Trần Thanh Giảng -
Tác giả: Larry Berman
Dịch giả: Nguyễn Đại Phượng
NXB Thông Tấn
Vào tháng 9/2007, có một sự kiện khá lớn trong ngành xuất bản nước nhà là cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman (giáo sư sử học của Mỹ) được biên dịch và xuất bản tại Việt Nam. Sách dựng lại chân dung cuộc đời hoạt động gián điệp bí ẩn nhưng cũng đầy thành công của ông Phạm Xuân Ẩn.
Đi ngược lại thời gian một chút, tháng 9/2006, ông Phạm Xuân Ẩn đã trút hơi thở cuối cùng trong sự thương tiếc của gia đình, bè bạn, và những người yêu mến ông. Ông thọ 79 tuổi, cái tuổi "xưa nay hiếm". Ông vẫn thường đùa với bạn bè "tôi đã sống quá lâu trên đời này rồi, đủ rồi", và ra đi với tâm trạng thanh thản.
Cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo" từng lọt vào danh sách best-seller trong nước. |
Khoảng năm 2005, một tờ báo trong nước có đăng loạt bài về Phạm Xuân Ẩn, người huấn luyện chó cảnh nổi tiếng nhất tại Sài Gòn. Bạn đọc biết thêm không chỉ ông là một nhà tình báo lỗi lạc, mà cũng là một người biết chơi, biết thưởng thức những thú vui tao nhã.
Vào năm 1990, ông được phong hàm Thiếu tướng, Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với cuốn Điệp viên hoàn hảo trong tay, độc giả có thêm những thông tin đầy đủ chi tiết một cách khá toàn diện về ông: cuộc đời, sự nghiệp, gia đình, tình yêu tình bạn...
Qua cuốn sách, ấn tượng nổi bật của về Phạm Xuân Ẩn là: ông không chỉ là một nhà tình báo lỗi lạc mà Việt Nam đã sản sinh, mà còn là một nhà báo lớn, nhà văn hóa, một nhân cách có tầm cỡ.
Ông đã lập nhiều chiến công to lớn, giúp cho quân đội cách mạng thu thập những thông tin chiến lược của Mỹ và Việt Nam cộng hòa để từ đó có những cách thức đối phó thích hợp. Thực tế ông đã góp một phần lớn trong nhiều chiến công như trận Ấp Bắc, Lam Sơn... của quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông còn là một nhà báo giỏi, là người có mối quan hệ sâu rộng trong chính giới tại Sài Gòn những năm chiến tranh Việt Nam (1954-1975). Ông vừa là nhà báo, vừa là nhà tình báo được nhiều người kính nể, kể cả những người Mỹ, những người Việt Nam Cộng hòa, và tất nhiên, những người cộng sản.
Sau khi đất nước thống nhất, mặc dù là người giành được nhiều chiến công hiển hách, ông không tránh khỏi những nghi ngờ từ chính chuyền mới. Người ta luôn đặt câu hỏi, làm sao mà ông tạo được vỏ bọc hoàn hảo đến thế đến nỗi chính quyền Việt Nam Cộng hòa, người Mỹ lại không nhận ra. Và một thời ông có làm việc cho báo Times, hãng tin Reuters, thì liệu ông có làm việc cho CIA hay không?
Chiến tranh biết bao mất mát, phe bên này, phe biên kia, đúng đúng sai sai, thật thật giả giả, tuyệt nhiên tôi không dám bàn tới.
Có một khía cạnh nữa, đọc xong cuốn Điệp viên hoàn hảo, tôi rút ra nhiều ý nghĩa về tình bạn, về mối quan hệ của một người với những người xung quanh, về lối sống và cách tiếp thu văn hóa.
Một trong những vốn quý nhất của Phạm Xuân Ẩn có thể không phải là những chiến công hiển hách, mà là những người bạn. Ông phân chia rất rạch ròi, công việc riêng, bạn bè riêng. Tuy phải thực hiện sứ mệnh cao cả để giải phóng đất nước, nhưng tuyệt nhiên ông không bao giờ "lợi dụng" những người bạn, mà luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ họ khi cần. Điều này thể hiện qua ba giai đoạn, theo tôi là hai giai đoạn có tính bước ngoặt trong cuộc đời ông.
Giai đoạn thứ nhất, ông đã có một thời gian học tập báo chí tại trường Orange Coast (Mỹ). Ở đây ông được tiếp xúc với nhiều người bạn trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Mỹ. Ông được tiếp xúc với lối sống, cách nghĩ, cách tư duy và đối xử quan hệ với những người bạn. Sau này khi gặp lại những người bạn ông đã nói "đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi". Tuy nước Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc trên đất nước Việt Nam, tuyệt nhiên không vì thế mà ông không thích những người bạn Mỹ. Ngược lại, ông thấy ở họ là những người bạn chân thật, giàu lòng nhiệt thành, và có tư duy độc lập cao độ, những tính cách mà ông đánh giá rất cao.
