Cuối năm ngoái, công ty của anh Nguyễn Huy Năm, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hết việc nên giảm lao động. Thất nghiệp thời điểm cận Tết cùng lúc các doanh nghiệp trong ngành hạn chế tuyển dụng, anh rời TP HCM về quê ở Thanh Hóa. Nam công nhân dự định sau Tết sẽ quay lại thành phố tìm việc. Tuy nhiên, kế hoạch không thể thực hiện khi tình hình tiếp tục ảm đạm.
Không tìm được việc mới, anh quyết định đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Tiền lương đóng bảo hiểm trước khi nghỉ việc là 6 triệu đồng, anh nhẩm tính, với mức hưởng 60%, mỗi tháng anh nhận được 3,6 triệu đồng, đủ trang trải chi phí ở quê. Tuy nhiên, khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, anh được thông báo chỉ còn 10 ngày nữa quá thời hạn ba tháng làm thủ tục, trong khi đó hồ sơ lại bị lỗi, phải làm ủy quyền, gửi hồ sơ vào TP HCM cho người thân giải quyết.
"Mọi thứ giải quyết xong, hồ sơ bị từ chối do quá hạn ba tháng", anh Năm nói. Sau gần 4 tháng bị cắt giảm, nam công nhân chưa tìm được việc mới, trong khi khoản tiền đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại không được hưởng.
Quá thời hạn đăng ký ba tháng cũng là trường hợp chị Nguyễn Như Ý, làm việc trong ngành bất động sản. Chị mất việc hồi cuối năm ngoái khi công ty giảm gần một nửa nhân sự. "Tôi muốn tìm việc mới chứ không có ý định đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp", chị Ý nói. Trước đây, thu nhập thực tế 30 triệu mỗi tháng nhưng lương đóng bảo hiểm chỉ bằng một nửa. Do đó nếu hưởng trợ cấp, chị chỉ nhận được 9 triệu đồng, không đủ chi tiêu.
Sau Tết, chị nộp đơn ứng tuyển vào nhiều công ty. Có chuyên môn về marketing, chị được một doanh nghiệp bảo hiểm nhận vào thử việc với mức lương tương tự. Tuy nhiên, do gắn bó quá lâu với bất động sản, chị không thể bắt nhịp với lĩnh vực mới.
Nghỉ công ty bảo hiểm, chị thử sức ở một số vị trí khác nhưng không có kết quả. Trong lúc chờ lĩnh vực nhà đất phục hồi, người mẹ hai con tạm thời đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Chị dự tính với 10 năm tham gia bảo hiểm, số tiền nhận được khoảng 90 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, hồ sơ của chị không được tiếp nhận do quá thời hạn đăng ký ba tháng.
Theo cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, vướng mắc như hai trường hợp nói trên không phải hiếm gặp. Nguyên nhân chính khiến hồ sơ bị trễ hạn là một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người mất việc tốn thêm thời gian đòi để công ty truy nộp. Sau đó sổ bị trả trễ, người lao động không kịp đăng ký. Cũng có người phải 2-3 tháng thử việc nhưng không vượt qua được, đến khi đăng ký nhận trợ cấp lại quá hạn; giấy tờ cá nhân không trùng khớp tốn thời gian xử lý...
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Trung tâm dịch vụ việc làm quốc gia. Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc trung tâm, cho biết số lượng cụ thể không được đơn vị thống kê do khi tiếp nhận thấy không đúng quy định, cán bộ trả hồ sơ ngay. Chỉ một số ít yêu cầu trung tâm trả lời bằng văn bản thì nhân viên mới tiếp nhận.
Cho rằng quy định đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong ba tháng gây thiệt thòi cho người lao động, tại các buổi lấy ý kiến sửa đổi luật, đại diện các nhà máy đề nghị bỏ giới hạn thời gian. Họ cho biết trong khi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, có thời điểm gần 90.000 tỷ đồng, song không chi cho người mất việc là chưa đúng tinh thần hỗ trợ lao động khi khó khăn mà chính sách đề ra.
Bà Võ Thị Huỳnh Trâm, Giám đốc nhân sự Công ty Sonion ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), cho rằng quy định phải đăng ký trong ba tháng còn khiến người lao động không còn động lực đi tìm việc mới. Bởi khi thất nghiệp, lo sợ quá thời hạn, điều đầu tiên họ nghĩ đến là đi nhận trợ cấp.
Theo bà Trâm, nếu bỏ quy định thời gian, người lao động sẽ an tâm tìm việc mới, chỉ khi nào thực sự khó khăn mới làm thủ tục để được quỹ hỗ trợ. Lúc này khoản trợ cấp là phương án cuối họ nghĩ đến chứ không phải lựa chọn đầu tiên như hiện nay. Điều này góp phần giữ được nguồn nhân lực, giúp thị trường lao động đỡ xáo trộn. Do đó tiêu chí để giải quyết cho người lao động chỉ cần căn cứ vào thời gian đóng, tình trạng việc làm.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết việc khống chế thời gian đăng ký trong 3 tháng gây khó khăn cho người lao động và tạo áp lực cho đơn vị chức năng khi phải giải quyết cùng lúc nhiều hồ sơ. Ví dụ, mấy tháng qua, các nhà máy giảm lao động, hàng nghìn người cùng lúc đăng ký hưởng chế độ gây quá tải ở nơi tiếp nhận.
"Sửa đổi Luật Việc làm nên theo hướng không khống chế thời gian đăng ký để khuyến khích lao động đi tìm việc mới. Sau 10 tháng hay một năm, nếu họ vẫn thất nghiệp, quay lại nhận trợ cấp thì cần được giải quyết", ông Hà nói.
Lê Tuyết