Bẫy ảnh sẽ tự động ghi lại tất cả các loài thú và chim sống trên mặt đất có trọng lượng lớn từ 500g trở lên khi di chuyển trước cảm biến. Thiết bị này có khả năng giúp giám sát sự phân bố cùng với những tập tính của các loài quý hiếm, cần quan tâm và khó theo dõi thông tin bằng các phương pháp khác.
Hệ thống bẫy ảnh được WWF-Việt Nam lắp đặt tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Vườn Quốc Gia Cúc Phương từ tháng 12/2021. Hệ thống gồm hơn 900 trạm nghiên cứu phục vụ giám sát bảo tồn ở Việt Nam, được Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
"Dựa trên thông tin từ các đợt lắp đặt bẫy ảnh trước đây, các nhà nghiên cứu xác định được hơn 900 điểm trạm tiếp theo để điểm lắp đặt hệ thống bẫy ảnh mới", ông Nguyễn Quang Hòa Anh, Cán bộ Quản lý khu bảo tồn và thực thi pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết. Các điểm trạm này bao quát diện tích gần 900.000 ha rừng tự nhiên. Đây là khu vực nằm trong hành lang đa dạng sinh học ở Bắc Trung Bộ và Trung Trường Sơn, vốn là nơi được coi là có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trong cả nước, ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loài động vật quý hiếm và đặc hữu, như mang lớn, mang Trường Sơn...
Theo ông Hòa Anh, bẫy ảnh được WWF sử dụng lần đầu tiên vào năm 2005 để ghi nhận hình ảnh các loài quan tâm như Sao la, mang Trường Sơn, gấu... với phương pháp tập trung vào các điểm có cơ hội cao ghi nhận hình ảnh các loài này. Từ năm 2014 đến 2020, bẫy ảnh được triển khai tại 9 khu vực như Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu đề xuất rừng đặc dụng Bắc Hải Vân, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế, Vườn Quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam), Khu Bảo tồn Sao la Quảng Nam... Tại đây, hệ thống đã ghi nhận và thu thập hơn 120.000 hình ảnh của 36 loài thú và 40 loài chim. Trong số này có 5 loài thuộc nhóm sắp nguy cấp, 5 loài ở cấp độ nguy cấp và 2 loài ở tình trạng cực kỳ nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN.
Khu vực lắp hệ thống bẫy ảnh mới cũng là nơi bảo tồn sinh cảnh của nhiều loài đang gặp nguy cấp như sao la, voi... Hiện nay Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học được WWF phối hợp với Ban quản lý các Dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai việc lắp đặt bẫy ảnh và dự kiến quá trình giám sát tới năm 2025.
"Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu thập được dữ liệu về phân bố, tập tính các loài hoang dã trong khu vực và sự thay đổi qua các năm. Rất hy vọng sẽ thấy được số lượng quần thể và mật độ phân bố các loài tăng lên qua các kỳ giám sát cũng như cơ hội ghi nhận hình ảnh của các loài có giá trị bảo tồn cao như sao la, mang lớn...", ông Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng ban - Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiêm Giám đốc dự án VFBC nói.
Hoạt động bẫy ảnh là phương pháp khảo sát không ảnh hưởng lớn đến quần thể thú và chim sống trên mặt đất. Các thông tin thu thập được cũng sẽ là dữ liệu để các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn, các Ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tại Việt Nam xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học tại địa bàn quản lý để có được biện pháp quản lý phù hợp.
Minh Thu