Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/3 thống nhất nới trần làm thêm trong tháng từ 40 lên 60 giờ, trong năm từ 200 lên 300 giờ cho tất cả ngành nghề, trừ một số nhóm lao động. Quy định thực hiện tới hết ngày 31/12/2022 trong bối cảnh doanh nghiệp cần phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch.
Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội không đề cập tới cách tính lương làm thêm, chỉ nêu "trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động". Hiện theo quy định, lao động làm thêm các ngày trong tuần nhận ít nhất 150% mức lương bình thường; 200% vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% vào các ngày lễ, Tết.
Ông Mai Đức Chính, nguyên Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phân tích tăng giờ làm thêm không chỉ là câu chuyện sau dịch mà trở thành cuộc tranh cãi không hồi kết hàng chục năm qua khi sửa đổi Bộ luật Lao động. Giới chủ, hiệp hội doanh nghiệp đều muốn tăng giờ làm thêm vì mang lại nhiều lợi ích, như giảm khoản đóng bảo hiểm xã hội, tận dụng sức lao động, chi phí rẻ... Ngược lại, công nhân hưởng lợi rất ít và phải đánh đổi rất nhiều về sức khỏe, thời gian cho gia đình, con cái.
"Nới giờ làm thêm buộc người lao động tăng ca, đánh đổi nhiều hơn thì phải tính tiền tăng ca lũy tiến cho họ. Giữ nguyên như hiện nay là rất thiệt thòi cho lao động", ông nói và đề xuất làm thêm từ 201 đến 250 giờ, tiền lương phải nâng lên 200% trong ngày làm việc bình thường. Lương tăng lên 300% nếu làm thêm từ 251 đến 300 giờ; tiếp tục lũy tiến lên mức 400-500% nếu lao động làm thêm ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết.
Trước đây khi tham gia góp ý sửa đổi các quy định về lao động, tổ chức công đoàn luôn đề xuất nới trần làm thêm thì tiền tăng ca phải được lũy tiến. Lý do theo ông Chính, cách tính hiện nay chỉ phù hợp với quy định làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng. Việc để các bên tự thỏa thuận và yêu cầu doanh nghiệp có phúc lợi khi tăng ca là rất khó khi người lao động không có khả năng thương lượng, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất. Thực tế, gần như chưa có công đoàn cơ sở nào thương lượng được việc tăng tiền làm thêm khi lao động tăng ca.
Nguyên lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích giới chủ thường viện dẫn giờ làm thêm của Việt Nam thấp so với các nước để đề xuất tăng, nhưng lại quên mất thời gian làm việc chính thức của lao động Việt Nam cao hơn các nước nhiều, tới 48 tiếng mỗi tuần. So sánh lao động hai hai khu vực nhà nước và doanh nghiệp cũng đã thấy bất bình đẳng. Công chức, viên chức nhà nước làm việc 40 giờ/tuần do được nghỉ ngày thứ bảy, còn công nhân trong các doanh nghiệp làm đến 48 giờ. Trong một năm, công nhân phải làm nhiều hơn 400 giờ. Tiếp tục tăng ca, sức khỏe công nhân sẽ suy giảm, dễ xảy ra tai nạn lao động.
Từng đi khảo sát các nhà máy chế biến thủy sản, ông Chính gặp công nhân đứng 8 tiếng khiến máu dồn xuống dưới, chân phù lên phải cắt ủng cao su để rút chân ra. Hay công nhân nhà máy dệt luôn di chuyển để điều khiển, nối chỉ bị đứt, ước tính một ngày làm việc bình thường phải đi bộ hàng chục km. Vì thế, ông đề xuất chỉ nên nâng trần làm thêm 6 tháng đến một năm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng trần làm thêm 60 giờ mỗi tháng, 300 giờ mỗi năm cho tất cả ngành chỉ nên kéo dài hết năm nay và không gia hạn nữa để thực hiện đúng quy định của Bộ Luật lao động 2019 và các quy chuẩn, công ước quốc tế về thời giờ làm việc. "Nâng trần làm thêm không giúp bảo vệ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động, về lâu dài còn không có lợi cho nền kinh tế", ông Bình nói.
Chuyên gia phân tích, kéo dài thời gian làm việc trong một ngày mang lại nhiều cái lợi cho doanh nghiệp, bởi chi phí trả cho tăng ca không nhiều, lại không phải tuyển mới lao động, giảm được khoản đóng bảo hiểm xã hội. Về lâu dài, doanh nghiệp không đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất mà chỉ cần tận dụng lợi thế về nhân công giá rẻ để phát triển các ngành cần nhiều lao động. Năng suất lao động tăng thể hiện qua thu nhập của lao động tăng và thời giờ làm việc giảm xuống. Tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với triệt tiêu năng suất, không có lợi cho nền kinh tế, đi ngược với xu thế xã hội.
