Sau khi quay phim, di chúc của cô gái 21 tuổi này cần trải qua các bước tiếp theo như nhận diện khuôn mặt, xác minh danh tính, đánh giá tinh thần của người ký. Bản di chúc được in ra, dán kín trong túi hồ sơ và được cất vào kho lưu trữ. Toàn bộ quá trình diễn ra chưa tới một giờ đồng hồ.
Trong sảnh của trung tâm đăng ký Di chúc Trung Quốc, rộng 30 m2, Dịch Lâm nổi bật trong số những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu đưa tới. Cô đến một mình vì giấu gia đình, sợ họ suy nghĩ.
Dịch Lâm, sinh viên năm 4 một trường đại học ở Bắc Kinh lên kế hoạch lập di chúc gần một tháng trước. Lúc ký vào tờ giấy, cô cảm thấy nhẹ nhõm: "Tôi đã nghĩ về những việc xảy ra sau khi qua đời. Lập di chúc là tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cuộc đời mình".
Ngày càng có nhiều người trẻ sinh sau năm 2000 muốn lập di chúc như Dịch Lâm. Theo "Sách trắng về Di chúc Trung Quốc", có 104 người sinh sau năm 2000 lập di chúc vào năm 2020, số này tăng lên 119 người vào năm sau đó.
Hiện các loại hình tài sản di chúc của người trẻ đa dạng hơn người già. Những loại tài sản ảo như Alipay, WeChat, QQ, tài khoản trò chơi... rất phổ biến trong di chúc giới trẻ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở dữ liệu về di chúc của Trung Quốc đã mở chức năng nhắn tin "Di chúc WeChat". Trong đó, người sử dụng chức năng này đa số là giới trẻ.
Ngụy Tiểu Quân, giám đốc Ủy ban các vấn đề gia đình của Hiệp hội luật sư Hàng Châu vừa gặp một người lập di chúc khi 21 tuổi. "Tôi cảm thấy giới trẻ ngày nay cởi mở hơn", vị này nói.
Trong vấn đề sinh tử, những người sinh sau năm 2000 lại có quan điểm của riêng mình. Sau khi người bạn là lập trình viên đột tử ngay trên bàn làm việc, A Lý, sinh năm 2000 đã nảy ý định lập di chúc. Chàng trai sắp tốt nghiệp đại học khoa máy tính đã nhận được một số lời mời từ các công ty Internet. Trong quá trình thực tập, A Lý nhận thấy mức độ rủi ro của nghề lập trình viên cũng rất cao.
"Có dự án mới, tất cả nhân viên đều phải sinh hoạt tại công ty 24/24h", chàng trai trẻ nói. Trong 4 tháng thực tập, A Lý tăng thêm 5 kg với lý do "chỉ ngồi làm và ăn, thậm chí đi vệ sinh cũng phải nhanh chóng".
Tháng này, với sự giới thiệu của một người bạn, A Lý đã tìm gặp luật sư để tư vấn về lập di chúc. Sau một tuần kiểm tra tài sản, chàng trai 22 tuổi điền tên bố mẹ vào việc nhận ba thẻ ngân hàng có 50.000 tệ nếu anh qua đời.
Anh Tử, sinh năm 2000 lại chọn lập di chúc bằng miệng sau một tai nạn ở Tô Châu. Vừa bước vào thang máy, cô phải trải qua "cảm giác sợ hãi tột cùng" khi thang bị rơi tự do trong 5 giây. May mắn, sau khi trôi vài tầng, chiếc thang cũng dừng lại.
Cô gái này không nhớ mình đã khóc như thế nào sau khi lao ra khỏi thang máy. Anh Tử tin rằng thời gian sẽ chữa lành mọi thứ, nhưng những giấc mơ của cô sau đó chỉ liên quan đến chết chóc. Sau một tuần kể từ khi chết hụt, với sự chứng kiến của bạn trai, A Tử đã viết di chúc trên Wechat. Cô chia sẻ, bản thân không lập di chúc để sắp xếp lại cuộc đời mà vì cuộc đời cô đang mất kiểm soát.
