Khi Laporta rời Barca năm 2010, đã có những lời độc miệng rằng vị luật sư này chỉ có thể trở lại ghế lãnh đạo nếu có một chuyện gì đó rất sốc diễn ra với CLB. Và ngày đó đã đến. Nhưng không chỉ một mà vô số chuyện sốc khác đã xảy ra. Thảm bại 2-8 trước Bayern ở Champions League cùng việc Josep Bartomeu từ chức rồi bị bắt, trong khi khoản nợ 1,17 tỷ euro đẩy CLB đến bờ vực phá sản.
Laporta trở lại sau cuộc bầu cử chứng kiến số lượng socios (hội viên) đi bầu lớn kỷ lục. Hơn 20.000 socios ở Catalonia đã bỏ phiếu trước qua đường bưu điện, và thêm gần 35.000 socios nữa có mặt tại Camp Nou cùng năm điểm bỏ phiếu khác hôm 7/3, nâng tổng số cử tri lên đến 55.661.
Hơn 30.000 socios trong số này bầu cho Laporta, giúp ông đắc cử với tỷ lệ 54% phiếu, bỏ xa hai đối thủ Victor Font (đạt 30%) và Toni Freixa (9%). Chiến thắng giúp Laporta trở thành chủ tịch Barca đầu tiên tái cử sau hơn 70 năm.
Trong số những người đến Camp Nou bỏ phiếu, có cả các nhân vật nổi tiếng nhất. Lionel Messi và con trai, đi cùng Sergio Busquets, Sergi Roberto, Jordi Alba và Riqui Puig. Ngoài ra, còn có các cựu cầu thủ và HLV như Bojan, Luis Enrique, Carles Puyol, Eric Abidal và Juan Carlos Unzue, cùng các cựu Chủ tịch Enric Reyna và Joan Gaspart. Như thế đủ thấy "mức độ nghiêm trọng" của tình hình. Các socios cộm cán hiểu tầm quan trọng của việc có một chủ tịch mới. Nó là bước đầu tiên của công cuộc phục sinh.
Hơn ai hết, Laporta là người dành cả đời đấu tranh cho lý tưởng Barca. Khi còn trẻ, ông là đồng thủ lĩnh phong trào "Elefant Blau" (Những chú voi xanh) cùng Sebastia Roca. Phong trào được xây dựng với mục đích lật đổ vị chủ tịch lâu năm Josep Lluis Nunez. Năm 1997, "Elefant Blau" thành công trong việc gây chú ý với các đề nghị chỉ trích Nunez, và dù không thể ép ông này từ chức ngay, nhưng ba năm sau, đã khiến Nunez phải nhường ghế cho phó Chủ tịch Gaspart.
Khi triều đại Gaspart thậm chí còn tệ hơn, một số nhân vật mới gia nhập đội của Laporta, cùng Ferran Soriano, Jordi Moix và Evarist Murtra, và một chuyên gia tài chính có tên Victor Font.
"Nó như thể bước ngoặt thế kỷ vậy, và Laporta đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới của Barca", người viết sử Angel Iturriaga, tác giả cuốn sách "Barca: Những Nhà vua của châu Âu" nói. "Từ những năm 1950, các Chủ tịch Barca đều là doanh nhân, già và cổ hủ. Họ không thể hiện đại hóa đội bóng. Laporta là làn gió mới - một luật sư trẻ biết cách ăn nói và lôi kéo - biến ông thành thủ lĩnh. Rosell và Soriano cũng là những tay chuyên nghiệp ghê gớm, nhưng không có sức hút như Laporta - lúc ấy được gọi là 'John F Kennedy của Barca'".
Khi Laporta tranh cử lần đầu, ông chỉ là ứng viên vô danh trong cuộc đua với Lluis Bassat. Laporta xây dựng đội tranh cử thần tốc với ba tiêu chí: Xã hội, tài chính, thể thao. Trong đội của ông, Rosell phụ trách mảng thể thao, Johan Cruyff được gợi ý trở lại CLB sau thời gian dài bị ruồng bỏ, Ferran Soriano và Marc Ingla phụ trách tài chính.
