Xưởng sản xuất của hợp tác xã Tân Phát Lợi do ông Chương làm giám đốc rộng hơn 500 m2 nằm ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. Tại đây, hàng chục nhân công tất bật làm tôm khô, bánh phồng và hơn chục sản phẩm để kịp giao cho khách hàng khắp cả nước.
Những năm gần đây, người đàn ông 58 tuổi "nhẵn mặt" ở các hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo về sản phẩm đặc sản địa phương. Nhưng ít ai biết vị giám đốc này là người tự tay chọn nguyên liệu, bóc từng con tôm khô lúc khởi nghiệp. "Tôi phải tự tay làm để nắm được cách chế biến tốt nhất", ông Chương nói.
Năm 1986, ông Chương chuyển từ huyện Cái Nước về Ngọc Hiển lập nghiệp. Không có đất sản xuất nên chàng thanh niên phải làm thuê đủ nghề để mưu sinh. Vài năm sau, ông mua miếng đất nhỏ để làm rẫy, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh.
Sau thời gian gắn bó, ông thấy địa phương có nguồn thủy sản dồi dào, giá rẻ, trong đó con tôm nhưng chưa được khai thác tốt. Năm 2011, ông đem hết số tiền dành dụm nhiều năm mở xưởng sản xuất tôm khô, sau đó thành lập tổ hợp tác, rồi đến hợp tác xã.
Theo ông Chương, nông dân vùng cực Nam tổ quốc nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đước, bằng hình thức thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh. Áp dụng loại hình này, người nuôi chủ yếu cải tạo, sên vét đầm tôm và thả giống với mật độ thưa, thủy sản lớn lên dựa vào thức ăn tự nhiên.
Nhờ vậy nơi đây sản sinh ra những tôm đất, tôm sú, cua biển chất lượng thịt ngon, ngọt vượt trội hơn so với loại nuôi công nghiệp. "Nông dân có thể bổ sung thức ăn tự nhiên cho tôm hoặc sử dụng chế phẩm sinh học nhưng họ nói không với hóa chất, kháng sinh", ông Chương nói, cho biết nuôi thủy sản dưới tán rừng tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Mang theo lí tưởng nâng giá trị tôm Cà Mau, những ngày đầu ông Chương đi từng nhà vận động bà con sản xuất tôm khô tại địa phương tham gia hợp tác xã, nhằm tập trung nguồn nguyên liệu, đủ điều kiện cung ứng cho những khách hàng lớn. Nông dân còn phải cam kết giữ đúng quy trình nuôi theo hướng tự nhiên.
Tiếng là hợp tác xã nhưng lúc này nông dân chưa định hình phải làm gì để bán được hàng. Ông Chương lại khăn gói ngược xuôi khắp nơi tìm cơ hội, tiếp cận thị trường thông qua các chuyến tham quan mô hình. Ông còn dự hội chợ, đem sản phẩm đi giới thiệu, thậm chí chấp nhận những lời chê bai của khách.
Thời gian đầu do điều kiện sản xuất còn hạn chế, vốn ít, các hộ chủ yếu làm tôm khô bằng phương pháp thủ công. Chỉ vài năm sau, ông Chương quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc, công nghệ sản xuất ngày càng cải tiến. Giám đốc hợp tác xã cho rằng, dù mới thành lập hay lúc đã có tiếng trong nghề, các thành viên phải lấy chữ tín làm tôn chỉ hoạt động.
Với phương châm đó, hợp tác xã chế biến các loại đặc sản như tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, tôm thẻ lụi khô, tôm khô chà bông... khai thác dưới tán rừng. Sản phẩm thơm ngon, ngọt dẻo và tuyệt đối không sử dụng phẩm màu, hóa chất. "Tôm nuôi dưới tán rừng khi chế biến có màu đẹp mắt, thịt chắc và ngọt nên được khách hàng đón nhận", ông nói.
Khi hoạt động của hợp tác xã đi vào quy củ cũng là lúc phong trào sản xuất tôm khô, các sản phẩm từ con tôm ở Cà Mau phát triển mạnh. Các tổ hợp tác, hợp tác xã cùng ngành nghề mọc lên như nấm. Điều này đặt ra vấn đề cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở.
Lúc này, ông Chương một lần nữa tìm hướng đi mới. Ông hiểu rằng nhu cầu của thị trường ngày càng cao, khách không chỉ đòi hỏi sản phẩm chất lượng mà còn phải đẹp, tiện lợi. Từ đó ông quyết tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công và khẳng định vị trí của hợp tác xã.
Ông đưa ra sáng kiến đóng hộp sản phẩm đa dạng về trọng lượng, từ 100 gr đến một kg. Việc này nhận được sự ủng hộ từ các đại lý vì dễ bán hàng. Sự đa dạng về chủng loại đã đưa sản phẩm tôm khô, bánh phồng của hợp tác xã vào được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, nhiều chợ đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh.
Khi định hình được thương hiệu, vị giám đốc lại thuyết phục các cộng sự tạo ra nhiều mặt hàng. Từ những sản phẩm truyền thống, hợp tác xã sử dụng lại gần như hoàn toàn các phụ phẩm từ việc sản xuất tôm khô, bánh phồng tôm để làm ra muối tôm, bột canh, nước mắm tôm...
Với quy trình khép kín, con tôm được tận dụng tối đa, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng giá trị kinh tế. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hợp tác xã khi giá thành sản xuất thấp hơn bình thường, lợi nhuận tăng lên. Ngoài xưởng, kho bãi tươm tất, hiện hợp tác xã có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài đối tác truyền thống, sản phẩm của đơn vị mở rộng ra các tỉnh phía bắc.
Ông Chương cho rằng khi sản phẩm đã được thị trường biết tới và đón nhận thì việc quan trọng là ổn định nguồn nguyên liệu. Ngoài các xã viên là những người cung cấp nguồn tôm sinh thái thường xuyên, hợp tác xã còn liên kết nhiều tổ hợp tác, đơn vị nuôi tôm khác ở địa phương để luôn chủ động.
"Nhờ chủ động nguyên liệu, cộng với sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, chúng tôi vẫn giữ được giá cả và sản lượng ổn định kể cả khi thị trường khó khăn", ông Chương nói, cho biết vào những tháng bình thường hợp tác xã xuất ra thị trường trung bình bốn tấn sản phẩm các loại.
Riêng hai tháng Tết sản lượng của đơn vị tăng gấp ba lần. Doanh thu hợp tác xã mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, hợp tác xã còn tạo việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển Lê Ngọc Lâm cho biết địa bàn có hơn 40 hộ sản xuất tôm khô, bánh phồng tôm. Nhiều năm qua hợp tác xã Tân Phát Lợi là đơn vị tiêu biểu trong nâng cao giá trị tôm sinh thái. "Ông Chương luôn trăn trở phát triển thương hiệu tôm dưới tán rừng, làm sao cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất", ông Lâm nói.
An Minh