Vùng sông nước miền Tây nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản lạ miệng. Du khách đến thăm nơi này sẽ không thể quên nồi lẩu cá kèo, tô cháo cá lóc rau đắng hay đĩa bánh hỏi bò đun thơm phức. Lẩu cháo gà ác cũng là một trong những đặc sản khó quên của miền sông nước này.
Đúng như tên gọi, thành phần chính của món lẩu là thịt gà ác. Nguyên liệu này cho vào lẩu cháo không được để nguyên con mà phải băm nhuyễn cả xương. Chính vì vậy, đầu bếp phải chọn những con gà ác còn nhỏ và mềm thịt. Phần thịt gà sau khi băm sẽ được tẩm ướp gia vị đậm đà rồi để trên đĩa, chờ đến khi thực khách chuẩn ngồi xuống chỗ mới cho vào nổi lẩu.
Ngoài gà ác, gạo và nước nấu cháo cũng không kém phần quan trọng. Gạo sẽ được ninh thật kĩ đến khi bung ra, nhừ và thơm phức. Gạo thường được nấu cùng nước gà để món lẩu có vị ngọt đậm đà. Ở nhiều nơi đầu bếp còn cho đậu xanh vào nấu cùng để món ăn thêm ngọt bùi. Ngoài ra, để có được nồi cháo vừa miệng, hành lá, tiêu đen,...cũng là những thành phần không thể thiếu.
Khi các nguyên liệu chính đã được chuẩn bị xong, một bếp lửa nhỏ sẽ được đặt giữa bàn, để nồi lẩu cháo lên trên. Sau đấy, thực khách tự cho phần gà ác băm nhuyễn vào nồi. Tùy theo đầu bếp hoặc thực khách mà nồi lẩu sẽ có thêm trứng cút hoặc trứng vịt lộn.
Đến khi nồi cháo sôi là thực khách đã có thể múc ra bát để thưởng thức. Cách ăn đúng nhất là cho rau vào đáy bát rồi múc cháo lên trên. Những loại rau quen thuộc như rau muống, cải xoong, ngải cứu non,...đều có thể ăn kèm với lẩu cháo gà ác. Chỉ với một thìa cháo, thực khách đã có thể cảm nhận vị ngọt bùi của đậu xanh, đậm đà của thịt gà ác sần sật vì lẫn xương cùng vị ngậy của trứng cút hoặc vịt lộn.
Món lẩu cháo gà ác hấp dẫn rất thích hợp cho những du khách đến với miền Tây trong một ngày mát mẻ. Tuy vậy, thực khách cũng có cơ hội được thưởng thức món ăn này tại Sài Gòn nếu ghé đến đường Cao Thắng, quận 3 hoặc đường Ba Vì, quận 10.