Thấy Huy (24 tuổi) liên tục mượn tiền nhiều người, hẹn ngày trả rồi khất, vẻ mặt lo lắng, đồng nghiệp đã báo về công ty có chức năng đưa người đi Nhật ở Việt Nam. Nhận được tin, chị Nguyễn Thùy Dung, nhân viên Công ty cổ phần xuất khẩu lao động và dịch vụ, thương mại Biển Đông (Estrala), gọi hỏi thăm nhưng Huy giấu, khẳng định "không có gì".
Huy được Công ty Estrala đưa sang Nhật gần 3 năm, làm việc trong công ty cơ khí. Mỗi tháng anh lãnh lương khoảng 20 man (một man bằng 10.000 yen Nhật), tương đương 32 triệu đồng. Thời gian đầu, Huy đều gửi tiền về gia đình. Tuy nhiên, gần nửa năm qua gia đình không nhận được đồng nào. Lý do được Huy đưa ra là giữ lại chờ yen lên giá, đổi được nhiều tiền hơn
"Nếu giữ lại yen thì không có lý do mượn tiền đồng nghiệp", chị Dung đặt nghi vấn. Cùng lúc đó, công ty nhận được phản hồi của nhà máy bên Nhật rằng thời gian gần đây năng suất làm việc của Huy giảm, không tập trung. Sau nhiều lần thuyết phục, Huy mới thừa nhận đang vay nặng lãi hơn 150 triệu đồng để nạp vào tài khoản game online. Tiền lương hàng tháng đều bị bên cho vay rút gần hết, chỉ để lại một phần nhỏ chi tiêu.
Huy đang tìm mọi cách trả nợ. Tuy nhiên, do lãi suất cao anh không thể giải quyết dứt điểm được khoản vay. Sau khi nắm được tình hình, ban giám đốc Estrala làm việc trực tiếp với nhà máy ở Nhật, đề nghị tạo điều kiện cho Huy tăng ca nhiều hơn có thêm thu nhập trả nợ.
Huy không phải là trường hợp cá biệt. Ông Nguyễn Thế Đại, Phó tổng giám đốc Estrala, cho biết thời gian gần đây dấy lên tình trạng lao động vay tiền để nạp vào tài khoản game online, đánh bạc qua mạng. Nhiều người dính vào khó thoát ra, lâm cảnh nợ nần.
"Không chỉ đốt sạch tiền lương, lao động còn vay tín dụng đen lãi suất cao", ông Đại nói. Công ty đã ghi nhận trường hợp bỏ việc, tìm cách về nước vì bị bên cho vay đe dọa. Một số gia đình nhận được hình ảnh con cái bị kê dao vào cổ phải vay mượn gửi tiền sang "chuộc mạng cho con".
Nhiều năm qua, Nhật Bản là thị trường chủ lực của xuất khẩu lao động Việt Nam. Theo số liệu từ các doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2023, hơn 111.500 người lao động Việt sang nước ngoài làm việc, trong đó 55.700 lao động sang Nhật, chiếm khoảng 50%. Hết năm nay dự kiến 75.000-80.000 lao động qua Nhật làm việc, vượt con số 68.000 lao động năm 2022.
Anh Phan Việt Anh, tác giả tự truyện "Tôi đi Nhật", quản trị viên nhóm Cộng đồng thực tập sinh Nhật Bản với hơn 21.000 thành viên, cũng ghi nhận nhiều trường hợp lao động đánh bạc online lâm vào nợ nần.
Theo Việt Anh, nếu trước đây lao động tụ họp đánh bạc trực tiếp vào ngày nghỉ và gói gọn trong nhóm vài người thì từ năm 2019 chuyển sang chơi online. Có hai yếu tố dẫn đến việc này là khi Covid-19 xuất hiện, lao động được ở nhà nhiều và các trang cá cược, cờ bạc trực tuyến bùng nổ.
"Nhiều người đi Nhật mang về vài trăm triệu đồng nhưng không hiếm gia đình phải bán đất, vay mượn chuộc con về", Việt Anh nói. Gần đây nhất một lao động gửi tin nhắn lên nhóm nói bị xã hội đen giữ giấy tờ tùy thân vì vay nợ 200 triệu đồng, trong khi hợp đồng đi làm đã hết hạn phải về nước. Ba năm trước gia đình mượn 150 triệu cho con sang Nhật, giờ tiếp tục vay tiền gửi sang chuộc con về.
Theo anh Phan Việt Anh, lao động dính vào cờ bạc có thể vay đồng nghiệp, đồng hương. Khi hết mối họ sẽ chuyển sang vay xã hội đen. Lao động nam viết giấy vay nợ, nộp giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, địa chỉ công ty làm việc và thông tin gia đình ở Việt Nam. Phụ nữ khi vay còn bị yêu cầu tự quay clip "nóng" để làm tin. Người vay phải trả lãi suất tầm 5% mỗi ngày.
"Tâm lý con bạc khi nợ nần lại đánh to mong gỡ được, song càng đánh càng thua", anh Việt Anh nói. Hệ quả là khi nợ quá nhiều, lao động tìm cách trốn ra ngoài làm với hy vọng kiếm được việc thu nhập cao hơn, xóa dấu tích với nhóm cho vay. Tuy nhiên, theo Việt Anh khi lao động đã vay rất khó thoát. Nhiều trường hợp vay bên Nhật nhưng có người đến tận gia đình ở Việt Nam khủng bố, đòi nợ.
Nhận thấy tình hình lao động dính vào cờ bạc ngày càng gia tăng, thời gian gần đây bộ phận nghiệp vụ chuyên phụ trách lao động ở Nhật của Công ty Estrala có thêm nhiệm vụ tìm hiểu và ngăn chặn sớm hành vi đánh bạc.
"Thấy tài khoản mạng xã hội của lao động có tâm trạng lo lắng bất thường nhân viên sẽ chủ động tìm hiểu ngay. Việc đầu tiên là gọi điện về gia đình xem các bạn có gửi tiền về đều đặn không", ông Đại nói. Công ty đang nỗ lực phát hiện và ngăn chặn sớm nhất để lao động không bị lún sâu. Người lao động phải có ý thức xác định các trò cá cược dẫn đến hệ lụy mất tiền, nợ nần, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Theo ông Đại, lao động dính vào cờ bạc trên mạng, nợ nần rồi bỏ trốn là vấn nạn mới của thị trường Nhật. Nếu tình hình này gia tăng, lao động vay mượn tiền rồi bỏ trốn nhiều sẽ ảnh hưởng cả thị trường. Vì vậy rất cần các công ty đưa lao động ở Việt Nam chú ý, đánh giá đúng tình hình để cùng ngăn chặn.
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Haindeco Sài Gòn, cho biết để hạn chế lao động bị dụ dỗ vào các trò chơi ăn tiền trên mạng, từ lúc đào tạo ở Việt Nam công ty đã đưa các nội dung vào giảng dạy. Lao động sẽ được hướng dẫn cách nhận biết các hình thức lừa đảo qua mạng, các trang cá cược, game online ăn tiền...
Ngoài ra, học viên bị cấm chơi game dưới mọi hình thức, nếu vi phạm sẽ thông báo về gia đình. Những lao động mê game ăn tiền, cờ bạc online sẽ không được phỏng vấn và mất cơ hội đi làm. "Điều này tốt hơn cho gia đình vì không phải tốn tiền đưa sang Nhật rồi lại kiếm tiền chuộc về nước", ông Tuấn nói.
*Tên nhân vật đã thay đổi
Lê Tuyết