Bộ máy này cùng quyết định bổ nhiệm Pep Guardiola năm 2008 tạo nên chu kỳ thành công trong triều đại Laporta từ 2003-2010. Trong đó, dùng Guardiola là quyết định gây ngạc nhiên. Khi Laporta tranh cử, Guardiola đứng về phía Bassat.
Sau khi Rosell "làm phản" vì không thích cách Laporta ưu ái Cruyff, đứng ra lập liên minh với Bartomeu và đắc cử chủ tịch, Laporta tham gia chính trị. Ông lập một đảng mới có tên "Democracia Catalana", hoạt động cùng "Liên minh Đoàn kết vì Độc lập" của Catalonia năm 2010. Tuy nhiên, Laporta thất bại trong việc gây dựng uy tín của đảng mới.
Khi trở về Barca, phe Rosell cáo buộc Laporta khiến tình hình tài chính tệ hại. Đội bóng phải vay gần 180 triệu USD để trả lương cầu thủ. Họ đưa Laporta ra tòa để đòi hoàn trả gần 57 triệu USD lỗ lũy kế trong nhiệm kỳ của ông. Đến khi Rosell buộc phải từ chức vì bê bối Neymar, Laporta cũng rời chính trường Catalonia để tranh cử trở lại Camp Nou. Chiến dịch với kế hoạch đưa Eric Abidal lên làm Giám đốc Thể thao, hứa mua Paul Pogba và khẩu hiệu "Chúng tôi là UNICEF, và họ, Rosell và Bartomeu, là Qatar" nhấn mạnh vào khả năng điều hành tệ hại của Rosell từ sau năm 2010.
Tuy nhiên, khẩu hiệu "cây đinh ba và cú ăn ba" mà Bartomeu thực hiện quá xuất sắc, cùng với việc Messi, Neymar, Suarez thống trị bóng đá châu Âu, khiến Laporta thất bại khi chỉ giành 33% phiếu so với 54% của đối thủ. Đây là thất bại nặng nề nếu so với với tham vọng của Laporta lúc đó, bởi ông chưa từng coi trọng Bartomeu. Laporta đã thất bại theo đúng cái cách Bassat thất bại trước ông 12 năm trước.
Trong lần bầu cử năm 2021, tình thế dễ chịu hơn nhiều. Bartomeu mất sạch tín nhiệm và phải từ chức, trong khi hai ứng viên Victor Font và Toni Freixa không đáng ngại.
Freixa nổi tiếng là người theo phe Bartomeu. Nên bất chấp nỗ lực chứng tỏ không dan díu với đồng minh, thất bại của Bartomeu gần như đã đẩy Freixa khỏi cuộc chơi. Font cố gây chú ý với tuyên bố đưa Jordi Cruyff - con trai Johan - về làm Giám đốc Kỹ thuật, và lập Xavi làm HLV. Nhưng mơ mộng này tan tành đúng vào tháng 12/2020, khi một biểu ngữ rộng 1.000 mét vuông với khuôn mặt Laporta được trưng lên trên một tòa chung cư đang sửa lại ngay đối diện sân Santiago Bernabeu của Real Madrid, với dòng chữ: "Nóng lòng đợi ngài trở lại".
Biểu ngữ này tác động sâu rộng lên tâm lý các hội viên và kích thích chính Laporta nhiệt tình hơn trong cuộc tranh cử lần này.
Chiến thắng quá dễ cho Laporta, nhưng ngay sau khi đắc cử, khó khăn chồng chất cho ông. Nhiều người tự hỏi, ở tuổi 58, đã trải qua quá nhiều trận chiến, liệu ông còn nhiệt huyết để thực hiện nhiệm vụ của mình? Trong phát biểu mới nhất, Laporta nhắc đến niềm cảm hứng Johan Cruyff sẽ giúp ông. "Chúng tôi là một đại gia đình sẽ cùng nhau đối mặt những thách thức với sự lạc quan", Laporta nói. "Barca sẽ bền vững trở lại, và niềm vui sẽ quay trở lại. Chúng ta sẽ tránh xa sự tiêu cực và bi quan".