Hai năm học ở trường Orange Coast là khoảng thời gian không nhiều, ông đã được sống trong không gian văn hóa Mỹ, đã học được từ những người bạn Mỹ rất nhiều điều.
Giai đoạn thứ hai, trở lại Việt Nam, dưới vỏ bọc là một nhà báo của Reuters, rồi Times, ông tranh thủ mọi mối quan hệ, mọi nguồn tin để thực hiện sứ mệnh. Ông quen biết sâu rộng với nhiều giới, ở đâu, họ cũng dành cho ông một sự tin tưởng cao độ. Bởi vì họ thấy, ông là một người bạn chân thành, và luôn tìm ở ông những lời khuyên bổ ích, từ những phân tích nhận định sắc sảo của ông.
Sau khi biết ông là tình báo của miền Bắc, có những người bạn trách cứ ông rằng ông đã lợi dụng thời gian làm việc cho báo Times, hãng tin Reuters, và những mối quan hệ của họ, cho mục đích cá nhân. Họ cho ông là con người hai mặt, phản bội. Nhưng hầu hết những người bạn khác đều tin tưởng ông. Ông là người Việt Nam, như một chân lý, cũng như bao người Việt Nam, đều phải có nghĩa vụ với đất nước khi bị chiến tranh, còn đối với những người bạn ông đã sống hết lòng.
Trong mọi mối quan hệ với những người bạn, ông chân tình, nhẹ nhàng, quan tâm đến những điều ý nhị nhỏ nhất. Chính vì thế họ rất quý mến ông. Đã là bạn của ông thì ông bao giờ cũng cố gắng giúp sức họ, khi có thể. Thực tế là có nhiều người bạn được ông giúp đỡ, thoát chết trong gang tấc.
Một hành động ấn tượng và xúc động mà Phạm Xuân Ần dành cho bạn bè đó là chiều 29/4/1975, ông đã cố hết sức mở cánh cửa của dinh Độc Lập, để cho bác sĩ Trần Kim Tuyến lọt qua nhằm kịp chuyến di tản. Bác sĩ Trần Kim Tuyến là người chống cộng khét tiếng. Khi cuộc chiến đã tàn, ông Phạm Xuân Ẩn đã không còn khái niệm bên ta bên mình, gạt lại tất cả, đằng sau là tình bạn của hai người. Ông cứu bác sĩ Trần Kim Tuyến với tư cách là một người bạn.
Mỗi người có một mục tiêu sống, một đường đi cho mình. Trong suốt cuộc đời của họ, họ phải gặp nhiều người tiếp xúc với nhiều người bạn. Trong mối quan hệ với bạn bè, thì sự chân thành, lòng nhiệt tâm giúp đỡ bạn mỗi khi cần là điều quan trọng nhất.
Tuy là người có những hiểu biết sâu rộng, nhưng lúc nói chuyện với người khác, Phạm Xuân Ẩn bao giờ cũng tỏ ra từ tốn, không một chút gì chứng tỏ mình là trội hơn người khác và ông luôn nhẹ nhàng hóa mọi câu chuyện. Người tiếp xúc luôn luôn cảm thấy vui khi được nói chuyện với ông.
Còn nhớ cách đây vài năm, lúc VTV3 có làm chương trình Người đương thời. Khi được hỏi đại ý là bằng cách nào ông có thể lấy được nhiều tài liệu quan trọng, ông đã trả lời một cách hài hước rằng bà Ba Béo (là người liên lạc nội thành của ông) thường xuyên gặp ông, mà chính vì ông sợ bà quá, nên ráng kiếm được nhiều tài liệu thôi. Câu trả lời khiêm tốn, ý nhị, không chút gì là khoa trương hoa mỹ, làm hài lòng mọi người nghe. Thực tế ẩn chứa đằng sau đó là cả một quá trình - mà trong đó cả người lấy tin là ông và cả người liên lạc là bà Ba bất chấp mọi hiểm nguy, quên đi mạng sống của mình mới có được.
Đọc Điệp viên hoàn hảo để thấy, một nhân cách như Phạm Xuân Ẩn lưu giữ những giá trị đáng để học tập. Chắc chắn, ông, một điệp viên tài ba, đã là người bạn tốt của những ai từng là bạn với ông.
Trần Thanh Giảng