Tổng kết 7 năm thi hành Nghị quyết 93 của Quốc hội cho rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay gần 4,85 triệu người đã rời bỏ hệ thống an sinh trong giai đoạn 2016-2022. Trong số này, 1,3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.
Riêng giai đoạn 2016-2021, gần 1,4 triệu lao động vùng Đông Nam Bộ rút một lần với lượng người rút năm 2021 cao gấp 1,5 lần so với năm 2016. Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 970.160 người rút với số lượng rút tăng gấp đôi.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải hai vùng này tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ, làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh.
Tây Nguyên cùng trung du miền núi phía Bắc có số lao động rút thấp nhất, lần lượt gần 125.000 người (chiếm 3%) và 301.500 người (chiếm 7%) tổng số người rút BHXH một lần trong cùng giai đoạn.
Về khu vực làm việc, gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp; 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện. Theo cơ quan quản lý, lao động khối tư nhân và FDI chịu áp lực công việc lớn nên thường có tâm lý "nhảy việc". Họ thường chọn nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng BHXH một lần trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.
Khảo sát hồi tháng 5 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Ban Kinh tế Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tình trạng nhảy việc của công nhân khá phổ biến, thời gian gắn bó với doanh nghiệp ngắn, đặc biệt ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai.
Đơn cử, một doanh nghiệp ở Tây Ninh hoạt động 8 năm nhưng thời gian gắn bó bình quân của lao động khoảng 2,6 năm. 30% công nhân trong đó gắn bó 1-3 năm, 24% làm việc 3-5 năm và 17% trên 5 năm. Doanh nghiệp khác ở Đồng Nai thành lập gần 30 năm nhưng số năm gắn bó bình quân của công nhân là 7.
Hơn 60% trong số 1.300 công nhân tham gia khảo sát nói muốn đổi nghề, thử sức với công việc khác như làm việc trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng... Sau đại dịch, công việc thường xuyên biến động cùng xu hướng ưu tiên việc làm linh hoạt thời gian, địa điểm khiến nhiều người coi tiền BHXH một lần như vốn làm ăn khiến làn sóng ngày càng gia tăng.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm số lao động rút BHXH một lần, trong đó rút ngắn thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm. Bởi theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thời gian đóng dài là lý do khiến nhiều lao động không đủ kiên nhẫn, muốn rời hệ thống. Cơ quan soạn thảo tính toán sửa đổi điều kiện này sẽ giảm 10.000-40.000 người hưởng một lần mỗi năm.
Điều kiện rút cũng được sửa đổi theo hướng giữ nguyên như hiện hành, hoặc giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết sẽ trình Chính phủ, đồng thời báo cáo xin ý kiến Quốc hội cả hai phương án trên.
Nghị quyết 93 được Quốc hội ban hành tháng 6/2015, sau hơn nửa năm Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua (tháng 11/2014). Điều 60 trong luật thời điểm ấy quy định lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian này, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu tiếp tục tham gia.
Song quy định được coi là bước tiến giữ lao động ở lại với lưới an sinh này đã khiến nhiều công nhân phía Nam phản ứng, ngừng việc tập thể để phản đối. Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng để lao động tự chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Hồng Chiêu