nhiều việc phải làm và những thành quả mà ông có được đến nay đều "nhờ việc đứng trên vai những người khổng lồ". Việc vượt qua cái bóng của những "người khổng lồ" như Lý Hiển Long được coi là một thách thức lớn với tân Thủ tướng Singapore.
"Đến nay, Wong vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào về tầm nhìn chính trị của ông", Chong Ja Ian, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói. "Singapore trước đây hoan nghênh một lãnh đạo ít gây xáo trộn hơn, nhưng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, làm giống như người tiền nhiệm có thể vẫn chưa đủ".
Như Tâm (Theo Channel News Asia, Straits Times)