Ngày 16/9, Sở Văn hóa Quảng Trị cho hay đang xin chủ trương để lập hồ sơ nhằm đưa di tích quốc gia đặc biệt hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc trở thành di sản văn hóa thế giới.
“Sở đang khảo sát, đánh giá xem di tích Vịnh Mốc có đủ tiềm năng và giá trị để được công nhận là di sản thế giới hay không”, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Trị cho hay.
Sở Văn hóa cũng đang lập báo cáo tóm tắt di tích địa đạo Vịnh Mốc gửi Bộ Văn hóa trình Hội đồng di sản quốc gia. Việc lập báo cáo tóm tắt này được xem là thuận lợi khi những năm gần đây, Quảng Trị nhiều lần lập hồ sơ để công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia đặc biệt.
Hồ sơ sau đó được trình Thủ tướng xem xét, nếu được thông qua, di tích địa đạo Vịnh Mốc được đăng ký với UNESCO đưa vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.
Theo hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới, với những di tích tiêu biểu được đệ trình vào danh mục trên, UNESCO khuyến khích tìm kiếm ý kiến tư vấn của Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ để đánh giá di sản đề cử có tiềm năng đạt được giá trị nổi bật toàn cầu và yêu cầu về bảo vệ, quản lý theo tiêu chuẩn di sản thế giới, trước khi tiến hành lập hồ sơ.
Việc này giúp tránh tình trạng nhiều di sản mất rất nhiều công sức, kinh phí lập hồ sơ nhưng không được UNESCO công nhận.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Quảng Trị cho hay, quá trình lập hồ sơ có thể “kéo dài vài ba năm”, nhưng được công nhận di sản thế giới sẽ có tác động rất tích cực trong quảng bá và bảo vệ di tích này.
Hệ thống 114 địa đạo, làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị) được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2015.
Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhất là vùng đất địa đầu giới tuyến như Vĩnh Linh, người dân nơi đây đã sáng tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển.
Giá trị nổi bật của hệ thống làng hầm này là giúp quân và dân Vĩnh Linh trú ẩn hiệu quả trước sức mạnh của không quân Mỹ, và trở thành một tầm cao về quân sự, kiến trúc, nghệ thuật khi chuyển hẳn cuộc sống xuống lòng đất.
Gọi là làng hầm vì hình ảnh làng quê được kiến tạo đầy đủ dưới lòng đất với hội trường, căn hộ, nhà hộ sinh, bảng tin, giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật… Trong 2.000 ngày tồn tại, 17 cháu bé được sinh ra tại đây.
Đến nay, địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) được xem là còn nguyên vẹn nhất. Địa đạo này gồm 3 tầng, dài 1.701 m với 13 cửa.
Ngoài địa đạo Vịnh Mốc đang khai thác du lịch, hiện Vĩnh Linh còn nhiều địa đạo nguyên vẹn chưa được khai thác, và chưa có hướng bảo tồn như Mũi Sy, thôn Roọc, Troong Môn - Cửa Hang, Hải Quân, Hương Nam, địa đạo công an vũ trang, địa đạo 61.
Hoàng Táo