Theo quyết định ngày 22/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm tổ trưởng tổ công tác; tổ phó là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng).
Với sân bay Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ, tổ công tác sẽ đôn đốc các địa phương khẩn trương nghiên cứu đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khi khai thác; đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tài sản quản lý bởi cơ quan, đơn vị tại sân bay.
Tổ công tác cũng nghiên cứu mô hình này với các sân bay khác do địa phương xây dựng, tập trung vào phạm vi, hình thức xã hội hóa đầu tư; lộ trình thực hiện; rà soát khó khăn về cơ chế để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Tổ công tác báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu đề án trong quý IV/2022.
Ngoài ra, tổ công tác sẽ rà soát kiến nghị của các địa phương về bổ sung quy hoạch sân bay giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong 4 sân bay trên, ngoài Nà Sản đang xây dựng, Vinh, Chu Lai và Cần Thơ đều hoạt động dưới công suất. Năm 2019, sân bay Chu Lai đón 0,9 triệu hành khách trong khi công suất là 1,2 triệu; Vinh lần lượt là 2 và 2,7 triệu; Cần Thơ 1,3 và 3 triệu.
Với sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tổ công tác sẽ đánh giá vị trí, hiện trạng hạ tầng, đất đai; đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, vùng trời khu vực xung quanh sân bay; điều kiện, khả năng khai thác hàng không dân dụng; mức ảnh hưởng tới việc khai thác, nhu cầu vận tải của sân bay lân cận.
Trên cơ sở đó, tổ công tác đề xuất sơ bộ phương án đầu tư, khai thác nếu các sân bay này được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc; báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét chuyển hai sân bay quân sự này thành lưỡng dụng trong quý IV/2022.
Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị hình thành 31 cảng, bao gồm: 14 cảng quốc tế, trong đó xây mới sân bay Hải Phòng thay thế Cát Bi; 17 cảng quốc nội gồm xây mới sân bay Cao Bằng và sân bay thứ hai phía đông nam Hà Nội.
Hồ sơ để mở cho việc nghiên cứu quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.