- So với ấn bản đầu tiên của "Điệp viên hoàn hảo" phát hành năm 2007, ấn bản mới này có gì khác biệt?
- Trong lần thứ hai phát hành, Điệp viên hoàn hảo X6 chứa thêm những thông tin mà Phạm Xuân Ẩn từng dặn tôi chỉ in vào sách sau khi ông qua đời. Nay tôi thực hiện lời hứa đó.
Ngoài ra, tôi hy vọng độc giả Việt Nam sẽ cảm nhận và hiểu được hành trình tôi - một người Mỹ - viết sách về một nhà tình báo chiến lược của Việt Nam. Trên hết, tôi hy vọng độc giả hiểu về Phạm Xuân Ẩn - một con người với hai số phận. Cuộc đời Phạm Xuân Ẩn có ý nghĩa nhiều hơn là một điệp viên. Ông còn là nhà báo giỏi, một người hòa giải, hàn gắn mối quan hệ giữa hai đất nước Việt Nam - Mỹ sau cuộc chiến. Đồng thời, ông cũng là người luôn mang nỗi cô đơn thường trực khi sống trong vỏ bọc của mình suốt thời gian dài.
Tôi hy vọng thế hệ độc giả trẻ Việt Nam khi đọc sách sẽ hiểu hơn về con người và đất nước các bạn. Tôi tin cuốn sách sẽ là câu chuyện hấp dẫn về lịch sử chiến tranh hai nước.
Giáo sư Larry Berman tặng hoa cho ông Mười Nho - tức đại tá Nguyễn Xuân Mạnh - Nguyên trưởng phòng điệp báo Tổng cục II Bộ Quốc phòng. Khi trao hoa, Larry Berman nói "Peace!" (Hòa bình!). Ảnh: Thoại Hà. |
- Ông làm thế nào để Phạm Xuân Ẩn tin tưởng, cho ông viết sách về đời mình và còn kể cho ông nghe nhiều bí mật?
- Tôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào năm 2001, và từ đó, trong suốt hai năm, tôi thường xuyên đặt vấn đề về việc viết cuốn sách về cuộc đời ông. Phạm Xuân Ẩn luôn luôn từ chối. Nhưng sau đó ông bệnh nặng và phải vào nằm viện nhiều hơn, phổi ông bị hư tổn rất nặng. Lúc đó chúng tôi đều nghĩ rằng ông còn rất ít thời gian để sống. Tôi nhắc lại lời đề nghị của mình. Phạm Xuân Ẩn từng đọc cuốn sách của tôi là No peace, No Honor: Nixon, Kissinger and betrayal in Viet Nam. Ông nhận xét, trong cuốn sách này, tôi có cái nhìn trung thực, khá công bằng và khách quan. Vì thế, ông đồng ý chia sẻ với tôi những tình tiết về cuộc đời hoạt động tình báo.
- Những cuộc phỏng vấn của ông và Phạm Xuân Ẩn diễn ra thế nào?
- Tôi là một sử gia may mắn khi Phạm Xuân Ẩn vẫn sống được thêm hơn hai năm nữa sau lần nằm viện thập tử nhất sinh. Ông và tôi đã có rất nhiều buổi gặp nhau để trò chuyện, phỏng vấn.
Ông đưa ra hai điều kiện khi làm việc: Thứ nhất là sẽ không đọc lại bản thảo những gì tôi viết về ông. Điều này nhằm tránh việc ông tác động ý kiến chủ quan lên những gì tôi viết. Hai là, có những điều ông sẽ không thể nào nói với tôi hoặc chỉ kể cho tôi để tôi hiểu về tình huống, bối cảnh câu chuyện chứ không được công bố. Có những thứ tôi chỉ được in khi ông đã qua đời và phải tránh làm ảnh hưởng đến bạn bè ông.
Phạm Xuân Ẩn đã mang rất nhiều bí mật về cuộc đời hoạt động tình báo của ông ấy sang thế giới bên kia. Ông ấy chỉ kể cho tôi nghe một phần trong số đó. Có những điều ông ấy sống để bụng chết mang theo.
Bìa cuốn "Điệp viên hoàn hảo X6". |
- Khó khăn lớn nhất của ông trong quá trình viết cuốn sách là gì?
- Phần khó khăn nhất là làm sao phác họa đúng chân dung thật sự của Phạm Xuân Ẩn, một con người có thể sống hai cuộc đời khác nhau. Mà cuộc đời nào cũng tốt, cũng đều được nhiều bạn bè yêu quý. Trong suốt 15 năm, ông Ẩn ở sát ngay cạnh những người bạn Mỹ, các nhà báo Mỹ nhưng ông đều không bị họ nghi ngờ hay phát hiện. Sau chiến tranh, khi phát hiện ra sự thật, nhiều người trong số họ vẫn chia sẻ sự khâm phục với ông, nói những lời tốt đẹp về ông và vẫn tiếp tục muốn làm bạn với ông.
- Ông nghĩ sao về việc công bố những cuộc nói chuyện giữa hai người?
