Đã 17 năm trôi qua kể từ ngày Joan Laporta trở thành chủ tịch Barca, 10 năm kể từ ngày ông rời nhiệm sở, và 5 năm kể từ lần gần nhất ông tranh cử thất bại.
Ở tuổi 58, mái tóc của vị luật sư đã ngả màu muối tiêu và điều đầu tiên ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn riêng với Guardian về Barca không phải một lời hứa hẹn đao to búa lớn mà là sự thực phũ phàng: "Mọi thứ đang rất phức tạp". Theo Laporta, các hội viên CLB (socio) sẽ trông đợi một tân chủ tịch với "sự nghiêm túc, chặt chẽ, kinh nghiệm và kiến thức". Nghe cứ như tả về... chính Laporta.
Một ấm áp-phích khổng lồ in hình Laporta với khẩu hiệu "Mong sớm gặp lại các bạn" không chỉ được đặt tại Barcelona, mà còn cả tại Madrid, cách đó 600km. Tấm ảnh khổng lồ này được đặt một cách có chủ đích, tại góc phố Santiago Bernabeu, ngay sát sân nhà của đại kình địch Real Madrid và là nơi Laporta từng trải qua đêm tuyệt vời nhất sự nghiệp với chiến thắng 6-2 cùng Barca năm 2009. CĐV Real Madrid có thể không thấy hài hước, nhưng tại Catalonia, người hâm mộ Barca đánh giá cao sự dũng cảm, thái độ khiêu khích và mối đe dọa vị cựu chủ tịch này đem tới cho những đối thủ của Barca.
Đối thủ tranh chức chủ tịch Victor Font thì mỉa mai: "Joan có thể là chuyên gia về áp-phích quảng cáo, nhưng chúng chẳng giúp bạn vô địch Champions League, xây sân vận động hay xử lý khoản nợ". Dù là ai trong tổng số tám ứng cử viên đắc cử chức chủ tịch Barca, người đó cũng sẽ phải thừa kế một đống hỗn độn khi Barca chìm trong khủng hoảng. Vấn đề tới từ đủ mọi ngóc ngách: khoản nợ 488 triệu euro trên sổ sách, một sân vận động phải xây, một khoản vay cần phải trả cho Goldman Sachs, nợ lương và màn trình diễn của đội bóng trên sân mùa giải này.
Laporta vẫn có sức cuốn hút và thần thái như năm nào, nhưng thật khó để tưởng tượng được nguồn năng lượng của vị chủ tịch năm 2003 và còn khó hơn để cân bằng thành công của thời đại ấy. Johan Cruyff đã không còn hiện diện để dẫn đường, Barca cũng chẳng có Pep Guardiola để huấn luyện. Và rất có thể là sẽ không còn viên ngọc Lionel Messi nữa. Vậy Laporta có điên không khi quay lại?
Ông thừa nhận: "Có lẽ tôi là người như vậy. Đây là thách thức lớn nhất cuộc đời và tôi biết, chấp nhận và sẵn sàng đương đầu với nó. Barca là một trong những điều tôi xem trọng nhất. Tôi đã ủng hộ đội bóng trên sân từ năm năm tuổi, bố và ông tôi đã đăng ký thẻ thành viên cho tôi năm lên 10. Những giá trị của đội bóng luôn hiện diện trong đời tôi, không chỉ về bóng đá mà còn nhiều thứ khác. Bây giờ điều đó còn quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng tôi muốn thắp lại ngọn lửa tình yêu của mọi người với Barca".
"Định mệnh dường như muốn tôi góp mặt trong những thời khắc khó khăn nhất của CLB. Đó là định mệnh của tôi. Tôi không xem đó như nghĩa vụ mà chỉ thấy động lực. Chúng tôi vẫn còn Messi và cả Johan qua những gì tôi học được từ ông ấy. Tôi cũng giữ liên lạc thường xuyên với Guardiola. Ông ấy là một người bạn và là HLV giỏi nhất thế giới, nhưng tôi không cố thuyết phục ông ấy trở về vì biết vị thế của ông ấy tại City".
Khi bước sang năm mới, Messi có thể chính thức thương thảo với một đội bóng mới và Man City được xem như một điểm đến tiềm năng. Nhưng Laporta cho rằng Messi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Ông quả quyết: "Tôi cho rằng cậu ấy sẽ cân nhắc mọi phương án. Messi yêu Barca và tôi cho rằng cậu ấy sẽ xem xét lời đề nghị từ tân chủ tịch. Tôi có thể nhìn thấy điều đó bởi điều khiến Leo tức giận nhất là họ đã nói dối cậu ấy. Messi nói với tôi rằng tôi là người không bao giờ lừa dối và luôn hoàn thành những lời hứa. Tôi có thể thấy mối quan hệ của cậu ấy và ban lãnh đạo cũ trở nên tệ đi trông thấy. Họ luôn tìm cách dồn trách nhiệm lên vai Messi và đáng lẽ cậu ấy không phải chịu đựng điều đó. Nếu tôi trở thành chủ tịch, tôi sẽ nói chuyện với cậu ấy. Tôi chỉ có thể nghĩ về Leo trong màu áo Barca và sẽ làm mọi thứ để điều đó được tiếp tục. Tôi biết Leo và điều cậu ấy muốn là chiến thắng. Những cầu thủ hay nhất sẽ nhận thấy ngay nếu đội bóng có sức cạnh tranh hay không. Mọi thứ chưa bao giờ xoay quanh tiền bạc bởi nếu muốn, Leo hoàn toàn có thể đưa ra những quyết định rất khác trong suốt sự nghiệp. Chúng tôi sẽ làm việc hết sức để viết tiếp câu chuyện tuyệt đẹp về Leo Messi và Barca".
