Mấy ngày nay, nhiều ý kiến bày tỏ sự giận dữ và bức xúc đối với công ty sách tổ chức chương trình "Lẩu sách cuối năm", bán sách với giá 88.000 đồng một kg.
Tôi cho rằng những quyển sách chỉ là phương tiện chuyển tải chữ nghĩa và nó cũng chỉ là một hàng hóa bình thường. Nhiệm vụ của sách sẽ hoàn thành khi có người mua và đọc và hưởng lợi từ chúng, bình thường thế thôi.
Nhiều người cho rằng sách là tri thức, còn tôi nghĩ khác: chỉ sách hay mới là tri thức. Trên thị trường hiện nay đâu chỉ có sách hay. Có rất nhiều cuốn dở, dở một cách tệ hại, thậm chí là độc hại.
Thời buổi bây giờ in sách rất dễ dàng, thậm chí chỉ cần bỏ tiền ra là nhiều người trở thành "nhà văn", "nhà nghiên cứu"... Sách dịch xuất bản tràn lan, nhiều cuốn bị các diễn đàn đọc sách chê bai rất nặng lời vì dịch vô tội vạ, lỗi nhiều, thậm chí nhiều đoạn bỏ qua không dịch. Nhiều nhà xuất bản không có người đủ năng lực để đọc bản thảo, hiệu đính sách.
Vào nhà sách bây giờ, thật khó để tìm một cuốn sách hay, ngoài những tác phẩm đã trở nên kinh điển, hoặc đã đoạt những giải thưởng uy tín. Sách hay sách dở nằm vàng thau lẫn lộn, nên gọi là "lẩu" cũng chẳng sai, dù lẩu là một món ăn ngon hầu như ai cũng thích.
Không có gì sung sướng cho bằng khi mua được một cuốn sách hay giữa một đống sách "cân ký", mà giá lại rẻ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với lời một độc giả tên Lâm trên VnExpress khi bàn về từ "lẩu sách" tại hội chợ sách: "Cá nhân mình thấy chẳng sao. Mọi người chẳng vẫn thường than thở chê sách đắt đó sao, giờ rẻ thì càng được dịp đi mua, càng thích chứ sao mà phải kêu? Chỉ cần nhà xuất bản có tâm, làm ra sách hay thì bán kiểu gì cũng được hết, mình chả phản đối".
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>> Xem thêm: Cách thức để trẻ say mê đọc sách tại Úc