Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 21/10, cho biết ngoài hai gói an sinh trên, các đoàn sẽ kiểm tra thêm tình hình hỗ trợ gạo; nắm bắt sự thiếu hụt lao động trong các ngành nghề, doanh nghiệp, khu vực FDI, khu chế xuất để đề xuất giải pháp khắc phục, phục hồi. Bộ không công bố danh sách địa phương kiểm tra, song sẽ kéo dài hai tuần, từ nay đến 3/11.
Sau gần ba tháng triển khai, gói an sinh 26.000 tỷ đồng giải ngân gần 21.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt lao động. Riêng 23 tỉnh thành phía Nam chiếm khoảng 80% toàn gói. Khoảng 10,6 triệu lao động tự do và các nhóm đặc thù được hỗ trợ hơn 13.500 tỷ đồng từ nhiều nguồn, như Mặt trận Tổ quốc, công ty xổ số...
Một số chính sách giải ngân chậm, như cho vay vốn trả lương ngừng việc, mới chi gần 566 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1.000 lượt chủ sử dụng lao động trả lương cho khoảng 161.000 người.
Nghị quyết sửa đổi ban hành hôm 14/10 đã nới lỏng thủ tục và bổ sung một số nhóm thụ hưởng, như người bán hàng rong, quà vặt được xếp vào nhóm hộ kinh doanh, nhận hỗ trợ 3 triệu đồng.
Theo lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tốc độ giải ngân chậm do hàng loạt địa phương áp dụng Chỉ thị 16 kéo dài khiến người lao động không đi lại được để làm thủ tục. Cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ các cấp còn cách hiểu khác nhau, chưa linh hoạt trong xử lý.
Một số tỉnh thành cũng chưa quyết liệt trong việc chi hỗ trợ. Đơn cử, tỉnh Quảng Ngãi quyết định không chi tiền cho 137.000 lao động tự do bởi ngân sách eo hẹp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị lãnh đạo tỉnh này có văn bản báo cáo cụ thể tình hình lên Chính phủ. Trong ba tháng qua, khoảng 5 lần ông phải trực tiếp đốc thúc các tỉnh thành chi hỗ trợ cho người dân.
Gói 38.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp triển khai ngày 1/10. Cơ quan chức năng dự kiến hỗ trợ 12,8 triệu lao động xong trong vòng 45 ngày. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi tiền hỗ trợ cho 1,51 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 0,2 triệu người dừng đóng quỹ, tổng kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng.
Hồng Chiêu