Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đây là số lượng thí sinh dự thi đông kỷ lục trong 20 năm triển khai chương trình EPS, tính đến 14/5. Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn được tổ chức tại 4 địa điểm gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP HCM, bắt đầu từ đầu tháng 3 đến hết tháng 6.
Riêng ngành sản xuất chế tạo chiếm hơn 80% tổng số thí sinh dự thi, hơn 36.300 người trong khi chỉ tiêu hơn 11.200. Hiện lao động ngành này đã dự thi tại Đà Nẵng và TP HCM. Các thí sinh còn lại thi tại Hà Nội từ 6/5 đến 22/6 và tại Thanh Hóa ngày 22/5-4/6.
Tỷ lệ đỗ tiếng Hàn trong ba nhóm ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng chỉ đạt 58%, song đến vòng thi tay nghề tỷ lệ đỗ trên 90%.
Để đảm bảo minh bạch và công bằng, ngoài máy dò kim loại, thí sinh phải đối chiếu khuôn mặt với thẻ dự thi dán ảnh trước khi vào phòng thi. Thí sinh cũng phải đăng ký định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID để ngăn ngừa hành vi giả mạo giấy tờ. Trong và ngoài phòng thi đều được bố trí camera giám sát, kết nối trực tuyến với phía Hàn Quốc suốt quá trình thí sinh làm bài. Nếu bị phát hiện gian lận, thi hộ, thí sinh sẽ bị hủy kết quả thi và cấm thi trong 4 năm.
Chương trình EPS có đặc thù chủ doanh nghiệp Hàn Quốc chọn lao động trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Thí sinh vượt qua hai vòng thi tiếng Hàn và tay nghề sẽ nộp hồ sơ dự tuyển với giới chủ, song không chắc chắn được chọn đi. Nhà chức trách khuyến cáo lao động nộp xong hồ sơ vẫn nên duy trì công việc bình thường, không ở nhà chờ đợi trong căng thẳng.
Chương trình cấp phép cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc khởi động từ năm 2004, đến nay Việt Nam đưa khoảng 127.000 người đi làm việc tại nước này. Đến tháng 10/2023, hơn 36.000 lao động, trong đó có 10.000 người cư trú trái phép, đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc.
Hồng Chiêu