Cuối giờ chiều, ông Vết vẫn đang loay hoay trong vườn chuối bạt ngàn. Mái đầu bạc trắng, dáng cao gầy nhom, đôi tay ông thoăn thoắt cắt các đọn chuối non chất lên xe kéo. Tối, một người cháu đi học về ra giúp ông đẩy xe chuối về nhà. "Mỗi ngày tôi băm 50-60 kg chuối trộn với vài bát cám ngô, cám gạo cho gà ăn. Ăn ngô, thóc, gà cũng không thích như khi thêm các chất xơ này vào", ông cụ nói.
Theo ông, hiện nay giống gà Đông Tảo được nuôi nhiều, phục vụ đa dạng nhu cầu của khách. Các trang trại chủ yếu nuôi cám tăng trọng, giống gà bị lai tạp. Những hộ nuôi gà thả, cho ăn rau, ăn cám như ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nhà hàng cũng tìm đến ông đặt nuôi gà thương phẩm song ông cụ nhất quyết trung thành với việc nuôi thả tự nhiên, số lượng ít. Gà của ông thường từ một năm trở lên mới bán thịt được.
Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) là giống gà đặc hữu và quý hiếm, được nuôi nhiều đời nay ở vùng đất Khoái Châu, xưa chỉ có vua mới được thưởng thức. Đặc điểm giống gà này là chân to, 4 ngón, vẩy rồng, mào ngắn, tai tích nhỏ. Theo ông Vết, yếu tố quý không chỉ nằm ở hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, giá cao mà còn ở việc chăn nuôi giống gà này rất khó khăn.
Có thể là do vóc dáng nặng nề nên tỷ lệ đạp mái, sinh đẻ của loài gà này kém. Một con gà mái thuần chủng thường chỉ đẻ 7-10 quả mỗi lứa (nghỉ 10-15 ngày đẻ tiếp), tỷ lệ nở con chỉ được khoảng 30%.
"Chăm gà này như chăm đứa trẻ, lúc mưa gió, cần phải che chắn cẩn thận, tiêm thuốc theo định kỳ, dọn chuồng mỗi ngày. Thỉnh thoảng, tôi còn dùng nước lá trầu không cọ rửa chân cho chúng", ông cụ cho hay. Năm ngoái, ông vắng nhà hai ngày, nhờ con gái qua cho gà ăn uống. Một trận mưa nhỏ đã làm chết mất mấy con gà quý, thiệt hại vài chục triệu đồng.
Năm 1976, khi đi bộ đội về, ông Vết vừa làm công tác hợp tác xã vừa nuôi thêm giống gà này cải thiện bữa ăn. Thời đó, người dân chuộng giống gà ta, chân nhỏ, còn ông Vết chỉ thích gà Đông Tảo. Khoảng 10 năm gần đây, đời sống cải thiện, giống gà này mới được ưu ái, có người nuôi và người tiêu thụ nhiều.
Ông Vết vẫn nhớ, cách đây 7 năm, rất nhiều khách tìm tới nhà ông để ngắm đàn gà Đông Tảo thuần chủng. Họ trả giá cao mua một con gà trống còn non tuổi, có mã rất đẹp về làm giống. Cuối cùng, ông đã bán nó cho một khách với giá 40 triệu đồng. "Người ta mua nó để có gen tốt nhân giống gà con. Đến giờ, họ vẫn giữ con gà đó", ông cụ cho hay.
Tính hay lam hay làm, dù con cái đã yên bề gia thất mà ông cụ vẫn làm việc không ngơi tay. Ngoài gà Đông Tảo, ông còn nuôi lợn mán, chim bồ câu, ngan bướu... Cách đây 3-4 năm ông nuôi hàng nghìn con chim bồ câu Pháp, cho thu nhập cao. Con cái thấy ông vất vả không cho làm nhiều nữa. Nghĩ đi nghĩ lại ông bỏ nuôi chim, từ đó, chỉ còn vui thú tuổi già với gà Đông Tảo và một số giống ngan, lợn đặc sản khác.
Video: Kỳ công chăm sóc gà tiến vua
Anh Trung, con trai cụ Vết, cho biết thêm sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài trở về, thấy bố dù vất vả mà vẫn say mê với đàn gà nên anh đã quyết định dành thời gian và tiền bạc ủng hộ niềm đam mê của bố.
"Mới năm ngoái, bố tôi còn kéo hàng tạ chuối về, dùng dao băm rồi lấy đòn gánh đập nhỏ để nuôi lợn, gà. Tôi cũng cầm dao băm giúp cụ nhưng chỉ được vài nhát là hai bàn tay tấy đỏ. Sau lần đó tôi tìm mua cho bố được hai cái máy xay chuối và trộn cám", anh chia sẻ.
Dù thu nhập không cao như nuôi chim bồ câu nhưng ông cụ rất vui mừng vì hiện tại con giống thuần chủng của mình đã đến được người chăn nuôi. Nhiều khách trong Nam, ngoài Bắc tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm, mua con giống. Ông cụ chia sẻ năm ngoái Đài truyền hình Hưng Yên còn dẫn mấy vị khách người Nhật đến mua một cặp gà trống, mái và có ý định mời ông về trang trại của họ hướng dẫn chăm sóc.
"Tôi đang có hai con gà trống làm giống, một con được trả 46 triệu đồng, một con 52 triệu đồng nhưng không dám bán. Hai con gà đó tôi đã nuôi gần 2 năm và đến giờ vẫn chưa gây được con gà thuần chủng như nó nên dù khách có trả bao nhiêu đi nữa cũng không thể bán được", cụ Vết cho biết.
Hiện tại đàn gà tiến vua của ông Vết đã lên con số hơn 100 con lớn nhỏ, chủ yếu để nhân giống, đều đều tháng nào cũng có lứa xuất chuồng. Thỉnh thoảng, ông cụ có một số gà thịt trưởng thành bán cho người quen biết. Mỗi năm, ông cũng nuôi được khoảng chục con gà trống bán Tết.
Tuổi cao, nhiều khi làm việc quá sức nhưng ông cụ luôn cảm thấy vui, khỏe. Ngày nào cũng có vài khách đến học hỏi kinh nghiệm. Ông cụ 76 tuổi còn có một trang Facebook để tư vấn những người mê giống gà. Mỗi khi có khách ở xa muốn mua, cụ ông này lại cầm máy iPad quay hình trực tiếp, giúp khách hàng chọn được con gà ưng ý mà không cần đến tận nhà ông.
Anh Hà, chủ một nhà hàng chuyên chế biến đặc sản gà Đông Tảo trên phố Trung Kính (Hà Nội), cho biết: "Hiện tại, không riêng gì ở Hưng Yên mà rất nhiều nơi đều nuôi giống gà Đông Tảo. Tuy nhiên, mỗi khi có khách quan trọng đặt hàng, tôi vẫn lặn lội từ Hà Nội về mua gà của cụ Vết. Gà của cụ không lai tạo, lại được nuôi theo cách truyền thống nên thực khách rất thích". |
Phan Dương