Một xới chọi gà ở làng Đông Mai, thu hút rất đông nam giới và cả các em nhỏ tham gia. Ảnh: Phương Lam. |
Trong những ngày Tết ở Đông Mai, bất kể người nào có gà hay không, là người trong thôn hay thôn lân cận, thậm chí cả những “chủ gà” của tỉnh Bắc Ninh, hễ nghe thấy thôn nào nào có hội chọi gà là tìm đến vây quanh, xem và cổ vũ. Chủ gà nào muốn tham gia lễ hội phải đăng kí trước với ban tổ chức để được bốc thăm cặp thi đấu với mình.
Tùy theo số lượng gà tham gia chọi mà ban tổ chức sẽ có ít “xới” hay nhiều xới. Các xới được quây ở hai bên trước cổng sân đình, để sau khi làng tổ chức xong phần lễ, sẽ tiến hành phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc.
Ông Nguyễn Xuân Khu (Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng) cho biết: “Trò chơi chọi gà đã có từ lâu, nhưng năm 1997, nó mới chính thức là trò chơi có mặt trong lễ hội đình làng Đông Mai hàng năm và được tổ chức thành hội chọi gà. Thông thường, cứ 3 năm làng lại tổ chức hội lớn một lần, nhưng chọi gà thì hầu như năm nào cũng có. Các chủ gà chỉ cần hẹn nhau là có thể tập chung lại để thi đấu, nhưng đúng năm tổ chức hội thì hội chọi sẽ lớn hơn và số gà tham gia chọi sẽ nhiều hơn”.
Không chỉ ngày tết, ngày thường ở Đông Mai cũng có hội chọi gà. Bất cứ lúc nào rảnh rỗi là các chủ gà hẹn nhau chơi, vừa thi đấu giao hữu, vừa rèn luyện sức chiến đấu cho các "chú".
Đình làng Đông Mai, nơi thường tổ chức hội chọi gà. Ảnh: Phương Lam. |
Người chơi gà chọi phải là người có nhiều kinh nghiệm và đầu tư công phu về thời gian và công sức. Những người có “máu” chơi chọi gà thường lặn lội đi khắp nơi để tìm những giống gà nổi tiếng, như gà Đông Tảo, Cao Lãnh...
An Thắng - một chủ gà có tiếng ở làng - cho biết: “Dân chơi gà chọi thường có một câu truyền miệng về kinh nghiệm chọn gà. Đó là 'đầu còng, mình cốc, mắt ốc, da chì, cánh vỏ trai...'. Những người chơi sành chỉ cần nhìn vào những đặc điểm này, nhìn vào tướng gà, dáng đi, màu sắc lông, chân gà, tiếng gáy là có thể kết luận về 'sức chiến đấu' của chú ta”.
Muốn có gà đá hay, người chơi gà chọi phải sành chọn giống, biết cách chăm sóc, “om bó” từ khi con gà đang còn nhỏ, rồi phải ra công tập luyện bằng cách cho “đấu giao hữu” để biết được những ưu khuyết điểm mà uốn nắn và phát huy.
Chọn được gà tốt, gà đá hay đã khó, nuôi gà chọi lại càng khó hơn. Theo anh Thắng, gà chọi phải có chế độ ăn uống riêng, đủ nước uống. Thức ăn ngoài ngô lúa còn phải có chất béo, đạm động vật. Trước ngày lên xới phải om bó, tẩm bổ bằng cách cho gà ăn những động vật có chứa nhiều chất đạm như lươn, tôm, cá... sống.
Vào cuộc đấu, mọi người khắp nơi đổ về vây quanh “xới”. Phải chọn xới trên bãi cỏ êm, không có đá sỏi, có khi phải trải chiếu. Nếu vào những ngày hội làng, các “xới” được tạo bằng những tấm cót chắn thóc, bên trong trải cát êm. Chơi gà chọi cũng cần phải có luật, phải căn cứ vào hạng cân, hạng tuổi mới cho các chú gà chọi thi đấu với nhau và phải có trọng tài giám sát.
Người xem chọi gà say sưa cổ vũ, bình phẩm từng cú đá hay, từng miếng mổ chuẩn xác, hiểm hóc, từng động tác di chuyển và ánh mắt nhìn “đối thủ” của gà. Nhiều khi người xem còn tỏ ra hào hứng và nhập cuộc một cách cuồng nhiệt để cổ vũ cho các “vận động viên”.
Những cặp đá hay và bền thường đá thông 7 - 8 hồ (mỗi hồ có thể 10 - 15 phút do trọng tài quy định). Nghỉ giữa các hồ, gia chủ phải dùng khăn tay móc nhớt trong họng, phun rượu và xoa nghệ những vết thương, rồi cho đấu hồ khác.
Gà vào cuộc thường “say đá” đến mức toạc đầu, gãy cánh, chảy máu mắt vẫn không chịu rời xới. Do đó có khi các chủ gà chọi phải dừng thi đấu và dùng kim chỉ khâu những vết rách ở chân hoặc cánh của gà lại rồi cho thi đấu tiếp. Nếu gà bị đá rời ra khỏi xới là thua cuộc. Những chú gà đá hay thường có máu bất khuất không chịu thua cuộc nên sẽ đấu hết mình.
Nếu các chủ gà chọi không muốn gà của mình bị thương nữa có thể xin thua và dừng thi đấu và cho gà về “dưỡng thương”. Cuối mỗi hội chọi sẽ có giải dành cho 3 chú gà có sức chiến đấu mạnh nhất và còn trụ tới hiệp cuối cùng. Kết thúc hội thi, các chủ gà lại đem về nuôi dưỡng, chăm sóc và rèn luyện sức chiến đấu để chờ tới hội làng năm sau.
Nhiều năm nay, thú chơi gà chọi trong ngày hội làng ở Đông Mai vẫn không hề mai một và được duy trì cho đến tận bây giờ. Nó không chỉ là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống, mà còn thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí bất khuất trong tính cách của người Việt Nam.
Phương Lam