Nhiều chuyên gia cũng băn khoăn về khả năng thanh tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện có đúng quy định tăng giờ làm thêm hay không. Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, lo ngại tăng giờ làm thêm trong tháng có thể tạo kẽ hở để các doanh nghiệp ép công nhân làm việc quá giờ quy định. Bởi số doanh nghiệp lớn, quy định thanh kiểm tra lỏng lẻo, một năm các nhà máy chỉ bị kiểm tra một, hai lần, không có gì đảm bảo tháng này làm thêm vài chục giờ, tháng sau sẽ giảm để tuân thủ đúng quy định.
Mức phạt 75 triệu đồng với doanh nghiệp tăng ca quá quy định hiện nay theo ông Hà là quá thấp, gần như không có tác dụng răn đe. Ngược lại, người lao động nếu từ chối tăng ca có thể bị trừ thẳng vào tiền chuyên cần, chỉ cần từ chối làm thêm bốn ngày là xác định tháng đó không có khoản phụ cấp này. "Quy định tăng ca là trên tinh thần tự nguyện, nhưng công nhân luôn ở thế yếu, gần như không dám từ chối khi doanh nghiệp yêu cầu", luật sư Hà nói.
PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội dẫn lại lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ "Bao nhiêu doanh nghiệp có đơn hàng không làm kịp, bao nhiêu công nhân bị nhiễm Covid-19?" và cho rằng cần thêm những điều kiện đi kèm như đơn hàng cần xử lý gấp, lao động F0... để khống chế doanh nghiệp nào được áp dụng mức trần làm thêm 60 giờ mỗi tháng.
Cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể những điều kiện này làm cơ sở cho thương lượng của người lao động và chủ doanh nghiệp nếu tăng ca kịch trần. Bởi thực tế, những thỏa thuận trước nay của hai bên thường không được đặt ở vị thế ngang bằng. Ông Lộc dự báo, khi thương lượng tập thể không có kết quả hoặc người lao động bị ép tăng ca quá mức, giải pháp cuối cùng của họ có thể là ngừng việc phản đối, khiến doanh nghiệp thiệt hại nhiều hơn và tạo nên những bất ổn trong quan hệ lao động.
Cho rằng việc không tính lại lương lũy tiến cho người lao động khi tăng giờ làm thêm là đáng tiếc, ông Lộc đề nghị bù đắp bằng mức tăng lương tối thiểu vùng cao hơn sau hai năm không điều chỉnh và sẽ được thảo luận trong kỳ họp sắp tới của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Nới giờ làm thêm kéo dài sẽ hại nhiều hơn lợi khi công nhân bị vắt kiệt sức, tạo ra nhiều hệ lụy. Phần lớn công nhân còn có gia đình, con nhỏ phải chăm lo. Đi ca triền miên, vợ chồng còn không được nghỉ ngơi, lấy đâu ra thời gian dành cho con cái. Nhiều người phải gửi con về quê cho ông bà chăm, xa con ảnh hưởng lớn đến tình cảm gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo hệ lụy lên nhiều thế hệ.
Về lâu dài, ông Lộc đề xuất Việt Nam cần tính toán lại mô hình phát triển, chuyển dịch sang vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, không thể ở mãi khâu gia công, tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ sớm muộn cũng bị máy móc thay thế. Cần tìm cách nâng cao mức sống và chất lượng sống cho người lao động.
"Phục hồi sản xuất cần tính tới nhiều cách, không thể gặp khó khăn lại đề xuất tăng giờ làm thêm, tận dụng tối đa sức khỏe người lao động", ông đánh giá.
Khảo sát của công đoàn, công nhân Việt Nam chiếm 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hàng năm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước. Năm 2020, thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,4 triệu đồng mỗi tháng, trong đó lương 5,22 triệu đồng; làm thêm 934.000 đồng; thưởng, chuyên cần 2,1 triệu đồng.
Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra gần 41% lao động làm việc từ 40 đến 48 giờ mỗi tuần; 30,8% làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (33,9%) cao hơn nữ (27,4%). Cả nước có 7,5% lao động làm việc trên 60 giờ mỗi tuần, cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng với 9,3%.
Hồng Chiêu - Lê Tuyết