Chị Nguyễn Thị Ái Linh, 36 tuổi, quê Đăk Lăk, vốn là lao động thời vụ của nhà máy Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Đầu tháng 10, đang ở phòng trọ chờ lên ca đêm, chị nhận được tin nhắn từ quản lý đơn vị cung ứng với nội dung "chị bị cắt giảm rồi, tối nay không cần đi làm nữa". Ban đầu nữ công nhân không tin bởi trên nhóm trao đổi công việc, chuyền trưởng vẫn phân công chị đứng máy sản xuất.
"Tôi nghĩ có sự nhầm lẫn gì đó, nhưng đến gần chiều đã bị ‘đá’ ra khỏi nhóm", chị Linh kể. Sau khi mất việc, chị Linh không được nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ công ty. Vì làm lao động thời vụ, nhận hết các khoản bảo hiểm xã hội vào lương, giờ đây chị không thể đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Hơn tháng qua, chị nộp đơn vào nhiều công ty nhưng không nơi nào tiếp nhận, mọi chi tiêu của gia đình 4 người trông vào lương tài xế 13 triệu đồng của chồng.
Chị Linh là một trong số những công nhân thời vụ bị cắt giảm do nhà máy thay đổi kế hoạch sản xuất. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết vào đầu tháng 7, lao động chính thức của doanh nghiệp là hơn 2.700 người trong khi đó con số này ở nhóm thời vụ lên đến 4.200. Đến tháng 10, tình hình đảo chiều, công nhân có hợp đồng tăng lên 2.800, trong khi thời vụ chỉ còn 1.800 người.
Theo ông Hồng, lúc đơn hàng nhiều, các nhà máy thiếu lao động, không ít người thích làm thời vụ vì dễ kiếm việc, khi muốn có thể nghỉ mà không cần báo trước 30-45 ngày. Giờ đây, khi nhà máy giảm đơn hàng sẽ cho nghỉ lao động thời vụ đầu tiên vì hai bên trước đó không có ràng buộc nào. "Trong khi nhà máy được lợi vì không tốn chi phí như cắt giảm công nhân chính thức, song lao động thời vụ vất vả vì không có khoản hỗ trợ nào", ông Hồng nói.
Cũng nhiều năm làm thời vụ cho các công ty may, chị Nguyễn Thị Bích Vân, 38 tuổi, ở huyện Nhà Bè, rơi vào cảnh thất nghiệp cuối năm, do nhà máy hết đơn hàng. Hơn một tháng qua, chị rảo tìm việc ở mấy khu công nghiệp, chế xuất nhưng chưa có nơi nhận. Đầu tháng 11, chị gửi thông tin cho đơn vị cung ứng lao động Lâm Thịnh Phát nhờ hỗ trợ.
Anh Nguyễn Thanh Cao, phụ trách tuyển dụng của Lâm Thịnh Phát, nói nhu cầu tuyển cả chính thức và thời vụ ở các nhà máy giảm mạnh. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng Khu chế xuất Tân Thuận có đến 20 công ty đề nghị Lâm Thịnh Phát cung ứng nhân lực với số lượng đến 1.000 người. Năm nay chỉ hai nhà máy điện tử cần 150 lao động, chủ yếu bù cho người vừa nghỉ việc. Một công ty sản xuất dây điện là khách hàng lâu năm của đơn vị vừa giảm lao động thời vụ từ 500 xuống chỉ còn 70 người.
Theo anh Cao, trường hợp chị Vân rất khó tìm được công việc phù hợp. Hiện người cần việc nhiều nhưng nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh, các tiêu chuẩn của nhà máy đã tăng lên. Trước đây chỉ cần người nộp đơn trong độ tuổi lao động, đảm bảo sức khỏe đều được nhận nhưng giờ đây các công ty ưu tiên từ 18-35 tuổi, ít nhất tốt nghiệp cấp hai... Chưa kể, ngành nghề bó hẹp, nhiều áp lực nhưng thu nhập không cao như trước do ít tăng ca.
Nhiều năm làm cung ứng lao động, khi tư vấn anh Cao đều hướng công nhân ký hợp đồng lao động với nhà máy để có bảo hiểm xã hội, thêm các khoản phúc lợi, nhưng nhiều người vẫn chọn làm thời vụ, nhận lương theo ngày. "Khi đơn hàng giảm sâu như thế này mới thấy làm chính thức nhiều cái lợi, ít nhất khi bị cắt giảm được bồi thường 1-2 tháng lương, có trợ cấp thất nghiệp", anh Cao nói.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (quận Tân Bình), xu hướng lao động không muốn gắn bó với nhà máy xuất hiện rõ rệt từ khi Covid-19 xuất hiện. Việc này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Để có đủ nhân công, các nhà máy phải chấp nhận sử dụng lao động thời vụ, trả lương theo ngày. Từ giữa năm nay, nhiều ngành bị giảm đơn hàng, các nhà máy buộc phải giảm nhân công để bớt chi phí. Nhóm không có hợp đồng, thường xuyên nhảy việc sẽ bị cắt trước.
"Các ông chủ sẽ xoay xở mọi cách để giữ lại lao động gắn bó lâu năm", ông Quang Anh nói. Theo quy định của pháp luật, việc cắt giảm công nhân có hợp đồng lao động không hề dễ, kèm theo đó là hàng loạt thủ tục, chi phí bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, những người làm chính thức thường có tay nghề, không nhảy việc, là lực lượng nòng cốt giúp nhà máy phục hồi khi có đơn hàng.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), tình trạng sử dụng lao động thời vụ diễn ra từ lâu. Việc này xuất phát từ nguyên nhân lao động thời vụ giúp doanh nghiệp dễ xoay chuyển khi gặp sự cố như dịch bệnh, giảm đơn hàng. Một lý do nữa hiện thu nhập đa số công nhân không đủ sống, nhiều người chọn làm thời vụ để nhận luôn các khoản đóng bảo hiểm xã hội vào lương, thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Ông Lộc cho hay qua các đợt bùng phát dịch hay đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp xu hướng sử dụng lao động thời vụ vì không tốn chi phí khi cắt giảm. Nếu quy định pháp luật không sớm thay đổi, có sự ràng buộc, việc nhà máy dùng lao động phi chính thức ngày càng nhiều. Khi đó, các áp lực về hỗ trợ công nhân thất nghiệp đè nặng lên nhà nước vì họ không được giúp đỡ từ nơi làm việc và lọt khỏi lưới an sinh chính sách bảo hiểm xã hội.
Lê Tuyết