Sáng 14/4, ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho hay cơ quan này đã giao 4 cục quản lý đường bộ tìm 2-3 tuyến đường trên địa bàn có nhiều xe quá tải để lắp hệ thống cân xe tự động; cuối tháng 4 chốt danh sách các vị trí để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Hiện các cục quản lý đường bộ đã kiến nghị lắp đặt cân tự động tại đoạn Dốc Xây (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An), vì khu vực này có nhiều xe chở xi măng, chở đá qua lại. Một số tuyến đường cửa ngõ Hà Nội như vành đai 3, cầu Thăng Long, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng được đề xuất lắp đặt cân tự động.
Ông Chung cho biết, các hệ thống cân xe tự động sẽ được đầu tư từ nguồn thu phí đường bộ (với các dự án BOT), nguồn quỹ bảo trì đường bộ (với các dự án nhà nước đầu tư) hoặc ngân sách địa phương.
Chi phí đầu tư mỗi trạm cân tự động với 4 bộ cân tại hai chiều đường khoảng 30 tỷ đồng, giảm 70% so với các chi phí xây dựng các trạm cân xe cố định hiện nay.
Năm 2020, Tổng cục đường bộ Việt Nam vận hành hệ thống cân tải trọng điện tử tự động do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, lắp đặt tại km78+770 quốc lộ 5 thuộc Hải Phòng. Đây là hệ thống cân tải trọng hiện đại nhất Việt Nam, được thiết kế tự động hóa theo công nghệ cân trọng tải của Nhật Bản.
Hệ thống cân có thiết bị cảm biến đặt dưới mặt đường và có camera chụp lại biển số của xe đi qua, đọc ra 15 thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng...; đồng thời tự động tính toán xe này có vi phạm tải trọng không, mức độ như thế nào. Toàn bộ kết quả tải trọng xe được chuyển về cơ quan chức năng để phân tích dữ liệu và lưu trong vài năm.
Theo Tổng cục Đường bộ, hiện nay xe quá tải trên quốc lộ 5 đã giảm mạnh. Sau 6 tháng áp dụng thí điểm đã có 466.000 lượt xe được kiểm tra, phát hiện 660 xe vi phạm (bằng 0,1%). Trong khi 6 tháng trước đó, tỷ lệ vi phạm ở mức 6,9% số vụ.