Giữa đèo Cả và đèo Cổ Mã là vùng biển Đại Lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Đây là điểm gần cuối của con đường ven biển hấp dẫn du khách, khởi đầu từ Vũng Tàu và kết thúc tại Quy Nhơn. Ở chân đèo Cổ Mã, có rất nhiều lựa chọn thăm thú như bãi biển Điệp Sơn, đầm Môn - mũi Đôi (Điểm cực Đông)...
Cảnh trời biển núi rừng ở đây đã mê đắm lòng người nhưng con mực Đại Lãnh còn hấp dẫn hơn. Có lẽ cấu tạo địa lý của vùng biển sâu, đầy nắng gió này đã sinh sản ra loại mực ngon. Thế nên, trên con đường dẫn vào cửa hầm xuyên đèo Cổ Mã, khoảng 15 km, chi chít những hàng quán bình dân bán lẩu mực.
Ngư dân Đại Lãnh chuyên nghề câu mực. Cứ mỗi khi chập choạng tối, hàng trăm tàu thuyền bật đèn neon sáng rực để dụ mực, tạo thành những thành phố sao sa nổi trên biển. Mực có nhiều loại, nhưng dùng để nấu lẩu kiểu Đại Lãnh thì chỉ chọn mực cơm, mực ống. Con mực đặt lên đĩa, đem ra bàn, chờ thả vào nồi lẩu vẫn tươi roi rói, mắt như còn hấp háy, da nhấp nháy đổi màu, thịt mực trong veo như hồ bằng thạch ngọc. Chỉ nhìn cũng biết ngon ngọt thế nào.
Do nguyên liệu chính đã tươi ngon nên các thứ đi kèm khá đơn giản, không cần cầu kỳ để không làm giảm hương vị của mực. Nước lẩu cũng đơn giản nhưng lại là cái nền hoàn hảo để tôn vị mực.
Nước lẩu chua cay dìu dịu nhờ sự kết hợp của gừng tươi đập dập cả củ nhưng không nát, trái thơm (dứa) chín nhưng vẫn chua chứ không ngọt, một ít sa tế hoặc bột điều chưng cho có màu đỏ hấp dẫn. Chỉ như thế thôi, không cầu kỳ như những thứ lẩu khác.
Bê nồi lẩu đặt lên bàn inox khoét lỗ đặc trưng của các quán lẩu mực Đại Lãnh, rồi bật bếp. Trong lúc chờ nước lẩu sôi, người phục vụ sẽ lần lượt bưng lên đĩa mực nguyên con tươi roi rói. Sau đó là một rổ rau mùng tơi. Rau cải xanh, và một số rau ghém khác cũng được dùng ăn kèm món lẩu này. Và không thể thiếu một bát nước mắm nguyên chất, kèm theo một đĩa ớt xiêm xanh, nhỏ như đầu bút chì nhưng cay nồng và rất thơm. Chỉ cần cắn nửa quả ớt, chấm ít nước mắm là dịch vị đã tuôn đầy vòm họng rồi.
Nếu cầu kỳ, muốn miếng mực nào cũng ngon đúng độ thì gắp từng con và nhúng vào nồi lẩu đang nghi ngút toả nhiệt canh đúng độ chín ưa thích thì gắp ra bát. Muốn hưởng trọn hương vị của mực thì chấm với nước mắm ớt ăn luôn. Mới chỉ cắn nhẹ, miếng mực sần sần đã toả ra vị ngọt khó cưỡng, khiến người ăn phải nghi ngờ về những cái gọi là mực tươi mình đã ăn trước đây. Lẩu nóng sốt, mực giòn tươi ngon, cắn miếng ớt hiểm mồ hôi túa ra như đánh trận. Nhưng chớ lo, đã có nhưng cơn gió biển mát rười rượi từ đại dương thổi vào quạt hầu.
Miếng mực ở đây ngọt lừng khoang miệng, một vị ngọt rất đậm đà, phảng phất hương vị đại dương chứ không dai ngoách, trờn trợt như mực đông lạnh. Cứ tưởng mực khô nướng mới thơm, nhưng mực tươi ở Đại Lãnh ăn còn thơm hơn. Mùi thơm cứ vấn vương bắt người ta phải ăn hết con này đến con khác. Cứ chấm nước mắm, cắn ngang con mực rồi nhai miên man, thỉnh thoảng cắn thêm miếng ớt cho cái lưỡi rùng mình để hiểu rõ thế nào là vị ngon của mực Đại Lãnh.
Sau đó bạn có thể đổi kiểu ăn. Gắp mực cho vào bát, thêm mùng tơi nhúng mềm, toả hương ngai ngái. Cho thêm ít bún tươi, lưu ý rằng bún Khánh Hoà ngon chẳng kém bún Hà Nội, bẻ đôi quả ớt xiêm xanh rồi chan cái thứ nước nóng rãy thơm cay kia lên. Quả là một "màn đại hội" của mùi và vị hoành tráng. Cầm đũa lùa đến đâu, biết đến đấy.
Nếu lần đầu ăn lẩu mực Đại Lãnh, chắc chắn bạn sẽ bị ngạc nhiên khi tính tiền. Một nồi lẩu dành cho 4 người ăn no, có giá chỉ 200.000 đồng. Nếu bạn vẫn thòm thèm, hãy mạnh dạn gọi một "cái lẩu" nữa cho thêm vào. Mỗi "cái lẩu" này gồm mực và rau, có giá chỉ 100.000 hoặc 150.000 đồng tuỳ theo số lượng yêu cầu. Với một nhóm 4 người ăn lẩu mực, chỉ cần mỗi người trả 100.000 đồng, đảm bảo ăn bao no, bao ngon và bao cả hài lòng. Lẩu mực Đại Lãnh ăn hợp nhất những hôm mưa, trời lành lạnh. Nhưng ngay cả khi trời nóng ăn cũng rất ngon.
Theo Ngôi Sao