Với tình hình tài chính hiện tại, sẽ không có chuyện Barca mua Kylian Mbappe, hay Erling Haaland. Một lợi thế của Laporta là quan hệ tốt với các tay cò chuyển nhượng. Vì thế, ngay khi Laporta nhậm chức, có tin đồn David Alaba sẽ bẻ kèo Real Madrid về Barca. Mọi người thường nhớ về Ronaldinho năm 2003 khi Laporta đắc cử, nhưng quên rằng sau đó là một số bản hợp đồng giá rẻ khác, ví dụ Rafael Marquez, Giovanni van Bronckhorst, Henrik Larsson, và việc sử dụng rất thành công các tài năng La Masia như Andres Iniesta hay Victor Valdes.
Trong số nợ khổng lồ gần 1,4 tỷ USD, có một khoản nợ ngắn hạn cần xử lý gấp. Barca phải được cấp vốn càng sớm càng tốt. Thỏa thuận vay từ ngân hàng Mỹ Goldman Sachs để tái thiết sân Camp Nou sẽ được xem lại. Trong chiến dịch tranh cử, Laporta đã đề cập đến ý tưởng khai thác trái phiếu để tăng vốn. Không chỉ các nhà đầu tư, người hâm mộ cũng có thể chi tiền để giải cứu CLB.
Laporta cũng hứa ưu tiên việc giữ chân Messi bằng mọi giá. Trong phát biểu sau khi đắc cử, ông nói rất xúc động khi thấy Messi và con trai Thiago đến địa điểm bỏ phiếu tại Camp Nou, hình ảnh khiến ông nhớ lại Messi của hai thập kỷ trước. Tình cảm sẽ là yếu tố quan trọng để Laporta hy vọng giữ chân Messi trong bối cảnh đội bóng khó lòng trả được gần 120 triệu USD tiền lương cho ngôi sao người Argentina. Chính mối quan hệ thân tình với cha con Messi góp phần giúp Laporta vượt qua Font. Khi gửi burofax đòi đi, Messi nói chán ngán cảnh bị Bartomeu lừa dối. Cho nên nếu ở lại, thì đó chắc chắn là vì Laporta.
Trước mắt, Koeman có thể yên tâm giữ ghế. Sự gắn kết giữa ông với Cruyff là một lý do quan trọng để Laporta chưa động vào vị trí HLV. Dù vậy, sự trở lại của Xavi, hoặc sự xuất hiện của một nhà cầm quân trẻ, cấp tiến hơn tầm cỡ Julian Nagelsmann vẫn để ngỏ. Nhiều chuyên gia tin rằng, sớm muộn gì Xavi cũng sẽ ngồi ghế nóng. Nhưng nó phụ thuộc vào thành tích sân cỏ của CLB.
Ngay trận đầu tiên sau khi Laporta đắc cử, Barca bị loại khỏi Champions League sau khi hòa 1-1 ở lượt về và thua chung cuộc 2-5 - một minh họa cho hiện trạng bết bát của đội. Dù vậy, thầy trò Koeman vẫn có thể gỡ gạc nếu đoạt hai danh hiệu quốc nội trong phần còn lại của mùa giải. Tại Cup Nhà Vua, Barca sẽ đấu Bilbao trong trận chung kết ngày 17/4. Còn tại La Liga, họ vừa đòi lại vị trí nhì bảng, thu hẹp cách biệt với ngôi đầu của Atletico còn bốn điểm sau cùng 27 trận.
"Đừng hỏi Barca có thể làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn có thể làm gì cho Barca", Laporta kết thúc bài diễn văn đắc cử bằng một câu gợi nhớ đến cố Tổng thống Mỹ John F Kennedy. Đó là câu hỏi mà Laporta muốn những người yêu Barca trên khắp thế giới phải tự đặt ra với bản thân mình vào lúc này. Hơn lúc nào hết, đội bóng này cần một tinh thần như thế để tự cứu mình.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)