"Khi cầu thủ hay nhất thế giới phải nhìn những người khác nâng cao Champions League, bạn biết rằng mọi thứ đã đi sai hướng. Chúng tôi đã để lại một di sản tốt nhất có thể vào năm 2010: Một đội hình có sức cạnh tranh, tình hình tài chính lành mạnh và không có nhà tài trợ trên áo đấu. Thế rồi những người đi sau đã huỷ hoại dự án thể thao và không biết cách làm mới nó", Laporta ngỏ ý tiếc nuối về việc những người kế nhiệm không thể phát huy di sản ông và cộng sự để lại.
"Nói một cách công bằng, tôi cũng đã trải qua giai đoạn đó và có thể hiểu được cảm giác tự mãn. Ở thời điểm 2007-2098, tôi từng nghĩ rằng đội bóng đã chinh phục tất cả và không cần thay đổi. Nhưng mọi thứ lại tệ dần đi. Khi nhận ra điều đó, chúng tôi đã thay Frank Rijkaard bằng Pep, Ronaldinho bằng Messi, Deco bằng Xavi và Iniesta. Chỉ Eto’o là được giữ lại", ông kể thêm.
Sau khi Josep Maria Bartomeu rời ghế chủ tịch, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào đầu năm tới: một thời điểm không hề lý tưởng khi diễn ra giữa mùa giải và trong một cơn đại dịch. Các ứng viên không biết chính xác điều gì đang chờ đợi họ: những bản hợp đồng cần nghiên cứu, các địa điểm xây sân cần khảo sát, và có lẽ một vài bất ngờ không hề dễ chịu chưa được hé lộ.
Laporta nói về một kế hoạch với những biện pháp khẩn cấp, nhưng các thay đổi không thể thực hiện được ngay khi ông chưa rõ về tình hình cụ thể. Ông đang cân nhắc ba ứng cử viên cho vai trò tân Giám đốc Thể thao và cẩn trọng khi nhắc tới Xavi Hernandez - người được Font xem như HLV tương lai. Với Laporta, đương kim HLV Ronald Koeman xứng đáng có thêm thời gian, ít nhất tới hết mùa giải này.
Theo Laporta, thách thức tại Camp Nou hiện tại gần giống năm 2003, dù ở một quy mô lớn hơn. 17 năm trước, đội bóng có chi phí lên đến 192 triệu euro và doanh thu đầu vào chỉ ở mức 123 triệu euro, có một đội hình thiếu cân bằng và nhiều chia rẽ. "Làm mới đội bóng khi ấy dễ hơn hiện tại, bởi những con số có vẻ không được sáng sủa. Nhưng tôi không muốn đóng vai nạn nhân. Mọi thứ đều cần được phân tích và tìm ra giải pháp. Nó thường bao gồm việc cắt giảm chi phí, tăng thu nhập bên cạnh các nguồn thu thông thường và tái cơ cấu các khoản nợ. Mọi người không thích đội bóng của mình mang tiếng là nơi chuyên bán cầu thủ, nhưng đó là một sai lầm. Bạn cần mua và bán thật tốt", Laporta chia sẻ về cương lĩnh hành động.
Một trong những tài năng không thể đụng đến ở Barcelona lúc này là thần đồng Ansu Fati - người Laporta "rất thích" bởi "tiềm năng phát triển cực lớn" và "những cầu thủ tuyệt vời như vậy cần phải ở lại".
So với Bartomeu, Laporta tỏ rõ việc không tán thành ý tưởng thành lập giải Super League. Ông nói: "Mọi phương án sẽ được phân tích và các quyết định sẽ dựa trên lợi ích của Barcelona và bóng đá. Nhưng những ý tưởng như trên đã được thử rất nhiều lần và không bao giờ thành công. Tôi cho rằng nó có thể huỷ hoại bóng đá. Điều đầu tiên tôi muốn làm là nói chuyện với mọi người ở CLB. Điều có thể đảm bảo tương lai đội bóng là La Masia: chúng tôi sẽ trình làng một dự án với phương pháp mới để biến La Masia thành trung tâm của sự chú ý".
Trong nhiệm kỳ đầu, Laporta đã chiêu mộ thành công Ronaldinho và mở ra chu kỳ chiến thắng của Barca. Vậy nếu tái đắc cử, ông sẽ có chiêu bài nào mới để vực dậy một tập thể rệu rã? "Những điều tôi cần nói sẽ được nói vào thời điểm thích hợp", Laporte nở nụ cười bí hiểm.
Thịnh Joey (theo Guardian)