Hôm đó là một ngày nóng nực, nhiệt độ ngoài trời lên tới 35 độ C. Dưới ánh nắng gắt của mùa hè, nông trại bí ngô nằm trong thung lũng kín gió ở bang Queensland, Australia như một lò lửa. Martin Hand, một thanh niên Anh đi du lịch "bụi", nhận thấy bạn đồng hành người Bỉ, Olivier Caramin, có dấu hiệu bất thường.
Cũng giống như nhiều du khách nước ngoài muốn lưu trú ngắn hạn ở Australia, họ buộc phải kiếm được một công việc thời vụ tại vùng hẻo lánh như thu hái, đóng gói hoa quả, tỉa cây cối ở các nông trại hoặc lao động tại các mỏ khai thác khoáng và công trình xây dựng, theo Guardian.
"Sắc da của cậu ấy hoàn toàn thay đổi so với lúc trước đó. Mắt lác đi, hai chân díu vào với nhau, còn tay vung vẩy, cậu ấy cắm đầu chạy về phía trước như một con hươu mới sinh", Han kể người chủ nông trại trước đó đã mắng mỏ Caramin vì làm việc chậm chạp và yêu cầu cậu phải làm đủ khối lượng công việc hàng ngày dù cậu than mệt.
Caramin tử vong trong bệnh viện vài tiếng sau đó. Cậu thanh niên 27 tuổi người Bỉ mới đến làm việc tại nông trại được ba ngày theo yêu cầu của cơ quan di trú Australia đối với những người nước ngoài muốn gia hạn thị thực du lịch kết hợp lao động thêm một năm.
Cái chết của Caramin khiến dư luận quan tâm đến nạn bóc lột người lao động nước ngoài làm việc thời vụ ở Australia. Có trường hợp tố cáo bị chủ nông trại hãm hiếp, lạm dụng sức lao động, sống trong điều kiện nghèo nàn và nhận tiền công rẻ mạt.
"Mục đích hàng đầu của các khách du lịch bụi là xin được thị thực lưu trú nên họ chấp nhận làm việc với tiền công thấp và trong điều kiện tệ hại", Shane Roulstone, cán bộ của liên đoàn lao động Australia, thừa nhận những người nước ngoài làm việc ngắn hạn ở những nông trại hẻo lánh dễ có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng.
Theo một khảo sát năm 2017 do ba trường đại học ở Sydney thực hiện với hơn 4.000 lao động nước ngoài thời vụ, nạn lạm dụng lao động diễn ra "phổ biến và nghiêm trọng". Thống kê cho thấy 1/3 số người được hỏi chỉ được trả dưới 12 USD mỗi giờ, thấp hơn rất nhiều so với mức lương quy định là 22.13 USD.
Katherine Stoner, sinh viên người Anh từng đến Australia du lịch và làm việc thời vụ để gia hạn thị thực, kể lại người chủ nông trại gợi ý cô và bạn đồng hành tên Elle, khỏa thân khi hái đào trong thời tiết nóng bức. Hồi đó, Stoner và bạn đều mới 18 tuổi và vừa tốt nghiệp trung học. Hai cô gái trẻ hoảng sợ trước câu nói "bóng gió" của gã nông dân và càng sợ hãi hơn khi nhận ra rằng họ đang ở một nơi hẻo lánh và hoang vu.
"Tôi chưa bao giờ gặp chuyện như vậy. Tôi không biết phải phản ứng thế nào. Hai đứa chúng tôi đứng ngây người ra và câm nín. Tôi cảm thấy mình biến thành con mồi, như thể hắn ta có thể làm bất cứ điều gì hắn muốn và chúng tôi không thể chống trả", Stoner nhớ lại.
Glenn Milne, chủ tịch hội đồng thị trấn Mildura, nơi được mệnh danh là vựa trái cây ở Australia với dân số 30.000 người nằm ở phía tây bang Victoria, tiết lộ từng nghe kể về những người nông dân gạ nữ lao động nước ngoài quan hệ tình dục để đổi lấy chữ ký của họ vào giấy xác nhận.
"Nếu con tôi tới một quốc gia khác tôi muốn nó được đối xử tử tế ở đó. Tôi cảm thấy đau buồn khi chứng kiến bọn trẻ bị đối xử như vậy", ông Milne cho biết các chủ khách sạn và nhà nghỉ địa phương thường dùng thủ đoạn lừa người lao động nước ngoài, đa phần là người trẻ mới ra trường. "Họ tính tiền phòng và thức ăn thật cao sau đó bắt bọn trẻ lao động không công để trả nợ... Ai cũng biết việc này sai nhưng điều luật nào quy định như vậy và ai là người thi hành luật?"
An Hồng