- Tôi đã hứa với ông Ẩn là không bao giờ chia sẻ những bí mật mà ông dặn tôi không tiết lộ. Nhưng cũng có thể ở những thời điểm thích hợp tôi sẽ chia sẻ từng phần (cười).
- Ông nhận xét gì về điệp viên Phạm Xuân Ẩn so với các điệp viên Mỹ hoặc các nước mà ông có dịp nghiên cứu?
- Có rất nhiều dạng tình báo, Phạm Xuân Ẩn thuộc dạng tình báo sử dụng con người làm chủ chốt - một cá nhân được cài cắm vào lòng kẻ thù của đất nước mình để lấy tin tức. Ở lĩnh vực tình báo về con người, tôi đánh giá ông là điệp báo viên giỏi nhất nếu so sánh với các điệp báo Mỹ hay Trung Quốc.
Một trong những người bạn Mỹ đầu tiên của Phạm Xuân Ẩn là đại tá tình báo Edward Lansdale, người của tổ chức CIA của Mỹ. Chính Lansdale là người khuyến khích, giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ để Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học ngành báo chí mà không nghi ngờ gì về vai trò của ông. Tổ chức này cũng đã hai lần muốn tuyển ông làm việc cho mình. Phạm Xuân Ẩn thường nói ông là người may mắn nhưng tôi nghĩ ông là bậc thầy về tình báo.
Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, chính cựu giám đốc CIA William Colby đã đến Việt Nam tìm gặp ông Phạm Xuân Ẩn để học hỏi kinh nghiệm tình báo.
Sau vụ 11/9 ở Mỹ, các nhân viên điệp vụ Mỹ của CIA cũng tìm đến tôi để tìm hiểu những cuộc tiếp xúc giữa tôi và ông Ẩn. Họ muốn học hỏi kinh nghiệm.
- Phản ứng của người Mỹ khi ông ra mắt sách "Điệp viên hoàn hảo"?
- Tôi xem ông Ẩn là một người bạn. Tôi đã viết cuốn sách này theo cách mà ông mong muốn và hy vọng tôi truyền đạt được. Có khá nhiều người ở Mỹ cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã phản bội lại tình bạn với những người Mỹ cũng như ông ấy phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhiều người Mỹ. Những người này rất tức giận khi tôi viết cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn theo góc nhìn của người Việt Nam chứ không phải là một người Mỹ. Một bộ phận người Việt ở Mỹ, những người cao tuổi, cũng tức giận tôi vì điều này. Nhưng có một thế hệ những người trẻ tuổi có cái nhìn khác. Họ thấy trong sách câu chuyện về một con người của tình bạn và hòa bình.
- Sau nhiều cuộc gặp với Phạm Xuân Ẩn, ấn tượng lớn nhất đọng lại trong ông là gì?
- Ông Ẩn luôn luôn là một con người hòa nhã, thân thiện, dí dỏm và tế nhị, nói tiếng Anh rất giỏi, có lối trò chuyện cuốn hút. Những câu chuyện của ông ấy luôn đầy ắp dữ kiện, có nhiều ý nghĩa lịch sử và hấp dẫn. Nhưng quan trọng hơn hết, ông ấy là người trung thực trong các cuộc nói chuyện với tôi.
Giáo sư Larry Berman (phải) vẫn còn muốn viết tiếp về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: Thoại Hà |
- Còn nguồn tài liệu nào về Phạm Xuân Ẩn ở Việt Nam mà ông chưa tiếp cận được để viết sách?
- Tôi luôn mong mình có thể tiếp tục viết sách về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn. 50 năm nữa chắc là tôi đã sang thế giới bên kia, nhưng tôi hy vọng tới ngày đó, biết đâu có những sử gia hay nhà viết tiểu sử thế hệ mới của Mỹ có thể đọc và nói tiếng Việt giỏi. Họ có thể là những người được tiếp xúc với các nguồn tư liệu ở kho dữ liệu quốc gia Việt Nam để viết một cuốn sách mới về Phạm Xuân Ẩn, phần còn lại của câu chuyện về cuộc đời ông mà tôi chưa khai phá.
- Điều lớn nhất mà ông muốn gửi gắm qua cuốn sách là gì?
- Đất nước tôi đã bắt đầu một cuộc chiến tranh kinh khủng ở Việt Nam. Khi nó kết thúc, người Mỹ có một bài học quá lớn. Và hiện giờ, bên nhau, chúng ta đang cùng làm cho nhau lớn mạnh hơn. Mối quan hệ song phương của hai nước đang ngày càng được củng cố vững chắc. Tôi tin, nếu có thế giới bên kia, Phạm Xuân Ẩn rất vui khi biết về điều này. Ước mơ lớn của cuộc đời Phạm Xuân Ẩn là được thấy hòa bình, hòa hợp giữa hai dân tộc Mỹ - Việt Nam.
* Video: Buổi ra mắt sách "Điệp viên hoàn hảo X6" |
|
Thoại Hà ghi
Clip: Hồng Phúc