Chiều 15/10, tại buổi họp trực tuyến về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động khó khăn do Covid-19, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, tỉnh không hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68 vì ngân sách eo hẹp. Trước đó, sở này tính hơn 137.000 lao động tự do khó khăn, với mức1,5 triệu đồng mỗi người, sẽ cần khoảng 200 tỷ đồng. Trong khi 2 năm gần đây tỉnh hụt thu ngân sách tổng số tiền hơn 5.800 tỷ đồng.
Nghe báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói nhận được phản ánh của báo chí, ông đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh để hỏi rõ hơn về chuyện này. Tỉnh tập trung chống dịch và ưu tiên cho các nhóm lao động khác, song lao động tự do là nhóm khó khăn, chịu thiệt thòi nhất và cần được hỗ trợ sớm, đặc biệt thời gian qua hàng chục nghìn lao động từ TP HCM trở về.
Ông đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm báo cáo với Thủ tướng tình hình thực tế, số lượng lao động cần hỗ trợ. Bởi trong nghị quyết quy định trường hợp địa phương đặc biệt khó khăn cần báo cáo Chính phủ để có hướng giúp đỡ. Bộ sẽ kiến nghị thêm về việc hỗ trợ này.
Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng việc Quảng Ngãi không hỗ trợ lao động tự do chưa đúng với yêu cầu của Nghị quyết 68 (gói an sinh 26.000 tỷ đồng).
Nghị quyết này quy định, địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định nhóm và mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng một người một lần hoặc 50.000 đồng một người một ngày căn cứ theo thực tế số ngày dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
"Quy định này có nghĩa là UBND cấp tỉnh phải hỗ trợ nhưng không thấp hơn mức sàn nêu trên, chứ không phải ngân sách khó khăn thì không hỗ trợ. Trường hợp ngân sách địa phương khá giả thì khuyến khích hỗ trợ nhiều hơn", luật sư Hữu nói và cho biết ngoài ngân sách, nghị quyết cũng quy định huy động từ các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ lao động tự do.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, nói quyết định không hỗ trợ của Quảng Ngãi chưa phù hợp. Bởi thời gian qua tỉnh dừng nhiều dịch vụ, hoạt động theo Chỉ thị 16 để chống dịch. Lao động tự do không đi làm, mất thu nhập lại càng phải hỗ trợ. Nhóm lao động tự do thường làm những công việc nặng nhọc và là lực lượng góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Theo bà Hương, nếu tỉnh khó khăn ngân sách có thể báo lên Trung ương xin hỗ trợ. Bởi Nghị quyết 126 vừa ban hành (sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 68) nêu trường hợp dịch bệnh xảy ra trên phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ thì căn cứ vào đề nghị của UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính sẽ bổ sung cho ngân sách địa phương, tối đa bằng 70% mức dự kiến đề xuất để tỉnh thực hiện chính sách. Ngoài ra tỉnh có thể vận động nguồn xã hội hóa, hoặc ít nhất hỗ trợ bằng mức trợ cấp xã hội, thay vì từ chối chi tiền cho hàng trăm nghìn lao động tự do.
Hoàng Phương - Phạm Linh