"Tôi có thể để lại nhà cho bạn thân của mình không?", "Tôi có thể chuyển hết tài sản cho mèo cưng của mình không"... Trần Khải, giám đốc Ủy ban quản lý Ngân hàng di chúc Trung Quốc đã nhận được nhiều câu hỏi như vậy từ người trẻ.
Cô gái muốn để lại nhà cho bạn thân là con một, sinh năm 2000. Bố mẹ cô ốm nặng nên để tài sản lại cho bạn với hy vọng bố mẹ mình được chăm sóc. Còn người muốn để lại tài sản cho con mèo là bởi "tôi thấy ở nước ngoài họ cũng làm thế".
Năm 2020, Ngân hàng di chúc đã nhận được gần 70.000 "Di chúc WeChat". Trong đó, người dùng từ 20 đến 30 tuổi chiếm 38,7%, dưới 20 tuổi chiếm 27,4%. Nội dung chủ yếu là lời nhắn gửi từ tâm can mà họ muốn bày tỏ với người yêu, người thân trong gia đình.
Theo ông Trần, có một thực tế là những người trẻ này lại không có nhà, không có tiền gửi ngân hàng, không cổ phiếu. Với di chúc "3 không" này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là trò đùa?
Theo vị giám đốc, sự đa dạng ở phần tài sản thừa kế là do Internet phát triển, nhưng nó không ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc. Chỉ cần người lập di chúc có đầy đủ năng lực hành vi, trí tuệ bình thường, mọi ý nguyện đều có giá trị pháp luật. "Đối với thế hệ sinh sau năm 2000, không nhiều người suy nghĩ liệu người nhận thừa kế có cần chúng hay không. Đơn giản họ chỉ mong muốn để lại những gì tốt nhất mà họ có", Trần Khải nói.
Có thâm niên mười năm trong ngành, ông Trần khẳng định cũng có nhiều thanh niên sửa di chúc. Với ông đây là việc bình thường bởi sau vài năm, suy nghĩ của mọi người sẽ thay đổi. "Tuổi 20 dành cho bạn bè, tuổi 30 dành cho cha mẹ, tuổi 40 dành cho con cái. Đây là trình tự phổ biến trong tâm lý con người". Thời gian sửa đổi di chúc thường kéo dài 10 năm nhưng rất ít người thay đổi trong năm đầu tiên.
Tháng 4 năm 2021, một bloger nổi tiếng tại Trung Quốc đã phát hành một video nói về những người sinh sau năm 2000 lập di chúc. Trong khu vực bình luận, rất nhiều người ở lứa tuổi này chia sẻ họ bị cuộc sống hiện đại bóp nghẹt, "không thể nhìn thấy tương lai".
Ngụy Tiểu Quân nói rằng, Internet là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Một mặt cái nhìn của giới trẻ về sự sống và cái chết cởi mở hơn. Mặt khác những thông tin tiêu cực có khả năng gây ảnh hưởng đến cách nhìn nhận xã hội của giới trẻ.
"Họ đến với việc lập di chúc bằng một tâm thế thoải mái hơn, nhiều người xem việc lập di chúc là một cách giảm nhẹ áp lực tinh thần", ông Ngụy khẳng định.
Sau khi lập di chúc, Dịch Lâm đã quay video dài hơn một phút giải thích cho bố mẹ về việc cô đang làm.
"Con rất yêu cuộc sống và con chấp nhận cái chết một cách bình thản". Trước ống kính máy quay, cô gái 21 tuổi lặp đi lặp lại nhiều lần: "Nhờ viết di chúc, con luôn có tâm thế chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất và có "sức mạnh bên trong để sống tốt hơn mỗi ngày".
Vy Trang (Theo qq)